Phát biểu trong phiên thảo luận Toàn cầu hoá trong khoa học và công nghệ, Giáo sư Gérard Albert Mourou cho rằng, toàn cầu hoá tạo ra thêm nhiều vấn đề mang tính toàn cầu, đòi hỏi những nỗ lực cũng mang tính toàn cầu. Cũng chính vì nhiều trục trặc trên quy mô cực lớn xuất hiện, nhiều nhà khoa học trên khắp thế giới cần được tập hợp để chung tay giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu.
Chung tay giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu như đại dịch Covid-19 đem lại những lợi ích rất lớn mà ai cũng thấy rõ. Tuy nhiên, tiến trình này cần được thực hiện thường xuyên chứ không nên là chiến dịch mỗi năm một lần khi có những thảm hoạ xảy ra.
Bên cạnh đó, việc hợp tác thành công để giải quyết những vấn đề toàn cầu cũng gặp phải vấn đề về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Cũng vì thế, việc các nước đang phát triển có thể được hưởng lợi ích lớn hơn trong qua trình toàn cầu hoá gặp thách thức mới. Đây là chưa kể đến việc trong bối cảnh toàn cầu hoá, những nước đang phát triển làm thế nào để giữ chân và thu hút thêm tài năng về khoa học công nghệ là bài toán không dễ trả lời.
GS Mourou (người ngoài cùng bên tay phải) trong phiên thảo luận đầu tiên của chuỗi hoạt động tuần lễ VinFuture với chủ đề "Toàn cầu hoá trong khoa học và công nghệ".
Đến Việt Nam lần thứ 2 và thảo luận về chủ đề toàn cầu hoá trong khoa học và công nghệ khi mà nhiều người đang nhìn vào những mặt trái của toàn cầu hoá như đại dịch Covid-19, đặc biệt là bất bình đẳng giữa các quốc gia, ông có suy nghĩ gì?
Đó là một chủ đề rất thú vị. Toàn cầu hóa là một quá trình chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh và không phải một điều dễ dàng. Sẽ là một điều rất tốt khi có nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới tới đây để thảo luận về nó. Và tôi muốn cảm ơn VinFuture vì đã cho chúng tôi cơ hội để nói về một chủ đề quan trọng như thế này.
Ông có chia sẻ trong buổi thảo luận về giải quyết các vấn đề toàn cầu liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và cho rằng: "Đó là một vấn đề rất phức tạp!". Vấn đề phức tạp này nằm ở đâu?
Chúng tôi thảo luận về toàn cầu hoá, về câu chuyện của rất nhiều quốc gia, tổ chức cùng làm việc với nhau… và dẫn tới phát hiện là: việc sử dụng những khám phá, phát minh… liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Ở đây, vấn đề phức tạp và căng thẳng không chỉ liên quan đến các nước đang phát triển như Việt Nam mà có ở khắp mọi nơi. Đó là những vấn đề thuộc về con người thôi.
Trong lĩnh vực khoa học công nghệ và liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, phải chăng vấn đề phức tạp là do toàn cầu hoá đang đem đến lợi ích cho các nước phát triển nhiều hơn các nước nghèo?
Tôi nghĩ là toàn cầu hoá đem lại lợi ích cho cả nước giàu và nước nghèo. Nhưng toàn cầu hoá sẽ có những hình thái khác nhau tuỳ thuộc vào từng quốc gia, lĩnh vực.
Theo ông thúc đẩy toàn cầu hoá mạnh mẽ trong lĩnh vực khoa học công nghệ có dẫn tới việc nhân tài sẽ tiếp tục đổ dồn sang những quốc gia phát triển nhất và những quốc gia đang phát triển như Việt Nam sẽ gặp thêm khó khăn?
Nếu bạn muốn thu hút nhân tài thì phải có điều gì đó đặc biệt kiểu như chính sách thuế thu nhập hấp dẫn và kèm những điều kiện khác nữa. Riêng với Việt Nam, điểm đặc biệt hấp dẫn là các bạn đang phát triển rất nhanh và tôi cảm thấy rất ấn tượng về điều đó.
Việc tạo ra những điều kiện cần thiết để thu hút nhiều nhân tài về khoa học và công nghệ sẽ mất thời gian, nhưng Việt Nam đang chuyển động rất đáng kinh ngạc.
