Chuyên mục  


Đặc nhiệm Thủy quân lục chiến Mỹ hồi tháng 5 thử nghiệm mẫu chó robot được gắn vũ khí giống súng máy tự động. Dù robot 4 chân đã được Mỹ sử dụng phổ biến những năm gần đây để thực hiện nhiều nhiệm vụ như rà phá bom mìn hay tuần tra, đây là lần đầu tiên xuất hiện thông tin một đơn vị quân đội nước này sử dụng chó robot trang bị khí tài.

Ba tuần sau đó, quân đội Trung Quốc đăng video giới thiệu tính năng mẫu chó robot quân sự mà nước này từng công bố trong cuộc diễn tập chung Rồng vàng 2024 với Campuchia. Video cho thấy mẫu "quân khuyển robot" được gắn súng trường và phối hợp chiến đấu với binh sĩ Trung Quốc trên thao trường.

"Nó có thể trở thành thành viên mới trong các chiến dịch tác chiến đô thị của chúng tôi, thay các quân nhân khác thực hiện nhiệm vụ trinh sát, xác định mục tiêu và tấn công kẻ địch", giọng một binh sĩ vang lên trong video, trong lúc khẩu súng trường trên chó robot khai hỏa nhiều loạt đạn.

Theo video, mẫu robot này có thể hoạt động độc lập trong 2-4 giờ và thực hiện nhiều động tác linh hoạt như di chuyển tới - lui, nằm xuống và bật nhảy vượt chướng ngại vật. Bên cạnh đó, nó còn có khả năng tự lên lộ trình di chuyển, tiếp cận mục tiêu và tránh chướng ngại vật.

trung-quoc-khoe-tinh-nang-cua-cho-robot-quan-su-1716953970.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=D-EeHvemcQxDZ09jzP8l5A
Trung Quốc khoe tính năng của chó robot quân sự

Chó robot quân sự Trung Quốc trình diễn tính năng trong video đăng ngày 28/5. Video: CCTV

Vào tháng 8, lục quân Mỹ trình diễn năng lực của chó robot Vision 60 Q-UGV, do hãng Ghost Robotics sản xuất, khi diễn tập chống drone tại căn cứ Fort Drum ở thành phố New York. Nó được trang bị một tháp pháo cỡ nhỏ ở mặt trước, phía trên là một khẩu súng trường bán tự động kiểu AR-15, có thể được điều khiển từ xa bằng một thiết bị giống máy tính bảng.

Trên khẩu súng có gắn thiết bị dường như là một hệ thống ngắm bắn quang điện tử với ống kính cỡ lớn, đồng nghĩa với khả năng quan sát dựa trên tín hiệu nhiệt, vốn rất hữu ích cho nhiệm vụ tìm kiếm mục tiêu trên bầu trời. Ngoài ra, Vision 60 Q-UGV còn được gắn một thiết bị chiếu xạ laser ở bên sườn, cùng một camera giống như dòng GoPro đặt trên chiếc cột ở phía sau.

Chưa rõ phiên bản hoàn chỉnh của nó có khả năng nhận dữ liệu từ các cảm biến bên ngoài hay không, song sở hữu mức độ tự động hóa nhất định sẽ giúp Vision 60 Q-UGV có thể đảm nhiệm tốt hơn nhiệm vụ chống drone.

my-pho-dien-mau-cho-robot-chuyen-chong-drone-1723088040.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cEMSzc38nT9mczfIX8VMoQ
Mỹ phô diễn mẫu chó robot chuyên chống drone

Chó robot gắn súng trường kiểu AR-15 hoạt động tại căn cứ Fort Drum hôm 1/8. Video: Lục quân Mỹ

Tại Anh, quân đội thử nghiệm các mẫu robot 4 chân "Spot" của hãng Boston Dynamics và Vision 60 của hãng Ghost Robotics để phối hợp tác chiến với lực lượng bộ binh trong tương lai. Chúng sẽ đảm nhận các vai trò như vận chuyển vật tư quan trọng, thăm dò những khu vực độc hại và thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu được cho là "quá nguy hiểm với con người", theo Bộ Quốc phòng Anh.

Vai trò của các thiết bị như robot đã được thể hiện rõ nét trong hai cuộc xung đột lớn đang diễn ra. Phương tiện không người lái (drone), đặc biệt là loại hoạt động trên không, hiện là vũ khí chủ đạo trên chiến trường Ukraine. Kể từ đầu chiến sự, đã xuất hiện rất nhiều video quay cảnh loại đạn này bay xuyên qua cánh đồng để lao vào xe tăng và thiết giáp của đối phương, trước khi tung ra đòn đánh quyết định để phá hủy mục tiêu.

Trong khi đó, quân đội Israel tại Dải Gaza sử dụng robot 4 chân để rà soát hệ thống địa đạo và các khu vực chật hẹp khác nghi có thành viên Hamas ẩn náu. Một số đơn vị còn được trang bị thêm loại drone có tên Rooster. Nó nằm bên trong một chiếc lồng dạng bánh xe, có thể được gắn trên lưng của chó robot. Loại drone này có thể di chuyển trên mặt đất và nhảy qua chướng ngại vật nếu cần thiết.

