Chuyên mục  


2024 là năm đầu tiên có hai doanh nghiệp trong ngành công nghệ - viễn thông lọt Top 10 công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam là FPT và VGI.

Trong đó, cổ phiếu FPT đã có 41 lần phá đỉnh. Một năm, thị giá FPT tăng 82% khi kết thúc phiên giao dịch ngày 31/12 đạt 152.500 đồng một cổ phiếu. Giá trị vốn hóa đạt 224.395 tỷ đồng, tăng khoảng 103.000 tỷ đồng giúp doanh nghiệp này vượt Hòa Phát, Vingroup, Vinhomes... thành công ty tư nhân có giá trị lớn nhất thị trường.

Cổ phiếu VGI của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) còn ấn tượng hơn với mức tăng 256%, đạt 91.700 đồng một cổ phiếu. Giá trị vốn hóa của công ty này đạt 279.726 tỷ đồng, giúp Viettel Global vượt BIDV, ACV... thành doanh nghiệp giá trị thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Không riêng FPT, VGI, một loạt các cổ phiếu công nghệ khác cũng tăng trưởng trong năm qua như FOX (tăng 80,2%), CMG (tăng 25,3%), ELC (tăng 29,2%).

Các mã nhóm công nghệ, viễn thông vẫn được nhiều chuyên gia đánh giá khả quan, với nhận định công nghệ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025 và kỳ vọng kéo dài trong tương lai.

Chứng khoán KB (KBSV) dẫn báo cáo từ Công ty nghiên cứu công nghệ thông tin hàng đầu thế giới Gartner cho thấy chi tiêu cho công nghệ thông tin năm 2025 ước đạt hơn 5.700 tỷ USD, tăng 9,3%. Sự tăng trưởng này được đóng góp của 3 phân khúc chính là hệ thống trung tâm dữ liệu, phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin. KBSV nhận định ngành công nghệ thông tin Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng đang lên của thế giới.

Chưa kể, theo KBSV, ngành này triển vọng tích cực nhờ những chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Đầu tiên, với chiến lược bán dẫn, Chính phủ định hướng Việt Nam trở thành trung tâm bán dẫn, điện tử toàn cầu và làm chủ nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực này. FPT là cổ phiếu có thể hưởng lợi.

Về chiến lược phát triển hạ tầng số của Việt Nam, Chính phủ sẽ tập trung xây dựng mạng lưới viễn thông hiện đại, phát triển dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud), và mạng 5G. Những cổ phiếu trong ngành viễn thông được dự báo hưởng lợi gồm CTR, FOX...

Trong bối cảnh Việt Nam đặt trọng tâm phát triển công nghệ đến năm 2025 và xa hơn, KBSV cho rằng FPT, CMG và CTR sẽ nổi lên như những cổ phiếu tiềm năng và được hưởng lợi trong giai đoạn này.

KBSV cho biết tập đoàn FPT được đặt nhiều kỳ vọng trong nghiên cứu, phát triển và thiết kế chip, đặc biệt khi Việt Nam đang trở thành trung tâm lắp ráp và thử nghiệm bán dẫn, thúc đẩy các cơ hội hợp tác quốc tế. FPT và Nvidia thời gian qua đã công bố một số hợp tác quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển AI, công nghệ đám mây (Cloud) và đào tạo nhân lực.

Ngoài ra, năng lực đào tạo thông qua Đại học FPT cũng giúp công ty duy trì vị thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, AI, và bán dẫn, từ đó hỗ trợ tăng trưởng dài hạn.

Tập đoàn CMC (mã CK: CMG), với thế mạnh trong dịch vụ công nghệ thông tin và chuyển đổi số, cũng được dự báo hưởng lợi trực tiếp từ chiến lược phát triển hạ tầng số, khi nhu cầu về điện toán đám mây, dữ liệu lớn tăng cao. Hơn nữa, bối cảnh chạy đua nghiên cứu và phát triển AI sẽ thúc đẩy nhiều hơn các trung tâm dữ liệu (Data center) để phục vụ cho mục tiêu này.

Còn với Viettel Construction (mã CK: CTR), KBSV cho rằng công ty với vị thế dẫn đầu trong mảng xây dựng hạ tầng viễn thông, được dự báo hưởng lợi từ các dự án hiện đại hóa mạng lưới. Việc 5G được thương mại hóa sẽ cần số lượng trạm phát sóng nhiều hơn tương đối so với 4G. Theo đó, các gói thầu xây dựng trạm kỳ vọng được đẩy mạnh và trực tiếp thúc đẩy triển vọng cho doanh nghiệp trong tương lai.

