Chuyên mục  


Ngày 17/10, Nokia cho biết thị trường Bắc Mỹ có dấu hiệu tăng trưởng sau nhiều năm yếu kém. Nhờ đó, lợi nhuận hoạt động quý III của hãng đạt 454 triệu euro (492 triệu USD), tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Thị trường Bắc Mỹ bắt đầu phát tín hiệu tốt. Chúng tôi đã có quý III tăng trưởng mạnh về hạ tầng mạng", CEO Pekka Lundmark nói.

Tuy nhiên, thị phần của Nokia tại khu vực này gần đây đi xuống do để mất hợp đồng với các nhà mạng Verizon và AT&T.

"Chúng tôi trải qua thời gian cực kỳ tồi tệ. Hiện tại, việc suy giảm chấm dứt và tình hình kinh doanh bắt đầu hồi phục. Đây là việc tốt, nhưng viễn thông sẽ không bao giờ là thị trường có tốc độ tăng trưởng khổng lồ nữa", Lundmark nói thêm.

Logo Nokia tại triển lãm ở Tây Ban Nha hồi tháng 2/2023. Ảnh: Reuters

Trong quý II, lợi nhuận hoạt động của Nokia giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái, về 423 triệu euro (462 triệu USD). Doanh thu ròng cũng giảm 18% về 4,47 tỷ euro - thấp nhất kể từ năm 2015, do thị trường liên tục yếu đi.

Sang quý III, doanh thu ròng giảm tiếp 8%, xuống 4,33 tỷ euro (4,7 tỷ USD). Số liệu này không đạt dự báo 4,76 tỷ euro, chủ yếu do thị trường Ấn Độ đi xuống. Thông tin này khiến cổ phiếu Nokia giảm 4% trên sàn Helsinki (Phần Lan).

Để thúc đẩy tăng trưởng, hãng tập trung vào mảng quốc phòng và trung tâm dữ liệu. Họ chi 2,3 tỷ USD mua hãng sản xuất thiết bị mạng Infinera (Mỹ) hồi tháng 6. "Tăng trưởng sẽ đến từ đây", Lundmark nói. Năm nay, hãng dự báo lợi nhuận hoạt động đạt 2,3-2,9 tỷ euro.

Nhu cầu từ khách hàng Ấn Độ, vốn giảm mạnh, bắt đầu có dấu hiệu nhích lên sau khi Nokia giành hợp đồng lớn với Vodafone Idea tháng trước. Họ được kỳ vọng có thêm hợp đồng nữa từ Bharti Airtel. Lundmark cho rằng thị trường này sẽ tăng trưởng trở lại trong năm tới.

Hãng cũng áp dụng chính sách cắt giảm chi phí mạnh tay, khi cạnh tranh trong ngành lên cao, kinh tế thế giới chậm lại và các nhà mạng giảm chi cho cơ sở hạ tầng. Tháng 10/2023, hãng thông báo cắt giảm tới 14.000 việc làm sau khi lợi nhuận quý III lao dốc. Họ đặt mục tiêu giảm 800-1,2 tỷ euro chi phí từ nay đến 2026.

Nokia từng thống trị thị trường điện thoại toàn cầu thập niên 90. Tuy nhiên, việc chậm đổi mới trước sự xuất hiện của các đối thủ đã khiến hãng phải rời đi. Tập đoàn này là cái tên dẫn đầu trong mảng thiết bị viễn thông toàn cầu và hiện hãng tập trung vào mảng thiết bị mạng và phần mềm.

Hà Thu (theo Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020