Dự án khí Lô B đã triển khai nhiều gói thầu - Ảnh: P.SƠN
Theo Petrovietnam, Công ty Điều hành dầu khí Phú Quốc (PQPOC) đã thực hiện thành công rất nhiều mảng công việc quan trọng mang tính quyết định đối với thành công của dự án khí Lô B, nhằm thực hiện mục tiêu có dòng khí đầu tiên (FG) vào tháng 8-2027.
Cụ thể, năm 2024 công ty đã triển khai các gói thầu EPCI#1 và EPCI#2 giai đoạn trao thầu hạn chế (LLOA) và sau đó trao thầu đầy đủ (Full LOA). Cùng đó là việc thực hiện đấu thầu gói thầu FSO và các gói thầu phụ trợ khác.
Tổng giám đốc PQPOC Phạm Xuân Phúc cho biết đến 13-12, tiến độ tổng thể gói EPCI#1 đạt 12,82%, gói EPCI#2 đạt 24,39%. Việc thiết kế, mua sắm vật tư thiết bị, chế tạo đang theo đúng kế hoạch tiến độ đề ra.
Công ty cũng cải thiện và hoàn thiện các quy trình, quy chế theo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng hệ thống ISO. Gồm ứng dụng hệ thống quản trị rủi ro, chuyển đổi số, các phần mềm chuyên ngành hỗ trợ địa chất, công nghệ mỏ, khoan và hoàn thiện giếng. Ứng dụng công nghệ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo...
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đề nghị PQPOC lưu ý trong giai đoạn tới đơn vị cần tập trung vào quản trị toàn diện, bảo đảm tính đồng bộ giữa các thành phần dự án.
Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, phân tích dữ liệu địa chấn là cần thiết để tối ưu hóa công tác triển khai và quản lý dự án.
Trong đó, PQPOC cần triển khai một loạt giải pháp đồng bộ như cơ chế thu hút nhân sự, xây dựng hệ thống quản trị hiện đại, đảm bảo tiến độ, chi phí và giao diện. Kiểm soát chi phí, quản trị chất lượng và an toàn, đảm bảo mọi khâu và tuân thủ tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn.
Trước đó ngày 30-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ ký kết các hợp đồng liên quan và triển khai chuỗi dự án khí điện Lô B.
Đây là chuỗi dự án khí điện nội địa, là công trình trọng điểm nhà nước về dầu khí, chuỗi dự án điện khí có quy mô lớn nhất Việt Nam đến thời điểm hiện tại. Dự án gồm mỏ Lô B (thượng nguồn), dự án đường ống Lô B - Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV ở hạ nguồn, với quy mô đầu tư gần 12 tỉ USD.
Sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỉ m3 khí/năm, cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn với tổng công suất lắp đặt dự kiến lên đến 3.800 MW, góp phần cung ứng thêm 22 tỉ kWh điện mỗi năm.