Chuyên mục  


Chủ đề được bàn tán xôn xao trên các trang mạng xã hội và các diễn đàn đầu tư chứng khoán gần đây là Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán vừa được Bộ Tài chính công bố.

Theo đó, một trong những đề xuất được quan tâm nhất là việc Bộ Tài chính nâng tiêu chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đối với cá nhân, bổ sung quy định (i) phải tham gia đầu tư chứng khoán trong thời gian tối thiểu 02 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 04 quý gần nhất; (ii) có thu nhập tối thiểu 01 tỷ đồng/năm trong 02 năm gần nhất .

Nhiều phản ứng cho rằng điều kiện trên có thể hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư, tuy nhiên đa phần lại cho thấy sự khắt khe, thậm chí quy định mới rất dễ trở thành rào cản, từ đó có thể thu hẹp đối tượng tham gia trên thị trường.

Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP HCM, CTCP Chứng khoán DSC, trước mỗi sự thay đổi về mặt chính sách, những quan điểm trái chiều ủng hộ hoặc tranh luận là điều luôn có.

Trước tiên, có thể thấy rõ định hướng muốn xây dựng thị trường trái phiếu minh bạch, an toàn hơn.

Việc nâng cao rào cản tham gia thị trường và hướng tới khâu mua-bán chặng phát hành sơ cấp trái phiếu riêng lẻ là sân chơi của tổ chức, các quỹ, tự doanh CTCK…còn nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp có thể mua trái phiếu riêng lẻ trên sàn niêm yết tập trung là một định hướng rõ ràng, mang tính bền vững sau bước đầu xây dựng sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ trong năm 2023.

Tuy nhiên, ông Huy đánh giá các quy định bổ sung về điều kiện là nhà đầu tư chuyên nghiệp có những điểm kém hợp lý, nhất là việc quy định nhà đầu tư cá nhân phải có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất.

" Điều này hoàn toàn không phù hợp với các đối tượng có chiến lược đầu tư dài hạn, có số lần giao dịch thấp. Trên thực tế, quy định về NĐT cá nhân chuyên nghiệp hiện tại đã rất “chặt” sau những lần sửa đổi. Thêm vào đó, việc đào tạo nhà đầu tư nên được đẩy mạnh", ông Bùi Văn Huy đưa ra quan điểm.

Cũng theo một số ý kiến khác, đây là tần suất giao dịch tương đối dày, đặc biệt là với các nhà đầu tư theo trường phái nắm giữ dài hạn. Tiêu chuẩn “chuyên nghiệp” buộc nhà đầu tư phải “trading” nhiều trong ngắn hạn.

Một lãnh đạo công ty chứng khoán lớn từng chia sẻ “90% giao dịch trên thị trường là lỗ”. Nhận định cho thấy mức độ rủi ro cao trên thị trường chứng khoán, đặc biệt với những nhà đầu tư có tần suất giao dịch cao. Vì thế, điều kiện về tần suất giao dịch có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của nhà đầu tư, đặc biệt trong điều kiện thị trường không thuận lợi.

Mặt khác, về điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng, bổ sung thêm điều kiện phải có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh ngân hàng theo quy định của Pháp luật.

Ông Huy nhận định, việc yêu cầu phải có sự bảo lãnh của ngân hàng là không hợp lý vì giảm đi tính linh động trong huy động vốn của doanh nghiệp (vốn là ưu điểm của phát hành trái phiếu so với đi vay từ NH). Thị trường trái phiếu là niềm tin & nhiều doanh nghiệp có vị thế lớn hoàn toàn có thể phát hành trái phiếu không cần tài sản đảm bảo.

Một lần nữa, chuyên gia DSC cho rằng việc chặt chẽ ở cả khâu phát hành lẫn quy định đối tượng tham gia đều hợp lý, song có phù hợp với thực tiễn hay không mới thực sự quan trọng.

rhj-1726590158632-17265901588241401929294.png

So sánh Luật Chứng khoán trước và sau sửa đổi

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020