Theo ông, làm thế nào để một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể hấp dẫn nhiều tài năng khoa học và công nghệ đến làm việc, trong khi ở các nước phát triển khác thì điều kiện lại tốt hơn nhiều?
Bạn phải sống với thực tế (cười). Việt Nam có thể chưa bằng về điều kiện làm việc cho nhiều nhà khoa học nhưng bù lại đang có tốc độ tăng trưởng cực nhanh. Việt Nam sẽ mất thêm một ít thời gian và cần kiên nhẫn để tạo điều kiện làm việc ngày càng tốt lên cho từng nhà khoa học, sinh viên… tài năng mà các bạn đang có.
Các bạn đang đi đúng hướng, phát triển nhanh và tôi nghĩ không cần phải thấy quá lo lắng về điều này. Việt Nam sẽ tiến xa và trở nên rất tốt. Giống như Giải thưởng VinFuture đang có triển vọng trở thành một trong những giải thưởng về khoa học công nghệ tốt nhất trên thế giới.
Trên thực tế VinFuture đã là một trong những giải Top của thế giới rồi, nhưng sẽ mất thêm thời gian để giải thưởng này trở nên lớn và có ảnh hưởng mạnh hơn. Bạn nên nhớ là Giải Nobel đến nay đã được khoảng 120 tuổi rồi, vì thế nên chúng ta phải thật kiên nhẫn.
Ông khởi đầu việc nghiên cứu khoa học ở Pháp nhưng phải khi đến Mỹ thì công trình nghiên cứu của ông cùng với một đồng nghiệp khác, mới đoạt giải Nobel Vật lý. Theo ông, môi trường và địa điểm trong nghiên cứu khoa học có ảnh hưởng gì đến cơ hội cũng như kết quả?
Tôi nghĩ điều này rất quan trọng. Thực sự là môi trường rất quan trọng. Với riêng bản thân tôi, tôi thường đến những nơi có thể giúp mình phát triển được. Tôi rời Pháp - nơi tôi học, để đến Mỹ vì thời đó, tôi nghĩ Mỹ là nơi tốt hơn để nghiên cứu. Nhưng giờ đây mọi thứ đang thay đổi. Vì sao ư? Vì giờ đây chúng ta có thể đi và làm việc ở mọi nơi trên thế giới, có rất nhiều lựa chọn. Tất nhiên, bạn sẽ vẫn phải nỗ lực để lựa chọn được nơi nào nên đến nhưng nhìn chung có rất nhiều lựa chọn so với trước đây.
Theo ông, với xu hướng toàn cầu hóa như hiện nay, những nhà nghiên cứu ở Việt Nam hay ở các nước đang phát triển nói chung có cơ hội như thế nào trong việc tạo ra các thành tựu nghiên cứu mang tính đột phá, và có khả năng đoạt các giải thưởng lớn như Nobel, VinFuture, Turing, Milennium… hay không?
Các bạn phải đợi. Bản thân tôi cũng đã đợi đến 35 năm mới có được một giải Nobel. (cười)
Trong khi đợi, theo ông, toàn cầu hóa giúp ích được điều gì?
Toàn cầu hóa đem đến cho các bạn cơ hội để các nhà khoa học được làm việc cùng nhau về các vấn đề lớn. Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là các nhà khoa học được đến những nơi khác nhau, được tiếp xúc với các lĩnh vực khác nhau, và gặp nhiều người khác nhau... Đó cũng là cách mà người ta tạo ra những phát minh, sáng tạo mới.
Phát minh đôi khi chợt đến khi bạn chuyển sang một lĩnh vực mới hoặc gặp gỡ với những người mới. Và toàn cầu hóa cho các bạn cơ hội để làm điều đó.
Khi còn nhỏ, giấc mơ của ông có phải trở thành một nhà khoa học và được giải Nobel hay không?
Chưa bao giờ. Tôi là người thứ 14 đạt giải Nobel Vật lý. Vì chỉ có rất ít người được giải thưởng này nên tôi nghĩ bản thân mình rất may mắn. Tôi đã rất nỗ lực và chăm chỉ nhưng vẫn thấy mình may mắn vì cơ hội là rất nhỏ.
Điều gì đã tạo cho ông niềm đam mê nghiên cứu khoa học?
Vì tôi tò mò. Khoa học là để khám phá chúng ta đến từ đâu, chúng ta sẽ đi đến đâu, chúng ta được làm từ những gì… Và tôi luôn tò mò về những điều ấy.
