Sau nhiều năm sống lang thang, Hutchinson, 66 tuổi, cuối cùng cũng được ở trong căn phòng riêng sạch sẽ có bếp và nhà tắm tại một tòa chung cư ở Altadena vào tháng 12/2024 nhờ chính sách hỗ trợ nhà ở của chính quyền hạt Los Angeles, bang California, Mỹ.
"Tôi ngỡ như đang sống trong mơ", Hutchinson kể về cảm giác háo hức khi chuyển vào căn nhà mới sau những tháng ngày phiêu bạt.
Bé gái ngủ trên vai mẹ trong một điểm phân phối hàng cứu trợ cho nạn nhân đám cháy Eaton tại công viên Santa Anita ở Arcadia, bang California, ngày 11/1. Ảnh: Reuters
Nhưng chưa đầy một tháng sau, ông phải rời khỏi căn hộ mơ ước khi đám cháy rừng Eaton ập đến. Trong tuần qua, Hutchinson ngủ trên giường gấp ở trung tâm hội nghị Pasedena, nơi tạm trú dành cho những người phải sơ tán vì cháy rừng.
Ông ngồi trên một chiếc xe tập đi bên ngoài trung tâm Pasedena ngày 15/1 cùng chó cưng Rusty, nhớ về quãng thời gian dài chuyển từ chỗ này sang chỗ khác trong hệ thống hỗ trợ người vô gia cư của Los Angeles. Ông nghe nói căn hộ mới của mình vẫn an toàn sau đám cháy, nhưng không rõ bao giờ cư dân được phép quay lại.
"Tôi chỉ muốn tòa nhà của mình vẫn trụ vững để có chốn quay về", ông nói.
Hàng loạt đám cháy rừng đang hoành hành ở Los Angeles và các khu vực lân cận, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng vô gia cư ở California, khi những người dễ tổn thương nhất mất nhà cửa khi đang nỗ lực xây dựng lại cuộc sống.
Mạng lưới các tổ chức hỗ trợ người vô gia cư cũng gặp rất nhiều khó khăn. Các nhóm hỗ trợ quá tải vì nhà của nhân viên cũng bị cháy. Các nơi trú ẩn và nhà hỗ trợ tuần trước rơi vào hỗn loạn khi đám cháy tới gần và chính quyền ban hành lệnh sơ tán vào sáng sớm.
"Có người đến gặp tôi, nói rằng 'Tôi đã vô gia cư rồi, bây giờ lại vô gia cư lần nữa sao?'", Sarah Hoppmeyer, giám đốc tổ chức phi lợi nhuận USHS hỗ trợ người vô gia cư trong khu vực, nói.
Số người vô gia cư ở Los Angeles tăng mạnh sau đại dịch Covid-19. Hạt gần đây áp dụng một số chính sách hỗ trợ để xử lý cuộc khủng hoảng và hỗ trợ chỗ ở cho người vô gia cư.
Sở nhà ở và phát triển đô thị Los Angeles hồi tháng 12/2024 cho hay trong hạt có khoảng 75.000 người vô gia cư, mức giảm đầu tiên trong 7 năm. Giới chức ghi nhận sự thay đổi này có được nhờ tăng đầu tư vào nhà ở giá rẻ và nỗ lực của các ban ngành, tổ chức hỗ trợ.
Một gia đình đem theo thú cưng tới trung tâm sơ tán ở Pasadena ngày 10/1. Ảnh: AFP
Cháy rừng đe dọa hủy hoại thành tựu này. Hơn 150.000 người phải sơ tán trong tuần qua. Thách thức mà những người mất nhà cửa đối mặt trong quá trình tái thiết chỉ mới bắt đầu. Hàng nghìn người lao động bị đe dọa sinh kế, đi cùng đó là năng lực trả tiền thuê nhà.
"Sẽ có nhiều người hơn phải sống trong xe hơi thời gian tới", Sarah Hunter, giám đốc Trung tâm Nhà ở và người vô gia cư tại Rand, một tổ chức nghiên cứu, nhận định.
Los Angeles đã lên kế hoạch kiểm kê số người vô gia cư thường niên vào tuần tới nhưng phải hoãn lại do cháy rừng. Các khu nhà ở hỗ trợ tạm thời và cố định cho người vô gia cư trên địa bàn Los Angeles buộc phải sơ tán. Nhiều cư dân phải tự lo liệu tìm chỗ ở.
