Bà Trần Uyên Phương vừa báo cáo giao dịch bán 251.600 cổ phiếu YEG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1. Giao dịch thực hiện vào ngày 28/7, giảm tỷ lệ sở hữu tại Yeah1 của bà Phương từ 21,6% xuống còn 20,8%.
Bà Trần Uyên Phương là con gái của nhà sáng lập Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh. Hiện bà Phương đang giữ chức Phó Tổng giám đốc doanh nghiệp nước giải khát của gia đình.
Theo dữ liệu giao dịch, trong phiên 28/7, có gần 400.000 cổ phiếu YEG "sang tay" theo hình thức khớp lệnh và hơn 20.000 đơn vị giao dịch thỏa thuận. Như vậy, nhiều khả năng bà Phương bán phần lớn số cổ phiếu trên theo phương thức khớp lệnh trên sàn.
Tạm tính theo thị giá giao dịch 15.050 đồng/cổ phiếu đóng cửa phiên 28/7, số tiền ái nữ nhà Tân Hiệp Phát thu về khoảng gần 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so với giá vốn bỏ ra khi đầu tư vào Yeah1, bà Phương lỗ nặng.
Cổ phiếu YEG trượt dài từ năm 2019 (Ảnh: Tradingview).
Đầu năm 2020, bà Trần Uyên Phương mua vào hơn 6 triệu cổ phiếu YEG và trở thành cổ đông lớn của Yeah1 với tỷ lệ sở hữu đứng thứ hai chỉ sau Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Nguyễn Ảnh Nhượng Tống. Sau đó, Tập đoàn Tân Hiệp Phát cũng thông báo thỏa thuận hợp tác chiến lược với Yeah1.
Tổng giá trị giao dịch thỏa thuận gần 300 tỷ đồng. Như vậy, nữ doanh nhân bỏ ra bình quân hơn 49.000 đồng cho mỗi cổ phiếu YEG. So với thị giá vừa bán ra, bà Phương chấp nhận khoản lỗ gần 70%.
Cuối tháng 5, bà Phương đăng ký bán ra 4 triệu cổ phiếu YEG với mục đích thu xếp tài chính cá nhân nhưng giao dịch không thành công.
Bà Trần Uyên Phương chấp nhận bán lỗ cổ phiếu tại Yeah1 khi tình hình kinh doanh của công ty này vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc còn giá cổ phiếu trượt dài.
Năm 2020, Yeah1 tiếp tục lỗ sau thuế 180 tỷ đồng. Sau hai năm lỗ liên tục, cổ phiếu YEG bị đưa vào diện kiểm soát trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HSX).
Quý I năm nay, Yeah1 tiếp tục lỗ ròng hơn 50 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế tại thời điểm ngày 31/3 lên tới 265 tỷ đồng. Hiện tại, doanh nghiệp vẫn chưa công bố số liệu tài chính quý II.
Yeah1 từng là hiện tượng khi niêm yết trên sàn chứng khoán vào tháng 6/2018. Những ngày đầu chào sàn HSX, thị giá YEG vượt 300.000 đồng/cổ phiếu, thuộc nhóm cổ phiếu đắt đỏ nhất trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, Yeah1 bắt đầu lâm vào cảnh bết bát từ đầu năm 2019 khi bị YouTube chấm dứt hợp tác mạng đa kênh vì những sai phạm liên tục và lặp lại trong quản lý nội dung. Giá cổ phiếu từ thời điểm này bắt đầu lao dốc không phanh.
Với thị giá hiện tại chỉ hơn 16.000 đồng/cổ phiếu, YEG đã mất khoảng 95% giá trị sau 3 năm kể từ thời điểm lên sàn.
Năm nay, Yeah1 đặt mục tiêu có lãi sau thuế 4 tỷ đồng. Nếu không thể hoàn thành kế hoạch và tiếp tục năm thứ 3 liên tiếp thua lỗ, cổ phiếu YEG sẽ rơi vào diện bị hủy niêm yết bắt buộc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của cổ đông.
Việt Đức