Chuyên mục  


Tổng thống đắc cử Donald Trump gần đây nhiều lần đề cập ý định mua đảo Greenland vì "an ninh quốc gia của Mỹ", thậm chí không loại trừ khả năng dùng sức mạnh quân sự để giành quyền kiểm soát hòn đảo.

Greenland là vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch nằm gần Bắc Mỹ, giữa Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, có dân số 57.000 người và là hòn đảo lớn nhất thế giới với diện tích hơn 2 triệu km2.

"Greenland có tầm quan trọng về kinh tế, địa chiến lược và trên hết là quân sự. Ông Trump hồi năm 2019 từng tuyên bố đang cân nhắc phương án mua lại Greenland từ Đan Mạch và nhận định đây là ý tưởng thú vị về mặt chiến lược", Thomas Newdick, biên tập viên của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone, cho hay.

Đây là trung tâm cuộc chạy đua chiến lược giữa nhiều nước nhằm mở rộng kiểm soát và ảnh hưởng quân sự ở Bắc Cực. Mỹ đang duy trì một trong những tiền đồn lớn nhất thế giới tại Greenland, cũng như triển khai lượng lớn binh sĩ ở đây trong gần một thế kỷ với sự cho phép của chính phủ Đan Mạch.

"Quan hệ hiện tại có nguồn gốc từ đầu thời kỳ Chiến tranh Lạnh, được thúc đẩy khi quan hệ Liên Xô - Mỹ lâm vào thế bế tắc và cũng bởi tầm quan trọng về mặt quân sự của Greenland. Tuy nhiên, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Greenland có thể đã bắt đầu từ trước đó khá lâu", Newdick nói.

Các khu vực ông Trump muốn kiểm soát hoặc đổi tên. Đồ họa: CBC

Trong Thế chiến II, khi Đức Quốc xã chiếm đóng Đan Mạch, đại sứ quán Đan Mạch tại Washington ký thỏa thuận cho phép Mỹ triển khai quân đội tới bảo vệ các khu dân cư trên đảo Greenland. Sau khi chiến tranh kết thúc, Đan Mạch tìm cách yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Greenland, song từ bỏ nỗ lực này sau khi gia nhập NATO với tư cách thành viên sáng lập vào năm 1949.

Greenland có khoảng cách tương đối ngắn với Liên Xô, khiến hòn đảo trở thành bàn đạp lý tưởng cho đòn tấn công hạt nhân của Mỹ nhằm vào đối thủ. Vị trí của nó cũng rất lý tưởng để Mỹ đặt radar cảnh báo sớm và tiêm kích đồn trú để ngăn đòn tấn công từ đối phương.

Một năm sau khi NATO thành lập, không quân Mỹ bí mật xây dựng căn cứ không quân Thule, cơ sở quân sự quan trọng nhất của nước này trên đảo Greenland.

Căn cứ Thule hoạt động từ năm 1952, là nơi đóng quân của các phi đội oanh tạc cơ, máy bay trinh sát, tiêm kích, cùng nhiều đơn vị tên lửa phòng không mang đầu đạn hạt nhân MIM-3 và MIM-14.

Mỹ triển khai hệ thống cảnh báo sớm chống tên lửa đạn đạo (BMEWS) đầu tiên tại Greenland năm 1961. Đến năm 1987, quân đội Mỹ nâng cấp lên hệ thống radar mảng pha hiệu quả hơn có tên Radar Cảnh báo sớm Nâng cấp (UEWR).

Vai trò của căn cứ Thule suy giảm sau khi Liên Xô tan rã và Chiến tranh Lạnh kết thúc, song tình hình địa chính trị thay đổi tại Bắc Cực khiến tầm quan trọng của nó ngày càng tăng.

Vận tải cơ LC-130 của Mỹ hạ cánh tại đảo Greenland, Đan Mạch tháng 5/2024. Ảnh: USAF

Căn cứ Thule được đổi tên thành Pituffik hồi năm 2023, sau khi Quân chủng Vũ trụ Mỹ tiếp nhận nó từ không quân. Các đơn vị đóng quân tại đây có nhiệm vụ cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của Nga, theo dõi vệ tinh và giám sát không gian. Một số biên đội tiêm kích cũng được tái triển khai đến Pituffik, thực hiện nhiệm vụ cốt lõi của căn cứ trong Chiến tranh Lạnh.

Pituffik thường xuyên tổ chức các chuyến bay giám sát và thu thập dữ liệu khoa học, đồng thời đóng vai trò là trung tâm cho vận tải cơ và hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Căn cứ liên kết với một cảng gần đó, đóng vai trò là đầu mối hậu cần quan trọng cho quân đội Mỹ tại Bắc Cực.

