Chuyên mục  


cho-tre-em-17368317059471211057152.jpg

Một tài xế chở quá số người trên xe máy ở Hà Nội - Ảnh: HỒNG QUANG

Tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, cơ quan chức năng quy định rõ về việc chở người trên xe máy và ô tô. 

Các quy định này cũng được hướng dẫn bởi nghị định 168 thông qua các hình thức xử lý vi phạm.

4 trường hợp được chở theo 2 người trên xe máy

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định: Người lái xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người. 

Ngoại lệ, có bốn trường hợp được chở tối đa hai người là: Chở người bệnh đi cấp cứu; áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật; trẻ em dưới 12 tuổi; người già yếu hoặc người khuyết tật.

Nghị định 168 quy định xử phạt 400.000 - 600.000 đồng về hành vi chở theo hai người trên xe, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 12 tuổi, người già yếu hoặc người khuyết tật, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.

Đồng thời xử phạt 8-10 triệu đồng đối với tài xế xe máy có hành vi: Ngồi phía sau vòng tay qua người ngồi trước để điều khiển xe, trừ trường hợp chở trẻ em dưới 6 tuổi ngồi phía trước. Hình phạt bổ sung là tước bằng lái xe 10-12 tháng.

Như vậy, việc chở người từ 6 tuổi trở lên ngồi phía trước người cầm lái, được coi là hành vi vi phạm.

Đáng chú ý, nếu tài xế mắc vi phạm trên mà gây tai nạn sẽ bị phạt 10-14 triệu đồng, trừ 10 điểm trên giấy phép lái xe.

Trẻ dưới 10 tuổi không được ngồi cùng hàng ghế với tài xế trên ô tô

Đối với ô tô, luật quy định khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét không được ngồi cùng hàng ghế với người lái xe (trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế); người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em. 

Nếu vi phạm, mức phạt là 800.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh tiểu học, xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học không có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc không có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định, thì người lái xe sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng; người cung cấp dịch vụ sẽ bị xử phạt 3-4 triệu đồng (cá nhân) và 6-8 triệu đồng (tổ chức).

Các quy định về hàng ghế và thiết bị an toàn cho trẻ em, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2026. Đây là các quy định có hiệu lực muộn nhất tại nghị định này.

Theo ông Dương Kim Tuấn (Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Đại học Y tế công cộng), trẻ em khi ngồi ở ghế trước sẽ có nguy cơ gặp nhiều tác động nguy hiểm.

Cụ thể như: Chịu nhiều lực tác động hơn khi xảy ra va chạm, dễ văng ra ngoài xe, chịu sự va đập của túi khí, gây mất tập trung cho người lái xe và hiện nay chưa có hệ thống lắp thiết bị an toàn cho trẻ em ở ghế trước. 

Do vậy, thiết bị an toàn cho trẻ được đánh giá là cần thiết và có nhiều ưu điểm vượt trội.

Về định nghĩa, theo ông Tuấn, thiết bị an toàn cho trẻ em là thiết bị có khả năng giữ trẻ ở tư thế ngồi hoặc nằm ngửa. Thiết bị này được thiết kế để giảm nguy cơ thương tích cho trẻ bằng cách hạn chế khả năng cơ thể trẻ bị dịch chuyển trong trường hợp va chạm hoặc giảm tốc độ đột ngột.

"Một số ý kiến nêu vấn đề về giá, tuy nhiên tôi cho rằng đây không thật sự phải là trở ngại đối với những người sở hữu ô tô", ông Tuấn cho biết một thiết bị an toàn có giá phổ biến 4-5 triệu đồng và có thể sử dụng lâu dài.

TS Dương Khánh Vân (cán bộ kỹ thuật Tổ chức Y tế thế giới) cho biết nghiên cứu từ WHO khẳng định ghế sau là vị trí an toàn nhất dành cho trẻ.

Đồng thời việc sử dụng thiết bị an toàn chuyên dụng giúp giảm ít nhất 60% số ca tử vong ở trẻ em khi xảy ra va chạm. Trong đó đối với trẻ 8-12 tuổi, việc sử dụng đệm nâng giúp giảm tới 19% các thương tích không gây tử vong khi so sánh với trẻ chỉ sử dụng dây an toàn.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020