Đồng quan điểm với KBSV, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó giám đốc Chiến lược đầu tư, Trưởng bộ phận Phân tích Chứng khoán Thiên Việt (TVS) cũng duy trì góc nhìn khả quan không chỉ trong năm 2025 mà còn trong trung hạn. Theo ông, sự khác biệt của ngành công nghệ so với các lĩnh vực truyền thống, cho phép khả năng sáng tạo và tạo ra các động lực tăng trưởng mới, ví dụ mảng AI hay robotics. Ngoài ra, chi tiêu cho chuyển đổi số tiếp tục gia tăng và mảng AI, đặc biệt là AI tạo sinh, còn nhiều tiềm năng.

Giao dịch chứng khoán tại công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (quận 1, TP HCM), hồi tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Tuy nhiên, kinh tế thế giới 2025 sẽ có nhiều biến số, đặc biệt sau khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Ông Trump có thể sẽ bắt đầu thực hiện áp thuế hoặc nâng thuế nhập khẩu với các quốc gia đang có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, như Trung Quốc. Chính quyền Donald Trump có thể tác động thận trọng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu, quyết định hạ lãi suất của Fed và có thể tạo ra biến động mạnh với DXY (Dollar Index).

Biến động tỷ giá sẽ là yếu tố rủi ro tiềm tàng trong ngắn hạn với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành công nghệ, viễn thông. Trong khi đó, khối lượng công việc từ thị trường nước ngoài có thể chưa thay đổi một cách đáng kể trong ngắn hạn do việc ký kết hợp đồng đã triển khai từ trước, tuy nhiên sự thay đổi có thể diễn ra trong trung hạn tùy thuộc vào ảnh hưởng thực tế từ chính sách của chính quyền Donald Trump lên thương mại toàn cầu.

Theo kịch bản cơ sở, chuyên gia này nhận định các doanh nghiệp công nghệ đầu ngành có thể vẫn duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận 2 chữ số trong năm 2025, nhờ khối lượng công việc (ví dụ đến từ mảng công nghệ thông tin) thường đã được ký kết hợp đồng với đối tác từ trước. Ngoài ra, xu thế phát triển AI, nổi bật là AI tạo sinh đang là xu thế lớn và khó có thể thay đổi của kinh tế toàn cầu, đặc biệt khi Việt Nam vừa mới đón nhận một đối tác rất tiềm năng là Nvidia.

Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm cũng kỳ vọng vào các cổ phiếu đầu ngành trong nhóm công nghệ thông tin - viễn thông có thể duy trì xu thế tăng trung hạn. Mặc dù vậy, chuyên gia này cho rằng sẽ có thời điểm trong năm 2025 nhóm cổ phiếu này điều chỉnh trước khi tiếp diễn xu thế đi lên. Các nhịp điều chỉnh này cũng đồng thời tạo ra điểm mua hấp dẫn cho dòng tiền mới của nhà đầu tư.

Chuyên gia đến từ TVS cũng nhận định theo giá đóng cửa phiên 31/12, P/E (dựa trên lợi nhuận 12 tháng gần nhất được công bố) của nhóm công nghệ thông tin và nhóm viễn thông đạt lần lượt 29,7 lần và 59,3 lần, cao hơn đáng kể so với mức bình quân 3 năm. Nếu dựa trên số liệu P/E, nhà đầu tư có thể nhận thấy định giá của 2 nhóm ngành này hiện không còn rẻ.

Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu thường có xu hướng phản ánh kỳ vọng tương lai. Định giá của hiện tại có thể đang phản ánh phần nào đóng góp của mảng AI trong kết quả kinh doanh của các lĩnh vực nói trên trong hai đến ba năm tới. Nếu bổ sung góc nhìn về phân tích kỹ thuật, ông Tâm cho rằng các điểm mua để nắm giữ trung và dài hạn dành cho các cổ phiếu nhóm này đều đã đi qua (điểm mua tại các nền giá tích lũy lớn). Thay vào đó nhà đầu tư hiện chỉ có cơ hội tìm điểm giải ngân tại các nhịp điều chỉnh dành cho mục tiêu mua bán ngắn hạn.

Phương Anh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020