Trả lời trực tuyến lúc 22h từ Mỹ, vài giờ sau chốt phiên chào sàn Nasdaq của VFS, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Vingroup kiêm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu, thừa nhận "có hơi bất ngờ" khi vốn hóa sau phiên đầu hơn 85 tỷ USD.
"Khi đi hỏi các ngân hàng đầu tư, hầu hết đều nói là cổ phiếu sẽ đỏ, tức là VFS sẽ giảm xuống dưới 10$ một cổ phiếu trong phiên đầu tiên. Thực sự trước khi phiên giao dịch bắt đầu, tôi có hơi chút hồi hộp, nếu cổ phiếu mà đỏ thì buồn lắm", bà kể.
Bà và các cộng sự ban đầu chỉ tin sẽ đạt vốn hóa trên 23 tỷ USD, nhưng không ngờ tới 85 tỷ USD.
"Bản thân VinFast không chuẩn bị kịch bản nào cho khả năng cổ phiếu lên tới hơn 37 USD như thế", bà nói.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Vingroup kiêm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu tại sàn Nasdaq tối 15/8. Ảnh: VinFast
Theo CEO VinFast phỏng đoán, kết quả này cho thấy thị trường có thể đã nhận ra giá trị của VinFast sau khi lần đầu tiên công ty bước ra và nói về tiềm năng, những gì đã làm trong 6 năm qua. Ngoài ra, lượng cổ phiếu tự do giao dịch tương đối thấp. "Nhu cầu cao nên giá cổ phiếu được đẩy lên", bà nói.
Lượng cổ phiếu do nhóm các công ty liên quan tới Vingroup và Chủ tịch Phạm Nhật Vượng nắm giữ chiếm hơn 99% tổng lượng cổ phiếu phát hành, theo bản cáo bạch. Lượng cổ phần tự do giao dịch sau khi VinFast niêm yết chỉ có khoảng 4,5 triệu cổ phiếu trên tổng số hơn 2,3 tỷ cổ phiếu.
CEO VinFast cho biết "sẽ không chỉ dừng ở việc niêm yết", công ty lên sàn là để huy động lượng vốn lớn chứ không để "làm marketing".
"Nếu để làm marketing công ty có nhiều cách khác, chẳng ai chọn cách làm tốn kém như thế", bà nói.
Việc chọn thị trường Mỹ do có thanh khoản tốt, tiềm năng giúp công ty có thể huy động lượng vốn lớn. Thanh khoản của cổ phiếu VFS trong riêng phiên 15/8 là hơn 6,7 triệu cổ phiếu, với giá trị giao dịch hơn 200 triệu USD.
Tuy nhiên, lộ trình thực hiện sẽ không quá gấp gáp khi áp lực vốn tại thời điểm hiện tại của VinFast không cao do công ty mới nhận khoản cam kết tài trợ và cho vay 2,5 tỷ USD từ Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng.
Nói về chặng đường đến với Phố Wall, CEO VinFast cho biết đây là quá trình "nhiều gian truân". Kế hoạch niêm yết đã có từ hai năm trước, tức là đầu năm 2021, nhưng việc thực hiện đã phải thay đổi liên tục vì những biến số của thị trường.
"Ở bên ngoài mọi người chỉ nhìn thấy những việc chúng tôi đã làm được còn ở nội bộ thì đó là sự nỗ lực rất lớn, đây đều là việc rất khó khăn", bà cho biết.
Đầu năm 2021, cơn sốt của những công ty khởi nghiệp xe điện vẫn ở cao trào, việc niêm yết bằng SPAC được tiến hành rầm rộ. Black Spade Acquisition là công ty SPAC (thành lập với mục đích đặc biệt). Các SPAC huy động tiền qua IPO và sử dụng chúng để mua cổ phần công ty mục tiêu khác. Niêm yết trên sàn chứng khoán thông qua sáp nhập với SPAC đang là xu thế gần đây bởi giúp các doanh nghiệp bỏ qua quy trình truyền thống của Wall Street.
Tuy nhiên, VinFast không thể ngay lập tức thực hiện do chưa đáp ứng một số tiêu chuẩn về báo cáo tài chính. Đến tháng 5 sau khi đáp ứng được những tiêu chuẩn này, thị trường lại đảo chiều đi xuống. Sự lao dốc của cổ phiếu nhiều SPAC sau khi sáp nhập khiến VinFast phải "tính lại" chuyện niêm yết.
Bỏ qua SPAC, VinFast trở lại với lựa chọn đầu tiên là niêm yết trực tiếp. Nhưng quá trình này cũng không dễ dàng. Thị trường IPO đóng cửa, trầm lắng kể từ giai đoạn đại dịch khiến việc chào bán cổ phiếu lần đầu gặp khó khăn. Những tính toán về khả năng huy động vốn có thể không đạt như kỳ vọng khiến kế hoạch một lần nữa phải thay đổi.
Cuối tháng 4, sau khi Chủ tịch HĐQT Vingrouop Phạm Nhật Vượng và Vingroup công bố khoản cam kết tài trợ và cho vay 2,5 tỷ USD, áp lực phải huy động vốn từ IPO của VinFast giảm bớt. Không còn lo lắng về việc phải huy động hàng tỷ USD, VinFast trở lại với lựa chọn SPAC đến niêm yết trên thị trường Mỹ.
Minh Sơn