|
Phi công Su-24 Nga chuẩn bị cất cánh từ căn cứ Hmeymim, Syria. Ảnh: RIA Novosti. |
"Chúng tôi đang phát triển công nghệ thở bằng chất lỏng giàu ôxy thay không khí, giúp phi công quân sự và phi hành gia tăng khả năng chịu đựng trong môi trường khắc nghiệt", RIA Novosti ngày 11/2 dẫn thông cáo của Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Nga (FPI).
Vitaly Davydov, phó giám đốc FPI, công nghệ này sẽ giúp các phi công tiêm kích Nga hoặc các phi hành gia thở một cách dễ dàng trong điều kiện áp suất không khí cực thấp hoặc cực cao. Công nghệ này được FPI phát triển từ năm 2016 và sẽ được thử nghiệm trên người trong thời gian tới sau khi thử nghiệm với động vật thành công.
Các chuyên gia Nga trình diễn công nghệ thở bằng chất lỏng trước công chúng vào tháng 12/2017 trong sự kiện có mặt Thứ trưởng Quốc phòng Nga Dmitry Rogozin và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Trong thử nghiệm này, một chú chó bị nhấn chìm vào dung dịch giàu ôxy và vẫn có thể cử động bình thường mà không bị chết ngạt.
Các chuyên gia Nga thử nghiệm dìm một con chó vào dung dịch giàu ôxy.
Công nghệ thở bằng chất lỏng ban đầu được phát triển để ngăn chặn nguy cơ gây bệnh giảm áp trong công tác cứu hộ tàu ngầm ở độ sâu lớn. Khi các thủy thủ tàu ngầm nổi lên quá nhanh, khí nitơ hòa tan trong máu ở độ sâu lớn được giải phóng đột ngột, gây tắc mạch máu, chèn ép và gây tổn thương các tế bào.
Để tránh nguy cơ này, thủy thủ tàu ngầm sẽ được trang bị một thiết bị đặc biệt giúp bơm đầy vào phổi họ chất lỏng giàu oxy nhưng không chứa nitơ. Nhờ đó, phổi họ sẽ không bị nén chặt bởi áp suất nước biển vốn tăng thêm một atmosphere khi lặn thêm 10 mét. Áp suất cơ thể sẽ cân bằng với áp suất bên ngoài, cho phép thủy thủ tàu ngầm nổi lên an toàn mà không cần trải qua quá trình khử áp kéo dài.
Khi sử dụng công nghệ thở bằng chất lỏng, phi công chiến đấu và phi hành gia sẽ được bảo vệ khỏi sức ép khổng lồ mà họ phải chịu lúc cất cánh và thực hành các động tác cơ động ở tốc độ cao, giúp họ không bị bất tỉnh hoặc bị đe dọa tới tính mạng.
Nguyễn Tiến