Báo Nikkei Asian Review (Nhật Bản) mới đây vừa đăng tải bài viết nói rằng Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn, với biên độ tăng trưởng rộng và đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Nikkei, tập đoàn bán lẻ Central Retail của Thái Lan là một trong những công ty bán lẻ đa quốc gia đang dẫn đầu làn sóng đầu tư vào Việt Nam. Mới đây, Central Retail vừa công bố kế hoạch chi 30 tỷ baht (790 triệu USD) để tăng gấp đôi sự hiện diện của họ tại Việt Nam.
Với kế hoạch nói trên, Central Retail dự kiến mở rộng mạng lưới bán lẻ của mình từ 340 cửa hàng lên ít nhất 710 cửa hàng vào năm 2026. Công ty cũng đặt mục tiêu đạt doanh thu 100 tỷ baht vào năm 2026.
Kể từ khi vào Việt Nam năm 2012, hoạt động kinh doanh của Central Retail đã tăng trưởng nhanh chóng. Năm ngoái, tập đoàn này thu về 38,6 tỷ baht doanh thu, trong đó Việt Nam là thị trường ngoài Thái Lan mang lại doanh thu lớn nhất cho Central Retail.
Hiện tại, Central Retail đang duy trì cùng lúc khoảng 10 thương hiệu tại Việt Nam, trong đó những thương hiệu nổi bật nhất phải kể đến chuỗi siêu thị bán lẻ Go! và Tops.
Dự kiến đến năm 2026, các cửa hàng của Central Retail tại Việt Nam sẽ bán nhiều chủng loại hàng hóa đa dạng - cả hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng.
Trong 5 năm tới, Central Retail cũng có kế hoạch mở rộng mạng lưới ra khoảng 55/63 tỉnh thành của Việt Nam và tăng gấp đôi số lượng đại siêu thị lên 70 (các đại siêu thị này có diện tích dao động từ 4.000 đến 7.000 mét vuông).
Ảnh: Central Group
Sức hấp dẫn của Việt Nam
Tuy nhiên, theo Nikkei, Central Retail không phải là nhà bán lẻ nước ngoài duy nhất khao khát mở rộng thị trường tại Việt Nam.
Tập đoàn Aeon của Nhật Bản có kế hoạch tăng số lượng siêu thị ở Việt Nam lên khoảng 100 vào năm 2025. Thế mạnh của tập đoàn này là các trung tâm mua sắm, và nhiều siêu thị của Aeon tại Việt Nam có diện tích khoảng 300 mét vuông.
Aeon dự định xây dựng thêm các siêu thị mới rộng từ 500 mét vuông trở lên, và sẽ tạo khác biệt với dòng sản phẩm tươi sống và chế biến sẵn theo công nghệ Nhật Bản.
Tập đoàn bán lẻ Lotte của Hàn Quốc, với thế mạnh trong việc vận hành các trung tâm mua sắm đô thị lớn, cũng có kế hoạch mở thêm Lotte Mart ở Việt Nam.
Theo Nikkei, một trong những yếu tố làm nên sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà bán lẻ nước ngoài là tiềm năng tăng trưởng kinh tế.
Năm 2020, khi đại dịch COVID-19 khiến các nền kinh tế của Thái Lan, Indonesia chịu tác động nặng nề, Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng GPD 2,9% và là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có mức tăng trưởng dương trong năm này.
Kể từ đó đến nay, Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng. Quý III/2022, GDP của Việt Nam tăng trưởng 13,67% so với cùng kỳ năm 2021.
Ảnh: Nikkei
Các nhà bán lẻ đa quốc gia cũng hy vọng sẽ kiếm thêm lợi nhuận từ việc hiện đại hóa trải nghiệm mua sắm của Việt Nam, được thúc đẩy một phần nhờ đại dịch khi nhiều người tiêu dùng chuyển sang lựa chọn các siêu thị - nơi mang lại sự an tâm và nguồn cung hàng hóa ổn định.
Các nhà bán lẻ nước ngoài cũng dự đoán rằng thói quen và quan điểm của người tiêu dùng sẽ thay đổi khi họ có thể mua tất cả những đồ mình cần ở cùng một nơi.
Một vị giám đốc điều hành tại một tập đoàn bán lẻ quốc tế cho biết: Nếu ngành bán lẻ tiếp tục hiện đại hóa ở Việt Nam, "thì nước này sẽ trở thành một thị trường có nhiều cơ hội kinh doanh hơn các nước khác".
Một điểm cũng hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ toàn cầu là Việt Nam có kế hoạch vào năm 2024 về bãi bỏ việc kiểm tra năng lực kinh tế đối với các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách thành lập các cửa hàng bán lẻ.
Trong khi đó, "tỷ lệ thâm nhập thương mại" của các cửa hàng hiện đại, phi truyền thống ở Việt Nam chỉ là 11%, cho thấy tiềm năng và dư địa tăng trưởng vẫn ở mức lớn.
Dự báo lạc quan cho kinh tế Việt Nam
Nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo lạc quan cho nền kinh tế của Việt Nam. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ dẫn đầu châu Á ở mức 7,2% trong năm nay - tăng so với mức dự báo được WB đưa ra hồi tháng 4 là 5,3%.
Trong khi đó, tăng trưởng GDP ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán là 3,2%.
Theo các chuyên gia WB, thành công của Việt Nam là kết quả của các biện pháp phòng chống COVID-19 hiệu quả, lợi thế về nhân khẩu học và vị trí lợi thế trong cấu trúc kinh tế khu vực và toàn cầu.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's Investors Service, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) lần lượt dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 8,5%, 7%, và 6,5% trong năm nay.
Tổng hợp: Nikkei Asian Review, TTXVN
Theo Hồng Anh
Tổ quốc