Chuyên mục  


Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44-45 và các hội nghị liên quan diễn ra ngày 8-11/10 tại Vientiane, Lào ghi dấu ấn đậm nét với tinh thần "kết nối và tự cường", Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết về kết quả hội nghị.

Theo ông, hội nghị đã giúp khơi nguồn sức mạnh tự cường cho ASEAN, điều có ý nghĩa quan trọng trong những biến động sâu rộng, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực.

"Tự cường" thể hiện ở việc ASEAN giữ vững lập trường nguyên tắc, phát huy vai trò trung tâm và khẳng định vị thế tâm điểm trong các tiến trình khu vực. Đó còn là khả năng ứng phó của ASEAN trước sự nổi lên gay gắt của nhiều thách thức an ninh phi truyền thống và khả năng chủ động thích ứng với các xu hướng phát triển mới.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí ngày 11/10. Ảnh: Nhật Bắc

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho hay lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng như Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hướng tới cấu trúc khu vực với ASEAN ở vị trí trung tâm, cùng nhiều tuyên bố về các lĩnh vực hợp tác cụ thể như tăng cường kết nối chuỗi cung ứng, nông nghiệp bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học.

Hội nghị còn khơi thông tiềm năng kết nối, không chỉ làm sâu sắc kết nối nội khối, mà còn giúp hợp tác giữa ASEAN với các đối tác ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, đặc biệt trong các lĩnh vực mới.

ASEAN và các đối tác đều khẳng định kết nối các nền kinh tế là trụ cột chính trong quan hệ. Các bên đã thông qua Tuyên bố Cấp cao ASEAN+3 về tăng cường kết nối các chuỗi cung ứng khu vực, Tuyên bố chung Cấp cao ASEAN-Canada về kết nối và tự cường ASEAN, giúp thúc đẩy kết nối giao thương, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư.

Lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc cũng thông qua Tuyên bố về cơ bản hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) ASEAN-Trung Quốc phiên bản 3.0. Đàm phán FTA ASEAN-Canada được kỳ vọng kết thúc vào năm 2025.

Các bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng sạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), hệ sinh thái xe điện.

Nhiều tuyên bố được thông qua thể hiện cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của các nước, như Tuyên bố ASEAN-Ấn Độ về thúc đẩy chuyển đổi số, Tuyên bố ASEAN-Mỹ về thúc đẩy trí tuệ nhân tạo an toàn, bảo mật và đáng tin cậy, Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về hợp tác xây dựng hệ sinh thái số bền vững và toàn diện.

Kết nối, giao lưu nhân dân được đẩy mạnh, là nền tảng tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết và ngày càng gắn bó giữa người dân các nước. Các đối tác Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản, Canada... cam kết tăng số lượng học bổng, trao đổi sinh viên, đào tạo nâng cao năng lực, đầu tư cho thế hệ tương lai.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn còn đánh giá Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44-45 và các hội nghị liên quan đã giúp khơi dậy khát vọng tương lai cho khu vực.

Theo ông, các lĩnh vực hợp tác mới, mang tính thời đại sẽ được phản ánh trong các chiến lược triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, dự kiến được thông qua trong năm 2025.

Điều này sẽ định hình nỗ lực của ASEAN trong nắm bắt và tận dụng các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, tiếp tục cho thấy sự chủ động, tính năng động, và sức sống của ASEAN, đồng thời tạo cơ sở để các đối tác tiếp tục gắn kết với khu vực và tăng cường hợp tác cụ thể với ASEAN.

Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại các hội nghị không chỉ làm sâu sắc hơn nội hàm của "kết nối" và "tự cường", mà còn gợi mở tư duy, cách tiếp cận và ý tưởng phát triển mới cho khu vực, theo ông Sơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44-45. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng khẳng định đoàn kết, thống nhất trong đa dạng, tự cường và tự chủ chiến lược là điều kiện tiên quyết để ASEAN vững vàng trong biến động. Trong quan hệ với các đối tác, ASEAN cần giữ vững vai trò trung tâm, duy trì độc lập, cân bằng chiến lược và ứng xử có nguyên tắc.

Trong các vấn đề quốc tế và khu vực, ASEAN cần kiên định các lập trường nguyên tắc, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), và phát huy tiếng nói chung.

Thủ tướng đề cao lập trường nguyên tắc của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Thủ tướng đề nghị các đối tác ủng hộ lập trường của ASEAN và các nỗ lực xây dựng Biển Đông thành vùng biển của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

Để thúc đẩy kết nối chiến lược của ASEAN, Thủ tướng đề xuất tăng cường kết nối về tầm nhìn chung, kết nối hợp tác phát triển, cũng như kết nối người dân.

Theo Thủ tướng, ASEAN cần có tư duy kiến tạo, ý tưởng đột phá và hành động quyết liệt để phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt. ASEAN cũng phải là cầu nối gắn kết các ưu tiên ở khu vực với các ưu tiên ở toàn cầu, tạo sự bổ trợ và cộng hưởng trong các nỗ lực bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước dự Hội nghị cấp cao ASEAN. Ảnh: Nhật Bắc

ASEAN cần khuyến khích sự tham gia và đóng góp rộng rãi hơn của các nhóm, giới, bao gồm, các nghị viện, doanh nghiệp, thanh niên cho tiến trình xây dựng Cộng đồng.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá các hoạt động tiếp xúc song phương của đoàn Việt Nam với Lào và các nước, các đối tác và tổ chức quốc tế đã "mở ra các cơ hội đưa hợp tác giữa Việt Nam và các nước ngày càng sâu sắc, hiệu quả và thực chất" trong các lĩnh vực truyền thống cũng như mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Viết Tuân

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020