Ai là người khuyến khích, hỗ trợ ông trong quá trình nghiên cứu khoa học khi mới bắt đầu?
Bố tôi và gia đình tôi. Bố tôi cũng chưa từng nghĩ đến việc tôi sẽ có giải thưởng Nobel nhưng ông đã giúp tôi vì tôi thích khoa học.
Trong cuộc đời nghiên cứu của ông, đâu là nhân tố mang tính bước ngoặt giúp tạo nên những phát minh mang tính đột phá như siêu laser?
Khi bạn làm một nghiên cứu, bạn sẽ không bao giờ biết được khi nào mình tạo ra được một phát minh. Nhưng cũng như trong cuộc sống của bạn vậy. Sẽ có những lúc bạn phát hiện ra một thứ gì đó. Có thể không phải một thứ gì đó quá lớn lao, nhưng bạn đã khám phá ra nó, và điều đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Có thể là khi bạn lái xe, đi dạo trong công viên, hoặc khi bạn đang làm bất cứ một điều gì. Ví dụ với phát minh về siêu laser, tôi đã phát hiện ra nó vào lúc đang trượt tuyết.
Phát minh về siêu laser đã đem đến cho ông giải Nobel Vật lý vào năm 2018 và ông từng chia sẻ là 10-15 năm sẽ giới thiệu những ứng dụng trong thực tế. Đến nay, những ứng dụng nào đã đi vào cuộc sống và trở nên phổ biến với siêu laser?
Các ứng dụng trong đời sống đã có sớm hơn nhiều so với dự kiến của tôi và còn có rất nhiều nữa. Một trong những ví dụ dễ thấy nhất là phẫu thuật mắt với tia siêu laser. Hàng chục triệu người trên khắp thế giới đã được mổ mắt với ứng dụng này.
Với một nhà nghiên cứu khoa học và giảng dạy, điều gì đem lại cho ông niềm vui lớn nhất?
Niềm vui được khám phá ra một thứ gì đó mà chưa ai phát hiện ra, tìm ra được lời giải thích cho một hiện tượng chưa có lời giải, tìm ra một kết quả gì đó mà chưa một ai nhìn thấy.
Vậy những giải thưởng lớn của thế giới như Nobel, Milennium, Turing… có phải là mục tiêu lớn nhất trong nghiên cứu khoa học của ông hay không?
Không. Tôi nghiên cứu vì yêu khoa học chứ không phải chỉ để thắng các giải thưởng.
Một nhà nghiên cứu như ông có mục tiêu về tiền bạc hay không?
Tất nhiên tôi cần tiền để sống và phải lo cho gia đình, nhưng tiền chưa bao giờ nằm trong công thức những mục tiêu của tôi.
Một số tỷ phú ở Việt Nam nói rằng tiền còn không quan trọng với họ nữa và họ cũng không còn đếm mình có bao nhiêu tiền từ rất lâu rồi. Còn với một nhà khoa học thì sao?
Tôi nghĩ điều này đúng. Tôi cũng không bao giờ đếm mình có bao nhiêu tiền (cười). Mục tiêu trong cuộc đời của tôi chưa bao giờ là tiền. Tôi cũng có những sở thích về thể thao như đi trượt tuyết, và yêu âm nhạc. Vậy nên tôi cần tiền để làm những điều đó, nhưng tiền với tôi không quá quan trọng.
Còn giải Nobel thì sao?
Tất nhiên rồi, đó là điều tuyệt vời khi tôi đạt được nó. Tôi sẽ thích được trao giải Nobel hơn là nhận được 1 tỷ đô la (cười).
Điều gì đã giúp cho ông trở thành một nhà khoa học thành công?
Với tôi, đó là niềm yêu thích những việc mình làm, tình yêu cho khoa học. Đây là lý do duy nhất mà tôi làm khoa học, vì tôi yêu nó. Tôi chưa bao giờ đi làm vì khoa học luôn là một vinh hạnh cho tôi.
Ông có chia sẻ gì với những nhà khoa học trẻ mới bắt đầu trong quá trình nghiên cứu?
Đơn giản là hãy đam mê và tâm huyết với tất cả những điều bạn làm. Sự đam mê sẽ dẫn lối đến thành công.
Khánh Linh – Hoàng Ly
Nhịp sống thị trường