Người dân Khánh Hòa đi thuyền ra đảo yến Hòn Nội giữa vịnh Nha Trang để giỗ tổ nghề yến vào ngày 10-5 hằng năm - Ảnh: TRẦN HOÀI
Ngày 11-12, ông Lê Văn Hoa - phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa - cho biết đã có quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trong đó, có tri thức khai thác và chế biến yến sào ở Khánh Hòa.
Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa và Công ty TNHH nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa được UBND tỉnh này giao phối hợp tổ chức kiểm kê, xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể nêu trên.
Đến nay, lịch sử ngành nghề yến sào ở Khánh Hòa đã có gần 700 năm.
Tri thức khai thác, chế biến yến sào ở trong cộng đồng dân cư là kho tàng quý giá mang giá trị văn hóa, có ý nghĩa về phát triển kinh tế - xã hội.
Qua quá trình xây dựng và phát triển, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã tạo dựng được thương hiệu trong nước và vững bước vươn ra tầm thế giới. Hiện nay với hơn 40 dòng sản phẩm cao cấp, Yến sào Khánh Hòa đã có mặt tại 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng hơn 1.000 nhà phân phối, đại lý trong và ngoài nước.
Ngày 12-12, ông Tạ Xuân Chánh – giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Bình Định cho biết lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) cũng vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo ông Chánh, lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý là lễ hội truyền thống được ngư dân địa phương tổ chức hàng năm, bắt đầu từ ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch với các hoạt động dân gian và biểu diễn nghệ thuật: hát bội, bài chòi, hội chọi gà dân gian.
Lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý diễn ra theo nghi lễ cổ truyền: lễ nghinh thần Nam Hải, lễ tỉnh sinh, tế cầu quốc thái dân an, ngư dân ra khơi bình an, đánh bắt hải sản được mùa...
Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý ra đời song hành cùng sự hình thành Trường Lăng (lăng Ông của người Việt thành lập đầu tiên ở Quy Nhơn vào đầu Triều Nguyễn).
Lễ hội này là một hồi ức thuật lại những hoạt động hằng ngày của ngư dân trên biển từ việc đánh bắt cá, cho đến cách sinh hoạt của người dân, cả những lúc chống chọi với thiên tai bão lũ.
Lễ hội tổ chức nhằm tôn vinh những người đã khai lập ra nghề biển và thể hiện sự biết ơn đến cá Ông đã giúp đỡ người dân tránh thiên tai trên biển.
"Ngoài lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý, Bình Định còn có lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn và nghề chằm nón ngựa Phú Gia được công nhận, ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia", ông Chánh chia sẻ.