Tờ Bild am Sonntag của Đức đưa tin cuộc gặp riêng giữa cựu thủ tướng Gerhard Schroeder và Tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra trong vài giờ tại thủ đô Moskva hôm 10/3 nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột tại Ukraine. Một nguồn thạo tin cho hay Schroeder trước đó cũng có cuộc trao đổi dài với một trong những cố vấn thân cận nhất của ông Putin.
Ông Schroeder sau đó cùng vợ rời Moskva sáng 12/3 và tới Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Cựu thủ tướng Đức chưa tiết lộ bất cứ chi tiết nào về kết quả cuộc gặp với Tổng thống Nga.
Trước cuộc gặp với Tổng thống Putin, ông Schroeder ngày 7/3 tiếp một nhóm quan chức Ukraine có liên hệ với phái đoàn tham gia đàm phán hòa bình cùng Nga, một nguồn tin cho biết.
Cựu thủ tướng Schroeder là bạn của Tổng thống Putin, đồng thời có mối liên hệ với các công ty Nga. Ông Schroeder cũng được cho là người duy nhất có liên hệ trực tiếp với Tổng thống Nga và các quan chức hàng đầu Ukraine.
Cựu thủ tướng Đức Gerhard Schroeder tại Berlin tháng 11/2018. Ảnh: Reuters.
Các nguồn tin cho biết chính phủ Đức không đồng ý và không tham gia bất cứ cuộc gặp nào của cựu thủ tướng Schroeder với Tổng thống Putin. Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 11/3 từ chối bình luận về cuộc họp của ông Schroeder, song khẳng định sẽ ghi nhận bất cứ kết quả nào và đưa chúng vào những nỗ lực khác mà ông tham gia.
Thủ tướng Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 12/3 điện đàm với Tổng thống Putin. Lãnh đạo Đức và Pháp kêu gọi Nga lập tức ngừng bắn tại Ukraine và thúc đẩy giải pháp ngoại giao cho xung đột.
Trong khi đó, Tổng thống Putin hối thúc ông Macron và ông Sholz gây áp lực buộc giới chức Ukraine chấm dứt hành vi "phá hoại hoạt động sơ tán và uy hiếp dân thường tìm cách rời vùng chiến sự".
Ông Schroeder, đảng viên Dân chủ Xã hội (SPD), giữ chức thủ tướng Đức năm 1998-2005, đồng thời là thành viên hội đồng quản trị tập đoàn dầu mỏ Nga Rosneft và chủ tịch ủy ban cổ đông công ty phụ trách xây dựng đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 2.
Một số chính trị gia Đức đã kêu gọi cựu thủ tướng Schroeder từ bỏ vai trò của mình tại các công ty Nga sau khi chiến sự nổ ra tại Ukraine ngày 24/2.
Nhiều lãnh đạo thế giới đã nỗ lực tiến hành hoạt động ngoại giao con thoi nhằm tìm giải pháp cho xung đột Nga - Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ gần đây tổ chức cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng hai nước, nhưng chưa tìm ra được giải pháp mang tính đột phá cho lệnh ngừng bắn. Giới chức Pháp hôm qua nhận định Tổng thống Putin không có dấu hiệu cho thấy sẽ sớm chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)