Khu đất tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội) dự kiến dành xây trụ sở một số bộ, ngành - Ảnh: NAM TRẦN
Trong khi đó, chủ trương di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội ô Hà Nội để hình thành các khu hành chính tập trung, hiện đại đã có trong quy hoạch thủ đô năm 1992.
Và từ năm 1992 đến nay mới di dời được 6 bộ, ngành: Nội vụ, Tài nguyên - môi trường, Khoa học và công nghệ, Thanh tra Chính phủ, Công an, Ngoại giao ra ngoài khu trung tâm.
Mới đây, Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) lập phương án di dời trụ sở 13 bộ, ngành ra ngoài trung tâm TP Hà Nội.
Đấu giá trụ sở cũ được khoảng 12.000 tỉ đồng
VIUP cũng đưa ra 3 phương án di dời trụ sở các bộ, ngành nói trên.
Cụ thể, phương án một sẽ xây mới tất cả trụ sở 12 bộ, ngành tại khu vực Tây Hồ Tây, riêng trụ sở Bảo hiểm xã hội VN xây dựng tại Mễ Trì.
Phương án hai thì trụ sở 13 bộ, ngành được xây mới tại khu vực Mễ Trì.
Phương án ba là 6 trụ sở bộ, ngành được xây mới tại Tây Hồ Tây, 7 trụ sở còn lại được xây dựng ở Mễ Trì.
Về nguồn lực đầu tư xây mới trụ sở các bộ, ngành, VIUP cho biết sẽ cân đối các nguồn lực nhà nước, khai thác đất cơ sở cũ và nguồn lực hợp pháp khác.
VIUP tính toán việc chuyển đổi quỹ đất cơ sở cũ của 13 bộ, ngành sẽ thu về khoảng 12.000 tỉ đồng.
Việc đấu giá quyền sử dụng đất tại cơ sở cũ chỉ thực hiện với những trụ sở nằm xa khu vực trung tâm, có điều kiện hạ tầng kỹ thuật tốt, có thể chuyển đổi sang chức năng đất dịch vụ thương mại.
Đối với trụ sở các bộ, ngành nằm sát khu vực trung tâm sẽ ưu tiên phương án bàn giao lại cho TP Hà Nội quản lý, sử dụng theo quy hoạch.
Theo VIUP, trong trường hợp lựa chọn phương án một hoặc phương án hai như đề xuất nói trên, có thể đấu giá thêm một trong hai quỹ đất đã được quy hoạch để xây trung tâm hành chính mới nhằm huy động thêm vốn.
Cụ thể, đấu giá 20ha đất khu vực Tây Hồ Tây sẽ thu về khoảng 8.000 tỉ đồng, hoặc đấu giá 50ha đất tại Mễ Trì có thể thu về 10.000 tỉ đồng.
Trong khi đó, việc xây dựng trụ sở mới của 13 bộ, ngành chỉ cần khoảng 11.897 tỉ đồng theo phương án một, 14.326 tỉ đồng theo phương án hai và 17.000 tỉ đồng theo phương án ba.
Như vậy, việc đấu giá đất trụ sở cũ và một trong hai quỹ đất đã quy hoạch làm trung tâm hành chính mới sẽ dư tiền để xây mới trụ sở bộ, ngành.
Tuy nhiên, hầu hết các bộ, ngành trong diện di dời đều phản đối việc đấu giá quỹ đất đã quy hoạch ở Tây Hồ Tây và Mễ Trì để lấy tiền xây trụ sở mới.
Chính phủ chủ trương xã hội hóa
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, trụ sở các bộ ngành hiện nay do lịch sử để lại, đã tồn tại 50-60 năm nên việc di chuyển là vấn đề rất lớn.
Ông Hùng cũng cho biết quy hoạch di chuyển trụ sở bộ, ngành đã có từ lâu, nhưng về nguồn lực thực hiện phải cân đối vì ngân sách không để dành làm việc này được.
Vì vậy, Chính phủ chủ trương xã hội hóa nhưng ở mức độ nào cho hợp lý và việc chuyển quyền sử dụng đất phải tính toán phù hợp.
