Căn cứ quân sự 'Cỏ ba lá' của Nga tại Bắc Cực. Video: CNN.
Cách thủ đô Moskva của Nga hơn 6 múi giờ, trên địa hình đóng băng của quần đảo New Siberia, một cuộc chạy đua vũ trang mới đang dần hình thành.
Căn cứ quân sự trên đảo Kotelny là tiền đồn mới nhất của Moskva, nằm tại một trong những môi trường khắc nghiệt nhất thế giới. Khu tổ hợp hình cỏ ba lá được sơn màu quốc kỳ của Nga, có khả năng bảo đảm cuộc sống của 250 binh sĩ, với đủ lượng nhu yếu phẩm cho họ sử dụng suốt hơn một năm mà không cần tiếp tế từ bên ngoài.
Trên thực tế, căn cứ Kotelny nằm gần bang Alaska của Mỹ hơn Moskva. Đây là một trong ba căn cứ mới được Nga xây dựng trên vĩ tuyến 75, nằm trong tham vọng triển khai sức mạnh quân sự của Moskva tại vùng Bắc Cực. Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã xây mới 475 cơ sở quân sự trong 6 năm qua, trải dài từ biên giới phía tây giáp Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tới eo biển Bering ở phía đông.
Lực lượng đồn trú thuộc Hạm đội phương Bắc của Nga chuyển tới căn cứ Kotelny hồi năm 2016. Thiết kế của tổ hợp này giúp họ không phải đối mặt với thời tiết lạnh giá của Bắc Cực trừ khi làm nhiệm vụ tuần tra ngoài trời. Toàn bộ khu tác chiến và nhà ở đều được kết nối với nhau. Chỉ có một công trình đứng riêng lẻ là nhà thờ Chính thống giáo nằm cách trung tâm căn cứ khoảng 20 m.
"Chúng tôi vận hành các hệ thống radar giám sát không phận, bảo đảm an ninh cho Tuyến hàng hải Phương Bắc (NSR) và ngăn chặn nguy cơ đe dọa môi trường", thiếu tá Vladimir Pasechnik, chỉ huy căn cứ Kotelny, cho biết.
|
Căn cứ radar trên quần đảo Kotelny. Ảnh: AP. |
Căn cứ này được trang bị hệ thống tên lửa bờ cũng như tổ hợp phòng không tầm ngắn Pantsir-S1 phiên bản địa cực với khả năng vận hành ở nhiệt độ -50 độ C. Quân đội Nga dự kiến tăng cường sức mạnh ở Kotelny bằng việc thử nghiệm hệ thống phòng không tầm xa S-400 nâng cấp, cũng như đặt nhiều lá chắn tên lửa mới ở một căn cứ gần đó.
"Lực lượng tại đây có nhiệm vụ rõ ràng là bảo vệ lợi ích của Nga tại khu vực có thể nhanh chóng trở thành điểm nóng địa chính trị mới của thế giới. Nga sở hữu 50% đường bờ biển Bắc Cực và đang đệ trình lên Liên Hợp Quốc dự thảo tuyên bố chủ quyền với 1,2 triệu km vuông thềm lục địa Bắc Cực", phóng viên Mary Ilyushina của CNN cho biết.
Cuộc chạy đua ở Bắc Cực đang dần nóng lên, do biến đổi khí hậu có thể khiến trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ ở khu vực này dễ tiếp cận hơn. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố Bắc Cực là "khu vực quan trọng nhất với tương lai của Nga", trước khi thành lập Bộ Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực.
Trong sắc lệnh tổng thống được phê duyệt không lâu sau lễ nhậm chức năm 2018, ông chủ Điện Kremlin ra lệnh tăng gấp 10 lần lưu thông hàng hóa qua NSR trước năm 2024. Moskva cũng đang siết chặt kiểm soát NSR, khi tuyến hàng hải này đi qua vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nga và giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng từ châu Âu sang châu Á bằng 60% so với tuyến đường qua kênh đào Suez.
|
Binh sĩ Nga đứng gác cạnh tổ hợp Pantsir-S1 trên đảo Kotelny. Ảnh: AP. |
Chính phủ Nga tháng này yêu cầu tàu hàng nước ngoài phải thông báo trước 45 ngày, cho phép hoa tiêu Nga lên dẫn tàu và trả thêm phí nếu muốn đi qua NSR.
Phần lớn tàu hàng sử dụng tuyến NSR đều có nguy cơ bị mắc kẹt trong băng, buộc họ phải thuê tàu phá băng để di chuyển an toàn qua vùng biển Bắc Cực. Nga đang là nước duy nhất trên thế giới sở hữu tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân, cho phép chúng hoạt động hàng chục năm liền mà không cần tiếp nhiên liệu.
Vị thế này có thể bị đe dọa trong thời gian tới, khi Trung Quốc vừa công bố kế hoạch chế tạo tàu phá băng hạt nhân với lượng giãn nước 30.000 tấn, nhằm tăng cường khả năng thăm dò và hiện diện ở Bắc Cực.
Mỹ cũng bắt đầu chú ý tới hoạt động của Nga ở Bắc Cực, cho rằng cần thay đổi chiến lược ở khu vực này. Tuần duyên Mỹ đang đầu tư nguồn lực để chế tạo tàu phá băng hạng nặng thế hệ mới.
|
Kíp tên lửa bờ Bastion diễn tập ở quần đảo Kotelny hồi năm 2018. Ảnh: AP. |
Cuối năm ngoái, NATO tổ chức cuộc tập trận Trident Junctrure với sự tham gia của 40.000 binh sĩ, đánh dấu hoạt động quân sự lớn nhất tại Na Uy trong hơn 10 năm qua, nhằm kiểm tra khả năng chiến đấu của binh sĩ trong điều kiện khắc nghiệt gần Bắc Cực. Bộ trưởng Hải quân Mỹ Richard Spencer hồi tháng 1 cho biết lực lượng này đang nghiên cứu kế hoạch mở cửa lại căn cứ Adak ở bang Alaska, cũng như lần đầu điều tàu mặt nước tới Bắc Cực trong mùa hè.
Quân đội Nga dự kiến tổ chức nhiều cuộc tập trận quy mô lớn ở Bắc Cực trong năm nay, trong đó có "Tsentr-2019" diễn ra tại bán đảo Novaya Zemlya và New Siberia. Cuộc tập trận này được Bộ Quốc phòng Nga mô tả là "bài kiểm tra quan trọng với khả năng chiến đấu của lực lượng địa cực".
Vũ Anh (Theo CNN)