Tổng thống đắc cử Philippines Ferdinand Marcos hôm nay cho biết đã gặp đại sứ Hàn Quốc tại Manila Kim Inchul để thảo luận khả năng hồi sinh dự án nhà máy điện hạt nhân Bataan.
"Chúng ta có thể hồi sinh nhà máy hay cần xây cái mới? Chúng ta cần làm những gì? Chúng tôi đã nối lại thảo luận về nhà máy. Bây giờ chúng tôi sẽ nghiên cứu khuyến nghị rồi xem xét khả năng thực thi", ông nói trong cuộc họp báo sau hội đàm.
Nhà máy điện hạt nhân Bataan ở thị trấn Morong, tỉnh Bataan, Philippines, ngày 16/9/2016. Ảnh: Reuters.
Ông Marcos từng đề cập sự cần thiết của năng lượng hạt nhân để giải quyết giá điện đắt đỏ ở Philippines và đang thúc đẩy ý tưởng này trước ngày nhậm chức 30/6.
Nhà máy điện hạt nhân Bataan với công suất 620 megawatt có chi phí đầu tư 2,2 tỷ USD, ngừng hoạt động hồi năm 1986. Trong phiên điều trần tại Thượng viện Philippines năm 2020, Bộ trưởng Năng lượng Alfonso Cusi cho hay các chuyên gia Hàn Quốc và Nga đã thực hiện nhiều nghiên cứu, kết luận có thể tái khởi động nhà máy.
Tuy nhiên, nâng cấp nhà máy sử dụng công nghệ lỗi thời nuhw Bataan có thể mất ít nhất 4 năm và tốn thêm một tỷ USD. Thiết kế và vị trí của nhà máy cũng là vấn đề gây đau đầu, khi nó nằm cách Manila khoảng 80 km về phía tây và gần một số núi lửa trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng động đất.
Tổng thống sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte đã công bố sắc lệnh hành pháp hồi đầu năm, quy hoạch điện hạt nhân vào kế hoạch phát triển năng lượng chung của đất nước.
Philippines, quốc gia thường xuyên bị ảnh hưởng vì mất điện, dựa vào nhập khẩu than để sản xuất hơn một nửa lượng điện. Những người ủng hộ năng lượng hạt nhân cho rằng công nghệ này sẽ cung cấp giải pháp năng lượng sạch, giúp đáp ứng nhu cầu của Philippines. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng năng lượng tái tạo rẻ và an toàn hơn, phù hợp với quốc gia thường xuyên động đất, mưa bão và núi lửa phun trào như Philippines.
Hồng Hạnh (Theo AFP)