"Mối quan tâm của ông Trump với Greenland những năm gần đây phản ánh thực tế rằng Mỹ đã tụt hậu rất xa so với Nga trong thiết lập hiện diện trên Vòng Bắc Cực, chứ chưa bàn tới các hoạt động dài hơi trong khu vực", Newdick nói, đề cập khu vực từ vĩ tuyến 66 độ trở lên tới Bắc Cực.

Nga coi Bắc Cực có tầm quan trọng chiến lược và đầu tư rất nhiều vào khu vực này. Trong những năm qua, Moskva đã tăng cường hiện diện không quân và hải quân tại Vòng Bắc Cực, thiết lập nhiều căn cứ mới và mở lại những cơ sở ngừng hoạt động sau Chiến tranh Lạnh.

Hoạt động hàng hải của Nga tại Bắc Cực có sự hỗ trợ đắc lực của hạm đội tàu phá băng lớn, sở hữu năng lực vượt xa Mỹ và các đồng minh cộng lại.

"Tầm quan trọng của Bắc Cực có thể lớn hơn nhiều so với thời Chiến tranh Lạnh, do biến đổi khí hậu đang làm tan băng, mở ra những tuyến hàng hải mới và cho phép các bên tiếp cận những nguồn tài nguyên thiên nhiên nằm dưới lớp băng vĩnh cửu trước đây", Newdick cho biết.

Trực thăng trong cuộc huấn luyện giữa tàu Tuần duyên Mỹ và tàu tuần tra Đan Mạch gần Greenland tháng 9/2020. Ảnh: USCG

Lầu Năm Góc gần đây nhận định Bắc Cực là "khu vực cạnh tranh cao", cho biết các đối thủ ngày càng quan tâm đến nơi này và có thể gây bất lợi cho Mỹ.

"Tầm quan trọng về địa chính trị của Bắc Cực sẽ ngày càng tăng lên. Vị trí của Greenland khiến nó đóng vai trò quan trọng mang tính sống còn với Mỹ", Newdick đánh giá.

An ninh quốc gia của Mỹ không chỉ phụ thuộc đáng kể vào khả năng theo dõi và phát hiện tên lửa, mà còn liên quan đến khả năng hiện diện quân sự trên hòn đảo. Nếu duy trì chỗ đứng ở đây, quân đội Mỹ sẽ có thể tiếp cận Bắc Cực bằng đường biển và đường không mà không gặp hạn chế nào.

"Nếu Mỹ kiểm soát hoặc mở rộng hiện diện quân sự tại Greenland, hòn đảo sẽ là tiền đồn lý tưởng để thách thức các đối thủ trong khu vực. Nó có tiềm năng trở thành trung tâm hậu cần lớn, cho phép quân đội Mỹ mở rộng phạm vi hoạt động ra khắp Bắc Cực", chuyên gia Mỹ nhận xét.

Greenland có khả năng trở thành nơi đồn trú dài hạn của oanh tạc cơ và tiêm kích Mỹ, giúp nước này xây dựng phòng tuyến chống oanh tạc cơ và tên lửa đối phương. Mỹ cũng có thể triển khai vũ khí tấn công tầm xa tại Greenland như thời Chiến tranh Lạnh, đồng thời xây dựng cơ sở phục vụ cho hạm đội tàu phá băng.

Hòn đảo này còn đóng vai trò quan trọng với mạng lưới theo dõi tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay. Hạm đội tàu ngầm chiến lược của Hạm đội Phương Bắc hải quân Nga luôn phải vượt qua Vùng GIUK, eo biển chiến lược giữa đảo Greenland, Iceland và Anh, nếu muốn tiến ra Đại Tây Dương và áp sát bờ biển Mỹ.

Vị trí Vùng GIUK. Đồ họa: CIA

"NATO luôn triển khai lực lượng hải quân đáng kể để theo dõi Vùng GIUK trong Chiến tranh Lạnh. Tính năng kỹ chiến thuật của tàu ngầm Nga ngày càng tăng, khiến Vùng GIUK sẽ trở thành khu vực quan trọng chiến lược. Triển khai lực lượng tác chiến săn ngầm ở Greenland càng giúp Mỹ củng cố biện pháp đối phó", Newdick nói.

Mỹ đang hợp tác với Đan Mạch để đảm bảo hiện diện quân sự đáng kể tại Greenland, có thể hoàn thành hầu hết mục tiêu chiến lược tại đây thông qua quan hệ đồng minh thay vì kiểm soát hòn đảo bằng biện pháp cứng rắn.

"Chưa rõ cuộc cạnh tranh quân sự đang nổi lên ở Bắc Cực và động lực cạnh tranh của Mỹ trước các đối thủ có khiến Greenland tiếp tục lọt vào tầm ngắm của ông Trump trong nhiệm kỳ hai hay không. Dù vậy, Greenland luôn đóng vai trò nền tảng trong chiến lược quân sự của Mỹ tại Bắc Cực, bất kể dưới hình thức nào", Newdick nêu quan điểm.

Nguyễn Tiến (Theo TWZ, AFP, AP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020