Chuyên mục  


Trong nhiều giải pháp hạ nhiệt giá thép trong nước được Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra tại cuộc họp với các doanh nghiệp ngày 27/5 có ý tưởng hình thành quỹ bình ổn giá thép.

Tại họp báo Chính phủ chiều nay (3/6), ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương khẳng định "đây không phải ý kiến chính thức". Trong văn bản gửi Chính phủ ngày 20/5 đã nêu một số giải pháp để hạ nhiệt thị trường nhưng "không có kiến nghị lập Quỹ bình ổn".

Thay vào đó, Bộ đề nghị các doanh nghiệp sản xuất thép giảm chi phí đầu vào, chi phí sản xuất để hạ giá thành thép thành phẩm; tăng tối đa công suất trong nước để tăng nguồn cung và hạn chế xuất khẩu các mặt hàng trong nước đang có nhu cầu.

Bộ Công Thương được Chính phủ yêu cầu có ngay biện pháp "chặn" đà tăng khi giá thép trong nước tăng 40-50% từ cuối năm 2020, khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất sử dụng loại vật liệu này, doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn.

Do-Thang-Hai-hop-bao-CP-4-5-2901-1622726462.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AofoCteagDTZ7A3FLCn6wg

Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: Hoàng Phong

Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp sản xuất thép đều phản đối gợi ý lập quỹ bình ổn giá thép mà Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên từng nêu.

Ông Nguyễn Văn Sưa - chuyên gia ngành thép cũng cho rằng, đề xuất lập Quỹ bình ổn giá thép là "không phù hợp với nguyên tắc quản lý giá trong nền kinh tế thị trường" bởi thép không phải là mặt hàng do Nhà nước quản lý giá. Theo ông, giá thép trong nước tăng đột biến vừa qua phần lớn do giá nguyên liệu sản xuất mặt hàng này (quặng sắt, than mỡ, thép phế...) đều tăng vọt trên thị trường quốc tế. Các nguyên vật liệu chiếm tới 90% cấu thành giá sản xuất thép, nên khi nguyên vật liệu tăng, đẩy giá thép trong nước lên cao.

"Giá thép tăng do mặt bằng giá thế giới. Việc lập Quỹ bình ổn không phù hợp với các nguyên nhân gây ra bất ổn về giá thép. Phải sử dụng quy luật cung cầu của thị trường hạ nhiệt giá mặt hàng này mới bền vững", ông nhấn mạnh.

Ông Ngô Trí Long - chuyên gia về giá cho hay, thị trường thép hoạt động cạnh tranh từ năm 2012 đến nay, không có lý do gì dùng công cụ của Nhà nước, hay thông qua Quỹ bình ổn cho thị trường này. Thay vào đó, muốn hạ nhiệt giá thép, nên dùng các công cụ gián tiếp như thuế, chính sách phòng vệ thương mại...

"Thép không thuộc danh mục hàng hóa được bình ổn theo luật nên việc đề xuất xây dựng Quỹ Bình ổn giá thép không phù hợp", ông nhấn mạnh.

Một chuyên gia trong ngành thép thì nói, đề xuất lập Quỹ bình ổn giá thép đang tư duy ngược với thể chế về quản lý giá trong cơ chế thị trường, không phù hợp với bản chất nguyên nhân khiến giá thép tăng vừa qua.

Không riêng các chuyên gia, đa phần doanh nghiệp sản xuất thép cũng nhìn nhận, đề xuất này không hợp lý. Theo họ, giá thép hiện nay hoàn toàn thị trường, giá tăng cao là do cung cầu và đang có dấu hiệu đi xuống. Doanh nghiệp cũng băn khoăn về nguồn hình thành quỹ này từ đâu, bởi là tiền doanh nghiệp thì cuối cùng sẽ lại tính vào giá bán. Lúc này, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt. Còn ngân sách Nhà nước chắc chắn sẽ "không dùng chi cho những mặt hàng đã theo thị trường".

Anh Minh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020