Chuyên mục  


Dự án điện mặt trời của Trung Nam tại Ninh Thuận được báo cáo để tìm hướng xử lý - Ảnh: N.HIỂN

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) vừa có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về những vướng mắc liên quan đến dự án điện mặt trời 450 MW.

Theo đó, Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam đã đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời 450 MW kết hợp đầu tư trạm biến áp 500 KV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 200 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, mới đây Công ty Mua bán điện (EPTC) - thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - đã có văn bản thông báo về việc dừng khai thác một phần công suất của nhà máy này.

Phần công suất dừng khai thác là 172,12 MW khiến cho công suất phát tối đa chỉ còn 277,88 MW. Trong khi hơn một năm qua, phần công suất này đã phát lên lưới, được EVN ghi nhận chỉ số song chưa được thanh toán tiền bán điện.

Báo cáo với bộ trưởng về vấn đề trên, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay trên cơ sở cuộc họp trước đây với sự chủ trì của bộ trưởng, đã kết luận việc huy động nhà máy điện là hoạt động mua bán điện giữa hai doanh nghiệp dựa trên hợp đồng mua bán điện đã ký, khả năng truyền tải công suất của lưới điện và nhu cầu phụ tải hệ thống từng thời điểm, đảm bảo tuân thủ theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, tổng hợp ý kiến của chủ đầu tư cho hay: EVN chỉ đạo Công ty Mua bán điện dừng huy động 172,12 MW trong dự án điện mặt trời 450 MW là chưa phù hợp với nội dung được quy định và các điều khoản đã thống nhất, làm thiệt hại cho doanh nghiệp khoảng 2 tỉ đồng/ngày, cũng như thiệt hại khác ngoài hợp đồng rất nặng nề. Dẫn tới, công ty không đảm bảo khả năng bố trí đủ kinh phí để tiếp tục duy trì hoạt động hệ thống truyền tải 500 kV, 200 kV.

Chủ đầu tư cũng khẳng định không đồng ý và không tham gia thị trường điện bởi lý do dự án điện mặt trời 450 MW là dự án đầu tư có điều kiện, đó là đầu tư trạm biến áp 500 kV và các đường dây đấu nối khoảng 2.000 tỉ đồng để thực hiện giải tỏa công suất cho các nhà máy năng lượng tái tạo khác trong khu vực.

Phản hồi các ý kiến này, EVN cho rằng 172,12 MW được xác định là phần công suất nằm ngoài 2.000 MW tại tỉnh Ninh Thuận (được hưởng giá FIT theo quyết định 13/2020 về cơ chế khuyến khích điện mặt trời), vì vậy chưa có giá điện, nên việc vận hành khi chưa có hợp đồng mua bán điện hoặc chưa có giá điện là trái với quy định.

Hiện Bộ Công Thương cũng chưa có văn bản xác nhận phần trong và ngoài 2.000 MW của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam, nên theo EVN thì nếu càng vận hành thì sẽ rủi ro với tập đoàn. Trong khi đó, việc xây dựng quyết định 13 sửa đổi "đi vào bế tắc" nên EVN đã báo cáo Bộ Công Thương, Thủ tướng cho phép dừng vận hành công suất ngoài 2.000 MW của dự án 450 MW.

Về vấn đề này, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng dự án 450 MW của Trung Nam chưa đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định pháp luật về xây dựng. Toàn bộ dự án chưa được Bộ Công Thương ghi nhận thuộc 2.000 MW đáp ứng quy định.

Trong khi đó, chủ đầu tư và EVN đã ký hợp đồng mua bán điện ngày 25-5-2022, tức là diễn ra trước thời điểm thông tư 18 quy định hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời có hiệu lực.

Điều đáng chú ý là thông tư này lại quy định là các dự án đã ký hợp đồng mua bán điện và đưa vào vận hành thương mại thì bên mua điện và bên bán điện phải ký lại hoặc sửa đổi, bổ sung hợp đồng theo quy định của thông tư.

Tuy nhiên, đến nay cả chủ đầu tư là Công ty Trung Nam và EVN đều chưa ký lại hay điều chỉnh hợp đồng đã ký, theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo là chưa phù hợp với quy định. Do đó, đơn vị này đề xuất bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét và có ý kiến chỉ đạo để tháo gỡ vướng mắc trên.

Điện mặt trời Trung Nam chưa báo cáo khắc phục sai phạm

Báo cáo tới bộ trưởng về vướng mắc liên quan quy định pháp luật về xây dựng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay với dự án điện mặt trời 450 MW, để đưa vào khai thác sử dụng, phải được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra nghiệm thu, ban hành văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu. Tuy nhiên, kết quả cho hay đã phát hiện nhiều tồn tại liên quan đến quá trình đầu tư xây dựng của chủ đầu tư và yêu cầu báo cáo giải trình.

Vì thế, cơ quan này cho hay đến nay chưa ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư với lý do chưa hoàn thiện công tác nghiệm thu. Bao gồm thi công xây dựng không đúng thiết kế được thẩm định, đã bị Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận xử lý sai phạm về xây dựng công trình chưa đúng quy định và yêu cầu tháo dỡ phần vi phạm. Hiện chủ đầu tư chưa hoàn thiện báo cáo về khắc phục sai phạm và thực hiện điều chỉnh thiết kế xây dựng.

Bị cắt giảm 40% công suất của nhà máy điện mặt trời lớn nhất Việt Nam, Trung Nam nói gì?

Trước nguy cơ bị cắt giảm 40% công suất nhà máy điện mặt trời lớn nhất Việt Nam, Trung Nam đã có văn bản gửi Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và UBND tỉnh Ninh Thuận đề xuất các chính sách gỡ khó.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020