Chuyên mục  


Cảnh sát Ấn Độ ngày 13/2 phong tỏa nhiều tuyến đường cao tốc vào New Delhi bằng cách dựng hàng rào dây thép gai, đặt dải phân cách bê tông và rào chắn bằng thép. Các cuộc tụ tập từ 5 người trở lên bị cấm ở New Delhi. Dịch vụ Internet ở một số quận của bang Haryana lân cận dừng hoạt động.

Tắc đường ở cao tốc New Delhi - Gurgaon Sirhaul ngày 13/2 vì nông dân biểu tình. Ảnh: AFP

Truyền thông Ấn Độ đưa tin hàng trăm máy kéo đang di chuyển về hướng thủ đô từ các bang lân cận là Punjab, Haryana và Uttar Pradesh. Khói hơi cay dày đặc bốc lên nhằm giải tán người biểu tình tụ tập gần Ambala, cách thủ đô khoảng 200 km về phía bắc.

"Chúng tôi đã triển khai tối đa nhân lực", Ranjay Atrishya, phó giám đốc cảnh sát Delhi, nói.

Nông dân đang yêu cầu chính quyền đưa ra mức đảm bảo giá tối thiểu đối với tất cả mặt hàng nông sản, đồng thời yêu cầu chính phủ thực hiện cam kết tăng gấp đôi thu nhập cho người làm nông nghiệp.

Hiện tại, chính phủ Ấn Độ bảo vệ các nhà sản xuất nông nghiệp bằng cách công bố giá thu mua tối thiểu vào đầu vụ gieo trồng, trong đó tính đến chi phí sản xuất. Tuy nhiên, biện pháp này mới chỉ áp dụng với một số loại cây trồng thiết yếu.

Cuộc biểu tình diễn ra hơn hai năm sau khi Thủ tướng Narenda Modi rút lại các chính sách nông nghiệp gây tranh cãi. Thời điểm đó, hàng chục nghìn nông dân Ấn Độ đã tập trung ngoài thủ đô giữa mùa đông khắc nghiệt và đại dịch.

Việc bãi bỏ luật nông nghiệp hồi tháng 11/2021 được cho là bước lùi lớn của chính quyền ông Modi. Khi đó, chính phủ Ấn Độ tuyên bố sẽ thành lập một hội đồng gồm nông dân và quan chức để tìm cách đảm bảo hỗ trợ giá cho tất cả mặt hàng nông sản. Nhiều cuộc họp đã diễn ra nhưng không có tiến triển.

Cuộc tuần hành lần này diễn ra vài tháng trước tổng tuyển cử Ấn Độ. Nhiều người dự đoán ông Modi sẽ giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ ba.

"Chúng tôi không muốn phá rào. Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Nhưng nếu chính phủ không làm gì, chúng tôi sẽ ra sao? Chúng tôi bị ép", Sarwan Singh Pandher, lãnh đạo một nhóm nông dân, nói.

Ông cho hay các cuộc đàm phán giữa chủ trang trại và bộ trưởng chính phủ ngày 12/2 không đạt được đồng thuận về các yêu cầu chính của nông dân.

an-do-chan-hang-nghin-nong-dan-tuan-hanh-den-thu-do-1707812997.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uRYWTpzZUa7sTcBnW4uRaQ
Ấn Độ chặn hàng nghìn nông dân tuần hành đến thủ đô

Hơi cay mù mịt ở biên giới Haryana - Punjab ngày 13/2. Video: Reuters

2/3 trong số 1,4 tỷ người Ấn Độ là người làm nông nghiệp, lĩnh vực chiếm 1/5 GDP của đất nước. Nông dân là lực lượng bỏ phiếu có ảnh hưởng nhất tại Ấn Độ.

Bộ trưởng Nông nghiệp Ấn Độ Arjun Munda cho biết sau cuộc đàm phán, một số vấn đề đã được giải quyết nhưng vẫn cần thảo luận thêm. "Mọi vấn đề đều giải quyết được thông qua đối thoại. Chúng tôi hy vọng sẽ đạt được giải pháp đồng thuận", ông nói.

Hồng Hạnh (Theo AP/Reuters/AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020