Chuyên mục  


Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, một trong ba trường đại học tốt nhất Trung Quốc, lên kế hoạch mở cơ sở đầu tiên tại châu Âu, đặt tại Hungary. Điều này gây bất an ngày càng tăng tại Hungary khi nhiều người lo ngại chiến lược ngoại giao ngả từ Tây sang Đông cũng như khoản nợ ngày càng cao của nước này với Trung Quốc.

Một khu đất hiện vô chủ ở thủ đô Budapest dự kiến là nơi đặt cơ sở của Đại học Phúc Đán trong khu phức hợp rộng nửa triệu mét vuông vào năm 2024, theo thỏa thuận được ký giữa Hungary và hiệu trưởng Đại học Phúc Đán.

Tuy nhiên, Thị trưởng Budapest Gergely Karacsony hôm 2/6 tuyên bố phản đối Đại học Phúc Đán đặt cơ sở tại thành phố này. Thị trưởng theo chủ nghĩa tự do từng chỉ trích "ảnh hưởng của Trung Quốc" ở Hungary và thúc giục Thủ tướng Viktor Orban thực hiện cam kết không ép buộc Budapest thực hiện các dự án trái với ý nguyện của thành phố.

Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: China-admisssion.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người dân Budapest phản đối kế hoạch đặt cơ sở Đại học Phúc Đán.

Chính phủ lập luận rằng cơ sở uy tín của Đại học Phúc Đán sẽ cho phép hàng nghìn sinh viên Hungary, Trung Quốc và sinh viên quốc tế có bằng cấp chất lượng cao. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng muốn duy trì sự hiện diện ở Hungary, quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) duy nhất sử dụng vaccine Covid-19 của Trung Quốc.

Để phản đối việc Đại học Phúc Đán mở cơ sở, chính quyền Budapest đổi tên 4 tuyến đường thành "đường Hong Kong tự do", "đường Tử đạo Duy Ngô Nhĩ", "đường Đạt Lai Lạt Ma" và "đường Linh mục Xie Shiguang", một linh mục Công giáo ở Trung Quốc. Đây đều là những chủ đề mà Trung Quốc đang bị phương Tây chỉ trích với cáo buộc vi phạm nhân quyền.

"Hành vi như vậy không đánh để người ta khinh", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay, cáo buộc các chính trị gia Hungary "thổi phồng vấn đề liên quan Trung Quốc và cản trở hợp tác" hai nước.

Theo ông Uông, quan hệ giữa hai nước "đang đà phát triển mạnh mẽ" và đã "thu được nhiều kết quả tốt đẹp".

Trung Quốc những năm gần đây tăng cường mở rộng ảnh hưởng ra nước ngoài thông qua truyền thông và giáo dục. Phương Tây cảnh báo những hành động này và chỉ ra những vi phạm nhân quyền bị cáo buộc của Bắc Kinh. Các Viện Khổng Tử của Trung Quốc từng là mục tiêu của chính quyền cựu tổng thống Mỹ Donald Trump.

Huyền Lê (Theo AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020