Dưới hình thức mua kỳ nghỉ dưỡng tại các dự án của ALMA, nhiều khách hàng bỏ ra từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng - Ảnh: Website ALMA
Đơn vị bán mô hình sở hữu kỳ nghỉ lỗ lớn hai năm liên tiếp
Công ty TNHH khu du lịch Vịnh Thiên Đường - đơn vị tiên phong cung cấp mô hình sở hữu kỳ nghỉ tại Việt Nam - vừa công bố số lỗ 831 tỉ đồng năm 2022. Năm 2021, lợi nhuận sau thuế của Vịnh Thiên Đường cũng âm 701 tỉ đồng.
Tại thời điểm 31-12-2022, vốn chủ sở hữu Vịnh Thiên Đường âm tới 1.575 tỉ đồng, trong khi năm trước âm 663 tỉ đồng. Cùng thời điểm, doanh nghiệp này gánh nợ khoảng 5.780 tỉ đồng, dư nợ trái phiếu không còn.
Trên website, Vịnh Thiên Đường giới thiệu là đơn vị đầu tư xây dựng ALMA Resort (Cam Ranh và Khánh Hòa) - dự án nghỉ dưỡng cao cấp dành riêng cho các gia đình.
Theo giới thiệu công ty này, với mô hình sở hữu kỳ nghỉ, có nhiều người/gia đình có thể cùng tham gia sử dụng phòng nghỉ dưỡng dạng căn hộ hoặc biệt thự và có quyền sử dụng không gian nghỉ dưỡng nói trên trong một khoảng thời gian nhất định, trên cơ sở lặp lại định kỳ.
Dưới hình thức mua kỳ nghỉ dưỡng tại các dự án của ALMA, nhiều khách hàng bỏ ra từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng.
Tuy nhiên, thời gian qua ghi nhận không ít phản ảnh về việc khách hàng từng tham gia hợp đồng chia sẻ kỳ nghỉ không được hưởng đúng quyền lợi như bên cung cấp dịch vụ đã cam kết hoặc quảng cáo.
Năm 2022, trên cơ sở tiếp nhận một số khiếu nại của người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (nay là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia) đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường.
Mới đây, cơ quan này đã công bố kết quả chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và kết luận thanh tra với Vịnh Thiên Đường.
Cụ thể theo kết luận, Vịnh Thiên Đường đã cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác cho người tiêu dùng. Đồng thời sử dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung có cỡ chữ nhỏ hơn quy định.
Ngoài bị phạt tiền với hành vi nêu trên, công ty tiên phong về mô hình sở hữu kỳ nghỉ này còn phải thực hiện khắc phục hậu quả như buộc cải chính thông tin, sửa đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho biết sẽ tiếp tục rà soát, thông tin về các nội dung cần lưu ý trong các bản hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ theo mẫu và khuyến nghị người dân lưu ý, nghiên cứu và cân nhắc kỹ trước khi giao kết hợp đồng.
Chủ sở hữu resort sang chảnh Six Senses Ninh Vân Bay hồi phục ra sao?
Công ty cổ phần bất động sản du lịch Ninh Vân Bay (NVT) cũng vừa có báo cáo bán niên 2023 đã soát xét. Theo đó, 6 tháng đầu năm nay công ty này lãi 21,8 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm cuối tháng 6-2023 vẫn âm 710 tỉ đồng, do vậy cổ phiếu NVT của Ninh Vân Bay vẫn trong diện kiểm soát.
Ninh Vân Bay hiện vận hành 2 khu nghỉ dưỡng hạng sang tại Việt Nam, gồm Six Senses Ninh Vân Bay (Khánh Hòa) và Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa (TP Đà Lạt).
Trong đó, Six Senses Ninh Vân Bay từng lọt top những khách sạn tốt nhất thế giới dành cho những người đam mê thiên nhiên do tạp chí Travel + Leisure bình chọn. Giá thuê biệt thự ở dự án này ở mức cao, có thể được rao bán cả trăm triệu đồng/đêm cho căn biệt thự 3 phòng ngủ.
Ban lãnh đạo NVT đánh giá 2023 là năm ngành du lịch Việt Nam và các địa phương nơi có khu nghỉ dưỡng nói riêng đã có nhiều tín hiệu phục hồi và khởi sắc hơn.
Công ty này cho biết đã có nhiều biện pháp để cải thiện và khai thác tối đa các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng hiện hữu như tích cực quảng bá hình ảnh, đầu tư sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất... Tính đến thời điểm hiện tại, hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của các khu nghỉ dưỡng đều khả quan.
Do vậy, ban lãnh đạo công ty cho rằng sẽ dần khắc phục được chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023.