Chuyên mục  


"Telegram là nền tảng lớn nhất trên Internet, và cũng nằm trong nhóm ít các nền tảng không chịu tác động của Mỹ. Trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ, dường như Tổng thống Joe Biden đang quyết tâm kiểm soát Telegram", Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin ngày 27/8 bình luận về sự kiện Pháp bắt CEO Telegram Pavel Durov.

Ông cho rằng những nước có lượng người dùng lớn trên nền tảng Telegram cần hiểu bản chất tình hình hiện nay và đánh giá liệu họ có muốn Washington "kiểm soát" mạng xã hội này hay không. Ông đồng thời bày tỏ lo ngại ứng dụng này trong tương lai sẽ bị áp các cơ chế "phục vụ lợi ích chính trị" của Mỹ.

"Hầu hết mạng xã hội hiện nay đều bắt nguồn ở Mỹ. Nhà Trắng kiểm soát những nền tảng này, nhưng họ chưa thể ép Telegram cung cấp dữ liệu cho Bộ Ngoại giao Mỹ hay Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA). Vì vậy, thông qua Pháp, họ đang cố cáo buộc Durov với hàng chục tội danh", ông Volodin nói.

Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin trong cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5/8 tại Moskva. Ảnh: AFP

Pavel Durov, người nắm giữ chìa khóa công nghệ mã hóa tin nhắn của Telegram, bị bắt tại sân bay Le Bourget ở ngoại ô thủ đô Paris tối 24/8, sau khi đến đây từ Azerbaijan bằng máy bay riêng. Giới chức Pháp cho hay lệnh bắt nhằm phục vụ cuộc điều tra bắt đầu từ tháng 7, liên quan những hoạt động trái pháp luật trên nền tảng Telegram, trong đó có phim khiêu dâm trẻ em, mua bán ma túy và lừa đảo tài chính.

Văn phòng Công tố Paris ngày 27/8 thông báo ông Durov sẽ bị tạm giam thêm ít nhất hai ngày nữa để phục vụ điều tra. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố vụ bắt CEO Telegram không mang động cơ chính trị.

Durov sinh tại Nga, nhưng rời khỏi nước này từ năm 2014 và hiện không mang quốc tịch Nga. Dù vậy, loạt quan chức, nghị sĩ Nga đã lên tiếng bênh vực CEO này và cho rằng Durov bị nhắm mục tiêu vì "không phục vụ lợi ích của phương Tây".

Mỹ đến nay chưa có bình luận gì về sự kiện CEO Telegram bị bắt ở Pháp và cũng không phản hồi những cáo buộc từ giới chức Nga.

Ông Vladimir Dzhabarov, phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện), cũng cho rằng Mỹ đang tìm cách kiểm soát mạng xã hội Telegram nhằm thu thập thông tin chống lại quân nhân Nga trên chiến trường Ukraine và "rõ ràng đứng sau" lệnh bắt Durov ở Pháp.

"Tôi cho rằng phía Mỹ đang tìm cách chen chân vào Telegram, từng bước một. Không có chuyện họ nhẹ nhàng bảo ông Durov cung cấp thông tin về một vài cá nhân bị nghi ngờ hoạt động khủng bố. Họ sẽ đòi đọc tất cả mọi thứ", Dzhabarov trả lời phỏng vấn với đài Rossiya-24 hôm 26/8.

Ông còn cho rằng tình báo Mỹ có thể tìm cách can thiệp vào quá trình điều tra, chiêu mộ ông Durov hợp tác.

"Có lẽ họ sẽ bẻ gãy ý chí của ông ấy, như đã từng làm với CEO Facebook Mark Zukerberg", nghị sĩ Dzhabarov tuyên bố, nhưng không nêu bằng chứng. "WhatsApp cũng bị Mỹ kiểm soát toàn diện. Tôi nghĩ họ sẽ làm điều tương tự với Telegram hoặc để cho Durov ngồi tù đến khi nhụt chí".

Nhà sáng lập kiêm CEOTelegram Pavel Durov trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Tucker Carlson vào tháng 4 tại Dubai. Ảnh: X/TuckerCarlson

Ông Durov, 39 tuổi, sinh ra ở Saint Petersburg, được mệnh danh là "Mark Zuckerberg của Nga". Telegram cho hay ông hiện mang quốc tịch Pháp và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Forbes ước tính CEO Telegram sở hữu khối tài sản khoảng 15,5 tỷ USD.

Ứng dụng do ông sáng lập hiện có hơn 900 triệu người sử dụng, nổi tiếng về mã hóa đầu cuối (chỉ những người liên lạc với nhau có thể đọc được tin nhắn) và cam kết bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Sự tập trung vào bảo mật đã khiến Telegram trở thành nền tảng được một bộ phận người dùng yêu thích, đặc biệt là các quân nhân trên chiến trường Ukraine, nhưng tính năng này cũng khiến nó trở nên hấp dẫn đối với các tổ chức tội phạm và các nhóm cực đoan.

Ông Durov hồi tháng 4 cho biết mình đã bị một số chính phủ gây sức ép, song ứng dụng Telegram của ông vẫn sẽ tiếp tục là nền tảng trung lập, không tham gia vấn đề địa chính trị.

Thanh Danh (Theo Reuters, TASS)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020