Chuyên mục  


Tòa án cấp cao ở thủ đô Dhaka, Bangladesh, ngày 13/8 chấp thuận đơn kiện của công dân Amir Hamza chống lại cựu thủ tướng Sheikh Hasina và 6 người khác. Thẩm phán cũng ra lệnh cho cảnh sát điều tra vụ án này, theo luật sư Anwarul Islam của Hamza.

Ngoài bà Hasina, 6 người bị kiện còn lại gồm tổng thư ký đảng Liên đoàn Awami Obaidul Quader, cựu bộ trưởng nội vụ Asaduzzaman Khan Kamal và các quan chức cảnh sát cấp cao.

Công dân Hamza cho biết một người bán tạp hóa tên Abu Saeed đã thiệt mạng vì trúng đạn của cảnh sát, khi anh này đang băng qua đường ở khu vực Mohammadpur, thủ đô Dhaka, đúng lúc cảnh sát nổ súng vào đám đông biểu tình hôm 19/7.

Hamza cho rằng cựu thủ tướng Hasina, người đã kêu gọi biện pháp mạnh mẽ để dập tắt biểu tình bạo lực, phải chịu trách nhiệm về hành vi nổ súng của cảnh sát. Hamza nói thêm anh không phải họ hàng với Saeed, nhưng tự nguyện đứng ra kiện vì gia đình Saeed không có tiền.

Cựu thủ tướng Bangladesh chưa bình luận về sự việc.

Người biểu tình trên đường phố Dhaka, Bangladesh, ngày 19/7. Ảnh: Reuters

Đây là vụ án đầu tiên được đệ trình ở Bangladesh chống lại cựu thủ tướng Hasina, kể từ khi nước này nổ ra các cuộc biểu tình bạo lực, khiến hơn 400 người thiệt mạng. Do áp lực từ các cuộc biểu tình và sức ép của quân đội, bà Hasina đã chấp nhận từ chức và lên trực thăng rời Bangladesh ngày 5/8.

Nahid Islam, lãnh đạo sinh viên Bangladesh, người góp phần lật đổ bà Hasina và đang làm việc trong chính phủ lâm thời, cũng cho rằng cựu thủ tướng phải ra hầu tòa vì những vụ giết người xảy ra trong nhiệm kỳ của bà, trong đó có những cái chết liên quan các cuộc biểu tình gần đây.

Cựu thủ tướng Bangladesh ngày 13/8 lần đầu lên tiếng sau khi bị phế truất, chỉ trích những người "nhân danh biểu tình để phá hoại đất nước". Bà kêu gọi điều tra, buộc những "những kẻ gây ra những vụ giết người, phá hoại" phải chịu hình phạt thích đáng. Hàng trăm người đã thiệt mạng trong cuộc biểu tình phản đối chính phủ của bà.

Bà Hasina dự định trở về Bangladesh khi chính quyền lâm thời ấn định tổ chức tổng tuyển cử. Cuộc bầu cử sẽ do chính phủ lâm thời của ông Muhammad Yunus, 84 tuổi, người từng nhận giải Nobel Hòa bình, tổ chức.

Ngọc Ánh (Theo Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020