Chuyên mục  


Ngày 20/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Cộng hòa Czech, tại khách sạn trung tâm thủ đô Prague. 30 phút trước khi sự kiện bắt đầu, hội trường đã chật kín khách với hơn 250 đại biểu từ các cơ quan Czech và doanh nghiệp hai nước thuộc nhiều lĩnh vực như công nghiệp, tài chính, sản xuất, vận tải, thực phẩm...

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Czech tại Prague ngày 20/1 thu hút hơn 250 doanh nghiệp hai nước tham gia. Ảnh: Anh Tú

Phát biểu mở đầu diễn đàn, ông Lukáše Vlčka, Bộ trưởng Công Thương Czech, cho biết các mặt hàng của Việt Nam như quần áo, giầy dép, cà phê... rất được ưa chuộng tại nước này. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Czech có tiếng vang lớn tại Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghiệp quốc phòng, sản xuất ôtô, năng lượng.

Ông Vlčka cũng khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng nhất để phát triển kinh tế thương mại tại Đông Nam Á. Bộ trưởng Công Thương Czech đánh giá việc Tập đoàn Skoda có mặt tại thị trường Việt Nam là sự kiện lịch sử. "Skoda có kế hoạch sản xuất 30.000 xe tại Việt Nam mỗi năm để xuất khẩu sang các nước ASEAN", ông Vlčka nói. Nhà máy của hãng xe hợp tác cùng Thành Công tại Quảng Ninh dự kiến vận hành trong quý I/2025.

Ông Lukáše Vlčka, Bộ trưởng Công Thương Czech. Ảnh: Anh Tú

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho hay Czech hiện là đối tác thương mại lớn thứ 10, nhà đầu tư lớn thứ 13 của Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU). Thương mại song phương Việt Nam - Czech tăng rất nhanh, trung bình tăng gấp đôi sau 5 năm.

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 2,9 tỷ USD và tăng lên mức 3,8 tỷ USD năm ngoái. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 3,3 tỷ USD.

Hiện tại, các mặt hàng Việt Nam sang Czech chủ yếu gồm các loại nông sản như cà phê, hạt tiêu, gạo, cao su; hải sản; hàng dệt may; đồ thủ công mỹ nghệ; linh kiện máy vi tính. Còn Czech xuất sang Việt Nam nhiều sản phẩm như hàng điện tử, máy móc thiết bị, sản phẩm cơ khí, hóa chất, dược phẩm, sữa và sản phẩm từ sữa, sản phẩm thủy tinh... Các lĩnh vực hợp tác đầu tư có thế mạnh của quốc gia Trung Âu này là năng lượng, đầu máy - toa xe lửa, xe buýt, tàu điện, máy nông nghiệp...

Về đầu tư, Czech có 41 dự án FDI tại Việt Nam với vốn 92 triệu USD, tập trung chủ yếu trong ngành chế biến, chế tạo, khai khoáng. Dù vậy, Bộ trưởng Diên nhận định những kết quả đạt được trong hợp tác về kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên.

"Nó cũng chưa tương xứng với quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, nhất là khi nâng cấp lên đối tác chiến lược", Bộ trưởng Công Thương nói.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Czech. Ảnh: Anh Tú

Dẫu vậy, Phó chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Vận tải Czech František Chaloupecký, tổ chức có hơn 10.000 thành viên trong các lĩnh vực đóng góp 40% vào GPD của quốc gia Trung Âu này, chia sẻ rằng "không có một đất nước nào trên thế giới gần gũi với Czech về cả quan hệ Chính phủ, văn hóa, thương mại như Việt Nam".

Ông giải thích rằng rất nhiều người Việt đã học tập tại Tiệp Khắc (tên gọi trước của Czech) và nói thông thạo tiếng bản địa. Đồng thời, bằng sự cần cù, chăm chỉ, cộng đồng người Việt đã trở thành hình mẫu cho thế hệ thứ hai của Czech.

Ông Chaloupecký cũng đánh giá thị trường Việt Nam có nhiều cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Czech trong lĩnh vực xử lý nước thải, năng lượng, ôtô, y tế. Từ 1994 đến nay, hơn 300 doanh nghiệp đã cùng liên đoàn này sang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Diên đề nghị Việt Nam - Czech cần hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn, nhất là trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và chuyển đổi năng lượng để cùng ứng phó và nâng cao sức chống chịu của mỗi nền kinh tế. Bộ trưởng nói doanh nghiệp Czech có thể đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam đang chú trọng phát triển như chip bán dẫn, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật hay năng lượng, cơ sở hạ tầng.

Tại diễn đàn, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp Việt - Czech cũng nêu một số kiến nghị để thúc đẩy hợp tác, đầu tư giữa hai bên. Ông František Chaloupecký đề nghị sớm có đường bay thẳng Praha - Hà Nội để thúc đẩy du lịch, giao thương giữa hai nước. Đây cũng là mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp.

Đại diện Sev.en Global Investments - công ty đang đầu tư vào nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 ở Quảng Ninh - cũng mong muốn các thủ tục đầu tư có thể hoàn thành trong vài tháng tới.

"Đây khoản đầu tư lớn nhất của doanh nghiệp Czech vào Việt Nam và lớn nhất trong khối EU", Petr Štulc, Giám đốc chiến lược Sev.en Global Investments thông tin.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp ở thủ đô Prague sáng 20/1, Ảnh: Anh Tú

Sau khi lắng nghe toàn bộ chia sẻ, đề xuất tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi doanh nghiệp hai nước khai thác tối đa các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU. Từ đó, lãnh đạo Chính phủ mong muốn kim ngạch thương mại Việt Nam - Czech có thể sớm đạt giá trị 5 tỷ USD trong vài năm tới bởi dư địa tăng trưởng còn rất lớn.

Ông kêu gọi doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối, hợp tác cùng nhau, nhất là hạ tầng năng lượng, năng lượng xanh, chống biến đổi khí hậu, y tế hay các ngành mới nổi như kinh tế xanh, tuần hoàn, tri thức, sáng tạo. Về đề xuất tăng kết nối giao thông, ông Phạm Minh Chính nói đã chỉ đạo hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines nghiên cứu đường bay thẳng hoặc nghiên cứu hành trình với một cung đường, nhiều điểm đến.

Kết thúc phần chia sẻ, Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp hai nước cùng hợp tác, cùng hưởng lợi để được cùng tự hào khi đóng góp cho sự phát triển quan hệ Việt Nam - Czech đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.

Anh Tú

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020