Bộ Xây dựng sẽ xem xét rất kỹ đề xuất của VIUP, vì liên quan tới nguồn lực thực hiện và quy hoạch từng bộ.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, việc xây dựng trung tâm hành chính mới quốc gia không chỉ tập trung vào việc xây mới trụ sở làm việc của bộ, ngành.
Các khu hành chính mới phải tạo lập hệ thống công trình công cộng, phát triển nhà ở ưu đãi cho cán bộ, công chức, các công trình xã hội như trường học, y tế..., tương tự như Hàn Quốc, Malaysia đã làm.
Nhiều nhà quy hoạch cũng chỉ ra một khó khăn lớn hiện nay là khi di dời tới trụ sở mới, các bộ, ngành thường không trao trả lại đất cơ sở cũ cho TP Hà Nội để làm công trình công cộng, không gian xanh.
Và thực tế nhiều bộ, ngành sau khi di dời vẫn giữ cơ sở cũ để giao cho một số đơn vị, doanh nghiệp thuộc bộ sử dụng, chẳng hạn Ủy ban Khoa học và kỹ thuật di dời đến khu vực Mỹ Đình vẫn giữ lại cơ sở cũ trên phố Trần Hưng Đạo, hay Bộ Nội vụ vẫn giữ cơ sở ở Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Vì vậy, cần một giải pháp đồng bộ trong chủ trương di dời bộ, ngành để khắc phục bất cập về pháp lý, huy động được nguồn lực và giữ được các giá trị kiến trúc, văn hóa tại khu vực trung tâm thủ đô.
13 bộ, ngành sẽ dời ra ngoài trung tâm TP Hà Nội
Đó là các bộ, ngành: Kế hoạch - đầu tư, Công thương, Tư pháp, Xây dựng, Giao thông vận tải, Lao động - thương binh và xã hội, Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Văn hóa - thể thao và du lịch, Thông tin và truyền thông, Giáo dục - đào tạo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN và Bảo hiểm xã hội VN.
PGS.TS Lê Quân (hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội):
Bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của các trụ sở cũ
Nhiều trụ sở cũ của các bộ, ngành đang là di sản của kiến trúc Pháp, nằm trong khu phố Pháp của Hà Nội, được xác định có giá trị lịch sử, văn hóa.
Ví dụ như trụ sở của các bộ: Giao thông vận tải, Văn hóa - thể thao và du lịch, Lao động - thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội VN.
Đừng chỉ nghĩ tới việc đấu giá đất trụ sở cũ để thu tiền cho ngân sách, phải có ứng xử phù hợp với những công trình văn hóa mới là điều cần quan tâm.
Mỗi công trình trụ sở bộ, ngành cũ hiện có những giá trị kiến trúc, văn hóa khác nhau, nên phải xây dựng phương án ứng xử với từng công trình dựa trên những đánh giá cụ thể, từ đó lên phương án tổng thể về chuyển đổi chức năng các cơ sở bộ, ngành cũ.
Cần thực hiện điều này trước khi tính tới phương án đấu giá đất trụ sở cũ của bộ, ngành.
Câu chuyện tài chính là câu chuyện cuối cùng vì có những trụ sở bộ, ngành cũ không thể đem đấu giá đất.
Những trụ sở này cần bàn giao lại cho TP Hà Nội quản lý, chuyển đổi chức năng thành một bảo tàng, nhà lưu niệm hay trung tâm thư viện của TP có tính chất công cộng, phục vụ cộng đồng.
Tuy nhiên, cũng có những trụ sở bộ, ngành có thể đấu giá một phần hoặc từng phần để khai thác dịch vụ thương mại kết hợp với bảo tồn di sản kiến trúc.
Để có phương án sử dụng trụ sở bộ, ngành cũ, TP Hà Nội cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia kiến trúc, quy hoạch và nhà nghiên cứu lịch sử để có những đánh giá chuẩn mực trước khi quyết định.
TTO - Từ tháng 10-2013 đến 10-2016, Cảng vụ hàng không miền Nam cho Công ty Vietjet "mượn" tầng 3. Đổi lại, Vietjet chi trả cho cảng vụ chi phí điện, nước, văn phòng phẩm… Tổng cộng Vietjet trả cho cảng vụ hơn 3,7 tỉ đồng.