Chuyên mục  


Chính phủ Ấn Độ muốn giới hạn xuất khẩu đường ở mức 10 triệu tấn cho năm xuất khẩu hiện tại (kéo dài đến tháng 9). Mục đích là đảm bảo đủ dự trữ trước khi vụ đường tiếp theo bắt đầu vào tháng 10. Thông tin chính thức có thể được công bố trong những ngày tới.

Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới sau Brazil. Các khách hàng chính của nước này gồm Bangladesh, Indonesia, Malaysia và Dubai. Giá đường tương lai giao dịch tại London hôm nay đã tăng thêm 1%.

Thu hoạch mía ở Jalana, Maharashtra, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg

Đầu tháng này, Ấn Độ khiến thế giới bất ngờ khi hạn chế xuất khẩu lúa mì do khô hạn ảnh hưởng đến năng suất vụ mùa. Động thái trên khiến giá nông sản này tăng vọt. Trong những tuần gần đây, lệnh cấm xuất khẩu một số mặt hàng của nhiều nước, đặc biệt ở châu Á, đã khiến giá lương thực toàn cầu tiếp tục leo thang dù đã ở mức rất cao. Điển hình là lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia và thịt gà của Malaysia.

Theo Bloomberg, việc hạn chế xuất khẩu đường có vẻ là một quyết định thận trọng, do nguồn cung trong nước của Ấn Độ vẫn dồi dào. Theo Hiệp hội Các nhà máy Đường Ấn Độ, nước này dự kiến sản xuất 35 triệu tấn trong vụ mùa hiện tại và tiêu thụ 27 triệu tấn. Nếu tính cả kho dự trữ của mùa trước với khoảng 8,2 triệu tấn, họ hiện dư 16 triệu tấn, bao gồm cả 10 triệu tấn cho xuất khẩu.

Sản lượng xuất khẩu đường (triệu tấn) của 4 nhà cung cấp lớn nhất thế giới năm 2021. Đồ họa: Bloomberg

Việc áp hạn ngạch có thể sẽ tác động đáng kể đến thị trường đường toàn cầu, do Ấn Độ là nhà sản xuất và xuất khẩu lớn. Khi khối lượng các lô hàng đạt 9 triệu tấn, các nhà xuất khẩu sẽ phải xin giấy phép để bán một triệu tấn còn lại đi nước ngoài.

Các công ty đã ký hợp đồng vận chuyển 8,5 triệu tấn đường kể từ ngày 1/10 năm ngoái. Theo ước tính, khoảng 7,1 triệu tấn đã được chuyển đi vào cuối tháng 4 và 0,8 - 1 triệu tấn khác có thể sẽ được xuất khẩu vào tháng 5.

Phiên An (theo Bloomberg)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020