Ngoài việc thử nghiệm cho mục đích quân sự, công nghệ chó robot cũng đang được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực khác. Cảnh sát nhiều quốc gia trên thế giới đang dùng robot 4 chân để thực hiện một số loại nhiệm vụ, trong đó có kiểm soát đám đông. Tại Singapore, chúng từng được triển khai để đảm bảo người dân tuân thủ quy định giãn cách xã hội trong thời kỳ Covid-19.

Chó robot còn được sử dụng trong lĩnh vực tư nhân. Throwflame, công ty Mỹ chuyên sản xuất thiết bị phun lửa dùng cho mục đích dân sự, đang mở bán một mẫu chó robot gắn súng phun lửa và tích hợp Wi-Fi, Bluetooth với 9.420 USD. Nhiều loại robot 4 chân đang được phát triển để làm nhiệm vụ dẫn đường cho người khiếm thị hoặc sử dụng cho các nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn.

Chó robot phun lửa của công ty Throwflame. Ảnh:Throwflame

Công nghệ lõi để chế tạo chó robot đã có tuổi đời hơn hai thập kỷ. Năm 2015, tập đoàn Boston Dynamics ra mắt mẫu robot 4 chân cỡ lớn mang tên BigDog, nhằm hỗ trợ binh sĩ di chuyển qua các địa hình gồ ghề, không phù hợp với các phương tiện đi lại truyền thống.

Mẫu robot này khi đó được cho là quá ồn để sử dụng trên thực tế, song công nghệ chế tạo nó đã tiếp tục được sử dụng trong mẫu robot kế cận có tên là Spot. Ra mắt 10 năm sau BigDog, Spot có kích thước nhỏ hơn và sở hữu nhiều tính năng hơn phiên bản tiền nhiệm, được coi là nền tảng về thiết kế để chế tạo ra nhiều mẫu robot tương tự.

Trong tất cả các loại ứng dụng về cho robot, việc sử dụng hoặc thử nghiệm công nghệ này cho mục đích quân sự đang gây ra nhiều mối lo ngại nhất.

Tháng 10/2022, Boston Dynamics đã viết một lá thư có chữ ký có 5 công ty công nghệ khác, cam kết không ủng hộ việc vũ khí hóa các sản phẩm của mình.

"Chúng tôi tin rằng việc trang bị vũ khí cho robot có khả năng điều khiển từ xa hoặc tự hoạt động, có khả năng di chuyển đến các khu vực có người sinh sống, sẽ mang tới những rủi ro gây tổn thương và các vấn đề đạo đức nghiêm trọng", bức thư có đoạn.

Robot Vision 60 của Ghost Robotics trình diễn tại Seoul năm 2024. Ảnh: NurPhoto

Daniel Koditschek, giáo sư kỹ thuật tại Đại học Pennsylvania và là đồng nghiệp cũ của Parikh, cũng có mối lo ngại tương tự. "Tôi chắc chắn rằng việc trang bị súng cho các cỗ máy có những chiếc chân nhỏ này sẽ phá vỡ một rào cản quan trọng về đạo đức", ông cho biết.

Chuyên gia này cũng cảnh báo về việc tích hợp AI vào công nghệ chó robot, khẳng định chúng nguy hiểm không kém "vũ khí hủy diệt hàng loạt".

Một số người thì cho rằng đây là lời cảnh báo quá đà. Peter Singer, chuyên gia về công nghệ quân sự tại viện nghiên cứu New America có trụ sở tại Mỹ, cho rằng dù video về tính năng của chó robot quân sự có trông đáng sợ đến thế nào chăng nữa, công nghệ này vẫn đang ở trong giai đoạn sơ khai. Không giống như drone, vốn đang được triển khai trên phạm vi toàn cầu, chó robot mới chỉ được ứng dụng bởi các quốc gia lớn với ngân sách quốc phòng dồi đào.

"Có rất nhiều công nghệ đang được trình diễn song chưa sẵn sàng để ứng dụng rộng rãi", Singer nhấn mạnh. "Giữa việc khoe thứ gì đó trên Youtube và sử dụng nó trên thực tế có sự khác biệt rất lớn".

Một mẫu chó robot tại triển lãm Công nghệ Thông minh Quân sự tại Bắc Kinh hồi tháng 5. Ảnh: VCG

Michael Boyle, học giả kiêm tác giả của cuốn sách Kỷ nguyên Drone, cũng có quan điểm tương tự.

"Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác đang cạnh tranh trên lĩnh vực phát triển chó robot, tuy nhiên đây không phải là cuộc chạy đua vũ trang trên quy mô rộng", Boyle nhận định. "Công nghệ này đắt đỏ và khó phát triển, nên chỉ các quốc gia có ngân sách quân sự dồi dào và năng lực về công nghệ mới có thể tham gia vào cuộc chơi này".

Theo ông, phần lớn các loại chó robot quân sự hiện nay mới chỉ là phiên bản thử nghiệm và các nước đang tập trung nghiên cứu để tìm cách giúp chúng có thể hoạt động ổn định, di chuyển được trên nhiều địa hình phức tạp, ví dụ bậc thang, với tốc độ đủ nhanh.

"Dù quân đội Trung Quốc và Mỹ đã trình diễn khả năng tích hợp súng cho chó robot, công nghệ này chưa được ứng dụng phổ biến. Tôi nghĩ sẽ còn lâu lắm mới có thể chứng kiến 'robot chiến đấu' như trong phim Kẻ hủy diệt", Boyle nêu quan điểm.

Phạm Giang (Theo Telegraph, War Zone, AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020