"Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, chúng tôi thông báo đặt mục tiêu đầu tư hơn 50 tỷ USD trong 5 năm tới để hỗ trợ các dự án ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ ở Tokyo hôm nay.
Tham dự hội nghị là lãnh đạo 4 nước trong nhóm, gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese, cùng ông Kishida.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị, 4 lãnh đạo cũng đề cập kế hoạch đầu tư vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Chúng tôi cam kết hợp tác chặt chẽ với các đối tác và khu vực để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực công và tư nhân nhằm thu hẹp khoảng cách. Để đạt được điều này, Bộ Tứ sẽ tìm cách mở rộng hơn 50 tỷ USD hỗ trợ cơ sở hạ tầng và đầu tư vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong 5 năm tới", tuyên bố cho hay.
Từ trái qua phải: Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ ở Tokyo ngày 24/5. Ảnh: Reuters.
Về tình hình Ukraine, Thủ tướng Nhật cho rằng chiến dịch quân sự của Nga "đang làm lung lay các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế".
"Chúng tôi khẳng định những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực sẽ không bao giờ được dung thứ ở bất cứ đâu, đặc biệt ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", ông Kishida nói.
Ấn Độ là thành viên duy nhất trong nhóm từ chối chỉ trích công khai Moskva về chiến dịch quân sự ở Ukraine. Thủ tướng Modi không đề cập Ukraine, Nga hay Trung Quốc trong bài phát biểu khai mạc.
Ấn Độ phát triển mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ những năm gần đây và là một phần quan trọng của Bộ Tứ, nhưng cũng có mối quan hệ lâu dài với Nga, nước cung cấp thiết bị quốc phòng và nguồn cung cấp dầu mỏ chính cho New Delhi. Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về chiến dịch của Nga.
Một quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Biden, người hội đàm với Thủ tướng Modi trong hôm nay, sẽ tìm kiếm những điểm chung, nhấn mạnh tầm quan trọng của một cuộc gặp trực tiếp.
"Đúng là có một số khác biệt giữa các thành viên Bộ Tứ. Vấn đề là cách họ giải quyết và điều chỉnh", quan chức này nói.
Trong tuyên bố chung, các lãnh đạo chỉ trích "việc quân sự hóa các thực thể tranh chấp, sử dụng nguy hiểm các tàu hải cảnh và lực lượng dân quân hàng hải, cũng như hành vi làm gián đoạn các hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi của các nước khác", song không lên án cụ thể quốc gia nào. Nhóm cũng nhất trí về một sáng kiến giám sát hàng hải mới dự kiến tăng cường giám sát các hoạt động trong khu vực.
Tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết các mục tiêu của ông phù hợp với ưu tiên của Bộ Tứ, đồng thời nói rằng ông muốn nhóm đi đầu trong các vấn đề về ứng phó biến đổi khí hậu.
"Khu vực muốn chúng tôi hợp tác và dẫn đầu, đó là lý do chính phủ của tôi sẽ có những hành động đầy tham vọng về biến đổi khí hậu và tăng cường hỗ trợ cho các đối tác trong khu vực khi họ nỗ lực giải quyết vấn đề này, bao gồm cả nguồn tài chính mới", ông cho hay.
Bộ Tứ là cơ chế an ninh được Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Australia thành lập năm 2004 nhằm ứng phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bộ Tứ đã trải qua nhiều thăng trầm trong gần hai thập kỷ tồn tại, từng bị đánh giá là có vai trò mờ nhạt, song bắt đầu hoạt động mạnh mẽ trở lại sau các vụ đụng độ ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc năm 2020 và căng thẳng ngoại giao, thương mại giữa Australia - Trung Quốc gia tăng.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)