Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hôm nay kêu gọi thực thi nhanh chóng và minh bạch thỏa thuận 5 điểm được ASEAN thông qua hồi tháng 4. Phát biểu được đưa ra bên lề Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc, trong bối cảnh chính quyền quân sự Myanmar chưa đạt được nhiều bước tiến trong thực hiện thỏa thuận này.
Người biểu tình Myanmar trên đường phố Yangon hôm 5/6. Ảnh: AFP.
Bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao Brunei Erywan Yusof, nước chủ tịch ASEAN năm nay, và Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi hôm 4/6 họp với Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing tại thủ đô Naypyidaw. Thống tướng Myamnar cho biết quân đội sẽ tổ chức bầu cử mới khi tình hình trở lại bình thường.
Các lãnh đạo ASEAN cuối tháng 4 tuyên bố đạt đồng thuận gồm 5 điểm nhằm chấm dứt bạo lực tại Myanmar, thúc đẩy đối thoại, cung cấp viện trợ, chỉ định một đặc phái viên, cử một phái đoàn do đặc phái viên này dẫn đầu đến Myanmar để gặp "tất cả các bên liên quan".
Tuy nhiên, chưa ai được chỉ định làm đặc phái viên do nội bộ ASEAN chưa đạt được đồng thuận về người hoặc nhóm người thích hợp nhất với vị trí này, cũng như nhiệm vụ và thời hạn nhiệm kỳ của đặc phái viên.
Thống tướng Min Aung Hlaing cũng tham dự cuộc họp với các lãnh đạo ASEAN hồi tháng 4. Tuy nhiên, ông cho biết trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình sau đó rằng Myanmar chưa sẵn sàng áp dụng kế hoạch của ASEAN.
Myanmar rơi vào khủng hoảng từ đầu tháng hai, sau khi quân đội bắt bà Suu Kyi và lật đổ chính quyền dân sự, do cáo buộc gian lận bầu cử hồi tháng 11/2020 không được giải quyết. Diễn biến này làm bùng phát các cuộc biểu tình trên cả nước khiến hàng trăm người chết, nền kinh tế sụp đổ và dẫn đến làn sóng tị nạn ngày càng tăng.
Vũ Anh (Theo Reuters)