April Grijalva, 55 tuổi, từng phải sống 10 năm trong khu lều trại tạm bợ ở Pico Rivera, phía đông Los Angeles, trước khi được chuyển tới tòa chung cư ở Altadena hồi tháng 10/2024. "Tôi như đang mơ cho tới khi thật sự chuyển vào", bà nói.
Nhưng tuần trước, bà phải sơ tán cùng Hutchinson và 31 người khác. Bà sau đó phải ngủ qua đêm trong xe ở bãi đỗ xe của McDonald's, trước khi dọn đến ở cùng con gái tại El Monte.
Đám cháy khiến bà quay lại cuộc sống bấp bênh. Grijalva vốn lên kế hoạch đi học để lấy bằng trung học nhưng bây giờ, bà không chắc có thực hiện được hay không. Bà sử dụng phần lớn ngân sách chi tiêu trong tháng để mua xăng rời khỏi Altadena.
"Bây giờ tôi phải làm gì?" Grijalva nói. "Tôi thậm chí còn không có cơ hội trả tiền thuê nhà".
Daryl Ross đã lên lịch gặp cố vấn giúp anh nộp đơn xin thuê căn hộ ở Los Angeles tuần trước. Cuộc hẹn bị hủy vì nơi ở tạm thời của anh, khách sạn tại thành phố Monrovia, phải sơ tán vì đám cháy Eaton.
Ross, 37 tuổi, quơ vội vài bộ quần áo rồi chạy đi, giống như anh từng làm khi mất nhà lúc bà nội qua đời, hay khi chuyển từ khu trại dành cho người vô gia cư tới khách sạn ở Monrovia vào mùa hè.
"Thật bức bối", Ross nói. "Cảm giác như 'tôi lại phải đi', cố gắng tìm nơi ổn định".
Chính quyền Los Angeles chuyển anh tới một khách sạn ở El Monte, nơi đang được sử dụng làm nhà ở tạm thời cho người sơ tán. Một tuần sau, Ross vẫn chán chường. Nhà của anh ở Monrovia không bị hỏa hoạn phá hủy nhưng bây giờ anh không có việc làm cho tới khi được phép quay lại.
"Ngay cả khi bây giờ có phỏng vấn xin việc, tôi cũng không có quần áo mặc", Ross nói. "Tôi chỉ kịp lấy quần áo nỉ và áo phông".
Các tổ chức hỗ trợ người vô gia cư cho hay mối quan tâm lớn nhất bây giờ là tìm kiếm người mất tích và chăm sóc sức khỏe cho người vô gia cư khi bầu không khí độc hại bao trùm Los Angeles vì cháy rừng suốt nhiều ngày.
Giselle Silebi, y tá tại một cơ sở khám chữa bệnh di động ở Los Angeles, cho hay các bệnh hô hấp gia tăng từ khi cháy rừng bắt đầu. Một số người được cô điều trị cũng mất hồ sơ bệnh án và thẻ bảo hiểm trong lúc sơ tán.
Người dân xếp hàng tại một trung tâm cứu trợ nạn nhân cháy rừng ở Pasadena tuần trước. Ảnh: AP
Theo Evelyn Curtis, phó giám đốc USHS, tuần vừa qua là thời gian chạy đua hỗ trợ người vô gia cư sơ tán, kết nối họ với nhân viên xã hội và y tế, giữ liên lạc để thông báo thời điểm họ được phép quay về.
"Một số khách hàng của chúng tôi mắc chứng rối loạn sức khỏe tâm thần và PTSD, hoặc những bệnh khác mà chúng tôi chưa biết hoặc có thể mắc mới", bà nói, lưu ý "chúng tôi có nhiều khách hàng bị mù hoặc mất khả năng vận động".
Bà có hai khách hàng bị mất nhà trong đám cháy và sẽ phải bắt đầu lại quá trình nộp đơn xin thuê nhà gian khổ. Curtis và Hoppmeyer tới thăm Trung tâm hội nghị Pasadena ngày 15/1, chào Hutchinson và một số người quen ở các khu nhà thuộc quản lý của USHS. Hai người muốn tìm một cư dân ở cùng tòa nhà với Hutchinson hiện chưa rõ tung tích.
Họ gọi điện nhưng người này không nghe máy. Anh ta có thể đã an toàn ở một khu sơ tán khẩn cấp khác hoặc ở nhà người thân, cũng có thể đang lang thang trên đường phố Los Angeles đầy khói lửa.
Hồng Hạnh (Theo Washington Post)