Chuyên mục  


bao-hiem-xe-gan-may3-read-only-1729214338226324916708.jpg

Bảo hiểm xe máy được bán tràn lan bên đường, nhiều người dân mua chỉ vì sợ bị cảnh sát giao thông phạt - Ảnh: BÔNG MAI

Cho đến nay, nhiều người dân vẫn mua bảo hiểm xe máy để đối phó, số đông khác không mua vì không tin vào "lưới đỡ" của bảo hiểm. 

Do đó, các chuyên gia cho rằng phải "đột phá" tìm ra biện pháp để phá vỡ cái vòng luẩn quẩn "mua bảo hiểm mà không tin bảo hiểm", bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Doanh thu tốt, bồi thường "ậm ừ" đến bao giờ?

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong ba quý đầu năm 2024 doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt hơn 58.500 tỉ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng đối với bảo hiểm bắt buộc xe máy, dữ liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy nửa đầu năm 2024 doanh thu từ mảng này đạt 2.200 tỉ đồng. 

Trung bình những năm gần đây, các doanh nghiệp ôm về tổng cộng khoảng 4.000 tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường dao động 10-20%, chưa tương xứng với nhu cầu, thiệt hại và số tai nạn thực tế.

Có thể thấy bảo hiểm xe máy là "miếng bánh ngon" giữa thị trường màu mỡ khi Việt Nam có tỉ lệ người dùng xe máy cao nhất Đông Nam Á với gần 73% (theo Seasia Stats). Chục năm qua, trung bình mỗi năm có 8.000 người chết và hơn 15.200 người bị thương do tai nạn giao thông, dữ liệu tổng hợp từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. 

Khi sự cố xảy ra, không phải ai cũng đủ tiền đền bù cho nạn nhân, có người còn chối bỏ trách nhiệm. Chính lúc này, các nạn nhân rất cần được bảo hiểm xe máy hỗ trợ bồi thường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một công ty chuyên về công nghệ bảo hiểm cho biết chuyển đổi số là giải pháp tăng thuận tiện cho người dân không chỉ trong khâu mua bảo hiểm bắt buộc xe máy, mà còn ở khâu giải quyết quyền lợi bồi thường. Tuy nhiên hiện nay nhiều doanh nghiệp mới tập trung việc bán nhiều hơn.

Được phía chuyên gia công nghệ nhận xét là nghiệp vụ dễ, nhưng việc số hóa trong khâu xử lý bồi thường còn tùy thuộc vào tiềm lực cũng như thiện chí của từng doanh nghiệp bảo hiểm. Thời gian qua các doanh nghiệp khẳng định không giới hạn tỉ lệ chi trả bồi thường, song cũng cần hiểu rằng khi tỉ lệ này cao thì ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của họ.

bao-hiem-xe-gan-may-thi-truong-vn-read-only-17292143382212095396114.jpg

Khi Việt Nam có tỉ lệ người dùng xe máy cao nhất Đông Nam Á thì bảo hiểm xe máy là “miếng bánh ngon” trên thị trường này - Ảnh: T.T.D.

Cần có cơ quan bảo vệ khách mua bảo hiểm

Chuyên gia Trần Nguyên Đán - chủ nhiệm Cộng đồng Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính - nhận định thời gian qua Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã có rất nhiều hội nghị thảo luận, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho người dân khi tỉ lệ tham gia bảo hiểm còn thấp, việc giải quyết bồi thường còn chậm trễ, gây phiền hà… 

Đồng thời tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra trong ngành bảo hiểm, bao gồm cả bảo hiểm xe máy. Tức hoạt động xây dựng chính sách cũng như giám sát và xử lý sai phạm trên thị trường này là có diễn ra, song người dân cần sự quyết liệt hơn vậy.

Mặc dù đã có Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhưng hội này không chuyên trách mảng tài chính, càng không đáp ứng nhu cầu của khách hàng mua bảo hiểm. 

"Muốn đối thoại phải có hai bên ngang ngửa vị thế. Còn hiện nay công ty bảo hiểm đang đứng cửa trên. Nhiều người dân cũng muốn đòi quyền lợi nhưng yếu thế và không đủ năng lực để đối trọng. 

Cần có cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong ngành tài chính - bảo hiểm, có đội ngũ cố vấn bài bản, đầy đủ kiến thức, cung cấp dịch vụ pháp lý, tiếp nhận đơn thư phản ánh, thay mặt người dân xử lý vấn đề đến tận cùng. Trong trường hợp không hòa giải được, cơ quan này sẽ hỗ trợ khởi kiện công ty bảo hiểm" - ông Đán nói.

Cơ quan bảo vệ quyền lợi khách hàng tài chính - bảo hiểm phải do Nhà nước lập ra. Các công ty tài chính, ngân hàng, công ty bảo hiểm… trích thu tiền từ khách hàng thì phải trích một phần ra cho cơ quan này. 

