Dương Diệu Linh theo đuổi chủ đề nữ giới, ngoại tình trong các phim ngắn và phim dài đầu tay "Mưa trên cánh bướm" - Ảnh: NVCC
Những cuộc trò chuyện giữa các bà nội trợ mà đạo diễn Dương Diệu Linh được nghe từ nhỏ đến lớn luôn ngập tràn chuyện ngoại tình, việc phụ nữ chịu đựng trong hôn nhân.
Điều đó làm cô băn khoăn về hạnh phúc đích thực.
Nỗi ám ảnh về ngoại tình
* Mưa trên cánh bướm có cùng chủ đề ngoại tình với 2 phim ngắn của chị là Ngọt, mặn cũng như Mẹ, con gái và những giấc mơ. Các phim này chia sẻ nguồn cảm hứng chung nào?
- Tôi lớn lên trong một gia đình thiếu người đàn ông. Tôi thường “bám càng” các bà các mẹ, nghe các mẹ tâm sự khi họp mặt gia đình. Trong 10 buổi thì phải đến 9 buổi tôi được nghe chuyện ai đó đang ngoại tình.
Đạo diễn Dương Diệu Linh là gương mặt trẻ nổi bật của điện ảnh độc lập Việt Nam nhiều năm nay - Ảnh: Facebook nhân vật
Cách các bà các mẹ nói giống như tự kỷ ám thị rằng chuyện đó không sớm thì muộn cũng sẽ xảy ra. Điều đó khiến tôi bị ám ảnh, bất an về tương lai, không biết hạnh phúc đích thực là như thế nào.
Trong phim Hàn, dường như mục đích sống của mọi người là tìm được đình yêu đích thực, hay cái kết như chuyện cổ tích: “Từ đó họ sống hạnh phúc bên nhau trọn đời - happy ever after”.
Tôi thấy sự khác biệt giữa thế giới thực và phim. Và tôi muốn làm phim để kể những chuyện “hậu happy ever after”, về những sự thật phũ phàng.
Tôi nghĩ đó là sự ám ảnh chung của phụ nữ trung niên ở Việt Nam.
Tôi rất muốn tìm câu trả lời. Có thực sự chuyện ngoại tình khiến phụ nữ đau khổ? Tại sao họ có nỗi sợ như thế?
Sự giằng xé của người làm mẹ
* Trong Mưa trên cánh bướm, người phụ nữ có chồng ngoại tình kìm nén nỗi đau, không có khoảnh khắc vỡ òa nào cả. Điều đó nói lên gì về áp lực xã hội của họ?
- Con người trong xã hội hiện đại vừa đối mặt với những bi kịch cá nhân, nhưng vẫn phải làm một người lớn với đủ các chức năng mà xã hội yêu cầu.
Phụ nữ phải đối mặt với nhiều tiêu chuẩn kép: về nhà phải nấu cơm ngon, nhà cửa sạch sẽ, con cái phải ngoan ngoãn, học giỏi; khi đi với chồng thì phải khiến chồng hãnh diện, phải biết ứng xử, mặc đẹp, thơm tho, gọn gàng.
Trong công việc, trào lưu bình đẳng giới mang đến cho chúng ta nhiều thứ nhưng cũng lấy đi kha khá đặc quyền. Phụ nữ đang loay hoay cân bằng giữa tính nữ và tính nam trong chính mình. Họ gặp áp lực phải làm những gì đàn ông làm được, có sự nghiệp thành công không kém giới kia.
"Mưa trên cánh bướm" khắc họa nỗi niềm của những người phụ nữ trong một gia đình tan vỡ - Ảnh: ĐPCC
Nhưng sau khi có em bé và làm mẹ, tôi nhận ra rằng phụ nữ không bao giờ làm được những gì đàn ông làm theo cách đàn ông vẫn làm.
