Đề xuất này được một số doanh nghiệp nêu tại hội thảo trực tuyến về duy trì sản xuất trong dịch Covid-19 do Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức, chiều 4/8.
Chỉ ra khó khăn của hoạt động vận tải, ông Nguyễn Duy Minh - Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) cho hay, hiện tài xế chở hàng qua mỗi tỉnh, chốt trạm kiểm soát đều phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính PCR trong 48 giờ, dù quy định của Bộ Y tế là 72 giờ.
Với quy định này, trung bình cứ 2 ngày, mỗi tài xế lại phải lấy xét nghiệm một lần. Chi phí rất tốn kém khi giá xét nghiệm PCR 700.000-800.000 đồng một mẫu đơn, còn mẫu gộp khoảng 250.000-300.000 đồng. Chưa kể, nguy cơ lây nhiễm khi họ phải chen chúc làm thủ tục xét nghiệm, lấy kết quả tại các điểm lấy mẫu, không đảm bảo giãn cách.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm công nhân Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, Bắc Giang, tháng 5/2021. Ảnh: Giang Huy
Tương tự, với doanh nghiệp có hàng nghìn lao động như sản xuất điện tử, bà Đỗ Thị Thuý Hương - Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) nói, chi phí xét nghiệm rất lớn nếu doanh nghiệp muốn duy trì sản xuất "3 tại chỗ".
Ngoài chi phí vận hành sản xuất, doanh nghiệp phải gánh thêm chi phí tổ chức ăn, ở, nghỉ tại chỗ và xét nghiệm thường xuyên cho hàng nghìn công nhân trong suốt thời gian dài duy trì sản xuất. Mỗi địa phương lại đưa ra yêu cầu về phối hợp cùng ngành y tế xét nghiệm khác nhau, nơi chấp nhận test nhanh kháng nguyên, nơi lại chỉ chấp nhận xét nghiệm PCR với công nhân đăng ký thực hiện "3 tại chỗ".
Bà Hương ước tính, trung bình mỗi doanh nghiệp sản xuất theo "3 tại chỗ" phải chịu thêm chi phí xét nghiệm test nhanh cho mỗi lao động khoảng 3 triệu đồng một tháng. Nếu là xét nghiệm PCR thì chi phí này tăng gấp đôi.
Việc phòng dịch là cần thiết, song theo bà, nhà chức trách nên xem xét cho phép doanh nghiệp thực hiện test nhanh nCoV và chịu trách nhiệm về việc này.
"Chúng tôi khẩn thiết đề nghị Chính phủ cho doanh nghiệp được chủ động mua, tổ chức xét nghiệm và được test nhanh Covid-19 cho người lao động", bà Hương nói, và nhấn mạnh điều này nhằm tăng tính chủ động của doanh nghiệp, giảm tải nguồn lực cho nhà nước và nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Duy Minh cũng nói, thay vì quy định bắt buộc tài xế chở hàng phải có chứng nhận xét nghiệm PCR trong 48 hay 72 giờ, Chính phủ nên xem xét đưa ra quy định chung bằng test nhanh Covid-19 trên cơ sở đảm bảo quy định của Bộ Y tế, thực hiện thống nhất trên toàn quốc và để doanh nghiệp chủ động trong việc xét nghiệm này.
Ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, Chính phủ cần phải để doanh nghiệp hoạt động bình thường, tự xét nghiệm và chịu trách nhiệm trên cơ sở đảm bảo an toàn phòng dịch, bởi dịch còn có thể kéo dài. Như vậy, mỗi doanh nghiệp sẽ linh hoạt lựa chọn mô hình sản xuất an toàn, hiệu quả nhất phù hợp với họ.
Đề xuất cho doanh nghiệp tự chủ động xét nghiệm Covid-19 cho người lao động cũng được Ban Nghiên cứu kinh tế tư nhân (Ban IV) nêu trong kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính cuối tuần trước.
Được tự chủ, mua dụng cụ xét nghiệm Covid-19, theo Ban IV, giúp họ và cả xã hội có thể tiết kiệm khoản chi phí cực lớn so với hình thức xét nghiệm dịch vụ hiện nay. Đồng thời, việc này cũng giúp người lao động tránh được các rủi ro lây lan dịch bệnh khi thường xuyên phải xếp hàng trong các đám đông đăng ký xét nghiệm, kiểm tra giấy kết quả xét nghiệm...
Áp lực nữa với doanh nghiệp hiện nay là năng lực y tế trong các nhà máy "3 tại chỗ" gần như không có,bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đề cập.
"Nên công nhân khi nghe nhà máy có ca nhiễm nCoV, họ lập tức trèo hàng rào bỏ chạy", bà kể. Thực tế này đã xảy ra tại không ít nhà máy, doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam thực hiện "3 tại chỗ" vừa qua.
Tức là, doanh nghiệp có phương án, nhưng không đủ năng lực y tế tại chỗ để giải quyết các tình huống phát sinh khi có ca nhiễm Covid-19 trong nhà xưởng. Còn y tế địa phương cũng đang quá tải, khiến doanh nghiệp, người lao động vô cùng khó khăn.
Phó chủ tịch VASEP kiến nghị, Bộ Y tế nên đưa ra một quy trình chuẩn, giúp doanh nghiệp tự chủ kiểm tra, quản lý y tế tại chỗ với người lao động. Những ca bệnh nào phát hiện tại nhà máy có thể xử lý được thì y tế tại chỗ sẽ đảm nhiệm, ca nặng sẽ chuyển tới bệnh viện... Sự phân tầng điều trị như vậy, bà Sắc nói, giúp doanh nghiệp chia sẻ gánh nặng, tránh quá tải cho ngành y tế.
Từ những đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI và CIEM cho biết sẽ có những kiến nghị cụ thể, chi tiết gửi Chính phủ, tháo gỡ ngay những khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp hiện nay.
Anh Minh