Không chỉ khách hàng mua bảo hiểm bắt buộc xe máy cảm thấy mất niềm tin và phiền lòng, mà kể cả nhiều khách mua sản phẩm khác, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ cũng đang rơi vào trạng thái bực dọc, có người còn bị lừa gạt.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính

TS Hồ Quốc Tuấn - giảng viên cao cấp Đại học Bristol (Anh) - nhận định: "Ở Việt Nam có lẽ đến lúc cần một cơ quan giải quyết tranh chấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính".

Bởi không phải chuyện gì cũng cần đến tòa án để giải quyết. Chúng ta cần một cơ quan tiếp nhận các khiếu nại, tranh chấp của người tiêu dùng. Đây cũng là chốt chặn đầu tiên phân xử các khiếu nại của người tiêu dùng.

Để tránh những lo ngại về tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi thì cơ quan này có thể phụ thuộc một bộ ngành khác Bộ Tài chính. Nhưng cũng đồng nghĩa là phải có nguồn lực tương ứng để thu hút nhân lực có chuyên môn làm việc trong cơ quan này.

* Đại biểu Quốc hội PHẠM TRỌNG NGHĨA (Đoàn Lạng Sơn):

Thủ tục bồi thường cần đơn giản, nhanh gọn

ho-thi-minh-001-17292143382301935619540.jpg

Thời gian qua, khi tiến hành tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh về vấn đề bảo hiểm xe máy.

Trong đó, đa số ý kiến cử tri cho rằng thủ tục chi trả bồi thường với bảo hiểm xe máy hiện nay rất khó khăn, phức tạp.

Do vậy, theo tôi, thời gian tới phải có các giải pháp căn cơ để giải quyết việc tổ chức thực hiện. Trong đó cần công khai, minh bạch vấn đề này.

Thủ tục bồi thường bảo hiểm cần đơn giản, vừa bảo đảm chi trả bảo hiểm nhanh gọn, chính xác góp phần giúp người bị tai nạn sớm khắc phục được khó khăn về tài chính khi không may xảy ra tai nạn.

Đồng thời vừa bảo đảm hồ sơ, tài liệu, chứng từ hợp lệ để doanh nghiệp hạch toán chi phí. Các đường dây nóng cũng phải được duy trì 24/7 để sẵn sàng tiếp nhận cuộc gọi, phản ánh.

Cùng với đó, cần tạo sự cạnh tranh với các công ty bảo hiểm, khi càng cạnh tranh tốt thì người dân sẽ càng được hưởng lợi. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết bồi thường bảo hiểm đối với xe máy.

Trong đó, có thể xây dựng các ứng dụng để người dân có thể dễ dàng thực hiện các thủ tục yêu cầu bồi thường khi có sự cố xảy ra.

* Đại biểu HỒ THỊ MINH (Đoàn Quảng Trị):

Cử tri có tiếng nói, Quốc hội cần giám sát

pham-trong-nghia-001-17292143382341056023763.jpg

Khi chúng tôi tiếp xúc, nhiều cử tri đề nghị điều chỉnh quy định mua bảo hiểm xe máy nên là hình thức tự nguyện, không nên bắt buộc.

Bởi lẽ hiện nay có rất nhiều công ty và bảo hiểm xe máy đang được bán "nhan nhản" ngoài đường, ai cũng có thể bán. Tuy nhiên, thủ tục chi trả quá rườm rà, khó khăn.

Cử tri cho hay đa phần người dân hiện nay đều mua để đối phó với CSGT kiểm tra, không bị phạt hành chính, còn mua để mong muốn hưởng chi trả sau khi gặp rủi ro, hưởng tính nhân văn là chưa có.

Do vậy, đây là điều mà chúng ta cần có giải pháp triệt để tính toán lại. Trong đó, nếu vẫn duy trì bảo hiểm xe máy và thấy mang lại an toàn, lợi ích cho người dân khi xảy ra sự cố thì nên rà soát lại, quản lý chặt lại.

Đồng thời nên gom lại 1-2 đầu mối để người dân biết rõ địa chỉ, liên lạc khi cần. Các thủ tục cũng cần đơn giản, nhanh chóng để người dân khi bỏ tiền ra mua bảo hiểm cho mình phải được hưởng bồi thường đúng quy định.

Bên cạnh đó, vấn đề này đã được cử tri, người dân nêu rất nhiều trong thời gian qua nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để. Vì vậy, việc giám sát đối với bảo hiểm xe máy là cần thiết.

Trong đó, chính các đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương nên tổ chức giám sát ở địa phương mình. Qua giám sát có thể giải quyết được vấn đề căn cơ đặt ra liên quan việc này ở địa phương mình. Sau đó báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục xem xét ở mức cao hơn.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020