Cấu tạo cơ thể của hai giới khác nhau, thể chất và cảm xúc của phụ nữ khác nhau. Vậy mà chúng ta tự ép mình hoạt động hùng hục như đàn ông, chịu sao được? Phụ nữ vẫn có thể có sự nghiệp nhưng phải hy sinh nhiều thứ khác.
Nếu muốn sự nghiệp, mình không thể nào toàn tâm toàn ý cho gia đình và con cái. Mình sẽ luôn luôn ở trong trạng thái có lỗi, hoặc là con cái, gia đình, hoặc là công việc.
Trong những năm qua, tôi luôn phải tìm cách cân bằng. Nếu dành quá nhiều thời gian cho công việc thì không có thời gian cho con, mà mình chỉ có đúng chừng đó năm tháng với con thôi trước khi bạn ấy trưởng thành.
Dù ở chỗ làm có chuyện buồn, về nhà mình không thể trút lên con mà vẫn phải dịu dàng. Khi đi làm, mình không thể nói hôm nay tôi không hoàn thành công việc vì tôi buồn quá, nhiều áp lực quá.
Không chỉ phụ nữ mà ngay cả đàn ông cũng không có thời gian để thở.
Đàn ông cũng rất khổ, thế giới của họ cạnh tranh gay gắt hơn nữa vì liên quan đến địa vị và thành công cá nhân. Mình chạy theo những tiêu chuẩn xã hội đặt ra cho đàn ông và phụ nữ mà quên cách trở thành chính mình, mình là ai, điều gì khiến mình hạnh phúc...
Phụ nữ đừng tự coi mình là nạn nhân
* Nghề đạo diễn điện ảnh đàn ông chiếm đa số. Nhưng điện ảnh Việt Nam rất cần những câu chuyện và góc nhìn giàu tính nữ, do phụ nữ kể ra. Và chị là một trong những đạo diễn nữ đó.
- Ngày xưa tôi tự ái lắm, không muốn được thiên vị. Đó là một phần trong trào lưu bình đẳng giới: muốn mọi người nhìn nhận mình như một “đạo diễn” chứ không phải “đạo diễn nữ” chuyên làm phim về phụ nữ, ghét đàn ông.
Khi tôi đi các liên hoan phim, có những người nói thật may mắn cho cô ấy khi là đạo diễn nữ đến từ Việt Nam - một đất nước đang được hệ thống liên hoan phim quan tâm. Tôi tự ái, tổn thương vì bị phủ nhận nỗ lực.
Dương Diệu Linh và đoàn phim "Mưa trên cánh bướm" tại Liên hoan phim Venice, nơi phim đoạt 2 giải thưởng - Ảnh: NVCC
Trước đây tôi cứ gồng lên rằng “đừng gọi tôi là đạo diễn nữ mà hãy gọi là đạo diễn thôi". Nhưng gần đây, có chút thay đổi khi tôi nhận ra có rất nhiều bộ phim làm về phụ nữ hơi “exotic” - tức là cố làm cho nó thú vị hơn, giống cách những người đàn ông da trắng có góc nhìn hơi chụp mũ về phụ nữ da màu.
Tất nhiên vẫn có những phim hay về phụ nữ do đàn ông làm, nhưng đúng là có những bộ phim do nước ngoài làm về phụ nữ châu Á, phụ nữ Việt Nam có góc nhìn hơi lệch lạc. Đó là luôn cam chịu, hy sinh, nhẫn nhịn, như thể nạn nhân vậy.
Trong Mưa trên cánh bướm, tôi thể hiện hình ảnh người phụ nữ đang cố gắng làm chủ chính mình. Không ai làm hại họ, không phải họ bị xã hội vùi dập mà là họ bị rối trong mớ bòng bong của những quy chuẩn xã hội, và cả những quy chuẩn họ tự đặt ra cho nhau.
Tôi muốn kêu gọi phụ nữ hãy chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của chính mình, đừng đặt mình vào vị trí nạn nhân quá nhiều.