Chuyên mục  


vedette-15-7-17210078412401712356829-17358755758331394520869.jpg

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vừa đưa vào khai thác. Theo kế hoạch, đến năm 2025 ĐBSCL dự kiến có 600km đường cao tốc - Ảnh: CHÍ QUỐC

Từ những thành tựu đáng tự hào trong nông nghiệp, thủy sản, du lịch cho đến các dự án hạ tầng giao thông, hướng đi mới của năng lượng tái tạo, vùng đất này đã minh chứng rõ nét cho tinh thần đổi mới tư duy và hành động.

Nhưng năm mới phải đạt hiệu quả cao hơn không chỉ là kỳ vọng mà còn là mệnh lệnh của phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vì không thể chậm hơn được nữa.

Nông dân ĐBSCL không chỉ là người sản xuất nông nghiệp mà còn là những doanh nhân nông nghiệp, áp dụng công nghệ hiện đại như thiết bị bay không người lái, hệ thống tưới thông minh, biết tích hợp kinh tế số, thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả và giá trị sản phẩm.

ĐBSCL đóng góp quyết định vào thành công của nền nông nghiệp với kỷ lục xuất khẩu gạo mới, xô ngã kỷ lục của năm trước, ghi dấu mốc mới sau 35 năm quay trở lại thị trường lúa gạo toàn cầu.

Cả nước xuất khẩu 9 triệu tấn gạo, mang về hơn 5,7 tỉ USD, trong đó ĐBSCL đóng góp hơn 90%.

Vùng đất này không chỉ dẫn đầu về lúa gạo mà còn là "miệt vườn" trù phú, cung cấp các loại trái cây đặc sản như sầu riêng và xoài, góp phần quan trọng vào tăng trưởng xuất khẩu rau quả cả nước (ước đạt kỷ lục 7,2 tỉ USD).

Ngành thủy sản cũng là điểm sáng đáng ghi nhận. Tôm và cá tra đồng bằng nhiều năm vươn tầm thế giới, tiếp tục đóng góp quan trọng cho ngành thủy sản Việt Nam.

Mảng sáng thứ hai trong bức tranh kinh tế vùng ĐBSCL chính là du lịch với sự chuyển mình mạnh mẽ, trở thành điểm đến hàng đầu của du khách trong và ngoài nước.

Các chuyến đi trải nghiệm như làm vườn, đánh bắt tôm cá, hay ngủ qua đêm trên sông đã trở thành điểm nhấn khó quên.

Nhiều mô hình, sản phẩm du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và các loại hình du lịch dựa trên khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên được quan tâm đầu tư, đánh dấu bước chuyển mới của ngành du lịch.

Mảng sáng thứ ba là bức tranh giao thông đồng bằng bắt đầu có màu sáng. Nhiều công trình, dự án đầu tư trọng điểm đã được hoàn thành, chạy nước rút về đích và khởi công mới với các đường cao tốc, trục dọc, đường ngang, đường vành đai ven biển phía đông và phía tây, những cây cầu lớn vượt sông đang kết nối nội vùng và liên vùng, tạo ra không gian phát triển mới thu hút đầu tư, du lịch và giao thương.

Mảng sáng thứ tư là sự phát triển của năng lượng tái tạo với điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối đang mở ra hướng đi mới cho đồng bằng.

Các dự án năng lượng tái tạo không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà còn gắn kết với phát triển nông nghiệp, du lịch bền vững.

Tuy nhiên ĐBSCL vẫn đang đứng trước thách thức của "ba vòng xoáy đi xuống". Vòng xoáy ngân sách chính là thiếu đầu tư tương xứng của Nhà nước thời gian dài cho các khâu then chốt trong phát triển vùng.

Vòng xoáy lao động với tình trạng thiếu việc làm tại chỗ, phần lớn người trẻ tuổi bị đẩy ra khỏi vùng dẫn đến sự suy giảm lao động trầm trọng.

Và thứ ba là vòng xoáy cơ cấu kinh tế vùng tạo ra sự thiên lệch, sản lượng lúa trở thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của các địa phương.

Năm mới, nghĩ mới, nhưng phải làm mới. Từ cú hích có trong năm qua, ĐBSCL phải vươn mình hơn nữa mới sánh kịp sự phát triển chung.

Ba đột phá chiến lược được đặt ra: cải cách thể chế, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực gắn với cách mạng khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế.

Vùng đồng bằng không chỉ là vựa lúa của cả nước, mà với tư duy đổi mới và những cách làm mới sẽ biến bốn mảng sáng trên thành những cơ hội mới, đưa vùng đất trù phú này vươn mình phát triển theo đúng tiềm năng của nó.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020