Chuyên mục  


Được tổ chức lần đầu tiên, cuộc thi Top 10 Houses Awards 2019 đã tìm ra 10 công trình tiêu biểu đạt giải trong hàng trăm thiết kế nhà ở tại Việt Nam. Nhìn chung, việc tổ hợp từ mặt đứng cho đến hình khối của các công trình có thể được tóm lược trong một từ “Nhiệt đới”.

Cụ thể hơn, lớp vỏ của cả 10 công trình Top 10 Houses đều là kết quả của những tính toán thiết thực, thích ứng đối với khí hậu của xứ sở này – đó là che mưa, che nắng, thông gió tự nhiên…

Khi xem xét toàn bộ 10 hồ sơ và tập trung vào mặt bằng bố trí nội thất, có thể nhận thấy một điểm chung khá bất ngờ là có tới 6/10 phương án sử dụng giải pháp chuyển đổi vị trí cầu thang bộ trên từng mặt bằng ngôi nhà. Bài viết tập trung vào việc phân tích không gian nội thất của “Những ngôi nhà có nhiều cầu thang” – theo cách gọi của tác giả – nhằm tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy sự manh nha của xu hướng thiết kế nội ngoại thất nhà ở Việt giàu bản sắc, phù hợp với khí hậu vùng miền…

1. 18 House – Khuôn Studio

Là một ngôi nhà với diện tích nhỏ hẹp, mỗi tầng một không gian công năng riêng với hệ thống thang bộ dạng xoáy trôn ốc ngược chiều kim đồng hồ nằm ở biên công trình. Diện tích còn lại cho các chức năng sử dụng chính. Các gầm cầu thang được tận dụng cho vị trí của các khu vệ sinh là giải pháp tiết kiệm không gian, phần nào khắc phục nhược điểm lãng phí diện tích gầm thang khi đổi vị trí cầu thang bộ. Do vậy, mặt bằng các tầng tuy nhỏ nhưng luôn có sự thay đổi và biến động, kết hợp với các giải pháp nội thất đa năng khá uyển chuyển khiến cho không gian trở nên phong phú và hấp dẫn khi biến đổi khôn lường. Các phòng ngủ tại lầu 1, lầu 2, vẫn đảm bảo khép kín với 1 vệ sinh nhỏ.

Thiết kế này đã làm cho các căn phòng và tổng thể ngôi nhà nhỏ biến thành một thế giới riêng hấp dẫn hơn. Cá tính của không gian và cả gia chủ qua đó được bộc lộ rõ nét. Tuy rằng đôi chỗ không gian vẫn có phần lãng phí hơn khi làm thẳng trục thang bộ và khu vệ sinh nhưng việc áp dụng các giải pháp nội thất một cách biến hóa tại từng tầng đã phần nào khỏa lấp nhược điểm này.

XEM THÊM: 18 House – Nhà phố “theo chiều thẳng đứng’’ 18m2 | Khuôn Studio

 2. CucKoo House – Tropical space

Ngôi nhà kết hợp kinh doanh, dành toàn bộ không gian của tầng trệt để kinh doanh mô hình quán cà phê. Hai tầng phía trên là không gian nhà ở. Khối nhà ở được tổ chức thành 3 block gồm: Không gian sinh hoạt, không gian bếp ăn và không gian ngủ. Từ lầu 1, cầu thang bộ ngoài 1 trục chính từ tầng trệt lên, xuất hiện thêm 1 cầu thang bộ nữa từ không gian phụ trợ dẫn lên tầng 2 là Master bedroom. Việc bổ sung thêm một trục cầu thang dành riêng cho phòng ngủ bố mẹ (Master bedroom) nối phòng vệ sinh và quần áo ở lầu 1 lên phòng ngủ ở lầu 2 là cách tổ chức ít gặp trong nhà ở. Nó phù hợp với việc tổ hợp hình khối bên ngoài tuy nhiên cũng ảnh hưởng ít nhiều tới sinh hoạt của Master bedroom khi khu vệ sinh và giường ngủ không cùng một cao độ.

Có thể hình dung rằng tác giả đã đi từ ý tưởng lớn là tổ hợp hình khối độc đáo với các cuốn vòm xây gạch trần từ tầng trệt cho tới các tầng trên, việc bố trí công năng và nội thất không được xem xét như mục đích chính, nó có vẻ còn bị động, song chính sự bị động đó tạo nên tính độc đáo của không gian nội thất. Hiệu quả về tạo hình của công trình là khá rõ ràng, tuy nhiên, với diện tích sử dụng không nhỏ với nhiều mặt thoáng, công năng của công trình có lẽ vẫn có thể bố trí hợp lý hơn nữa.

XEM THÊM: Cuckoo House | Tropical Space

3. Daughter’s House – Khuôn Studio

Đây bản chất là một căn nhà đa chức năng “3 trong 1”. Ngoài không gian văn phòng được tổ chức độc lập thì không gian chính là của nhà ở gia đình gồm 4 phòng ngủ với việc ưu tiên tách riêng 1 không gian riêng tư cho con gái. Với quan điểm độc lập tương đối trong phân khu chức năng, ngôi nhà gồm tới 6 cụm cầu thang bộ kết nối các không gian theo phương đứng và giữa các không gian ở với nhau. Có lẽ công trình này đã lập một kỷ lục nhỏ về số lượng cầu thang trong một căn nhà ở thông thường.

Ngoài nhược điểm về giao thông, trong ngôi nhà đôi chỗ còn vòng vèo chưa mạch lạc, như việc liên hệ giữa phòng ngủ con trai tại lầu 2 với các tầng dưới thì giải pháp chuyển vị thang bộ đã tạo được sức hấp dẫn nhất định. Không gian định dạng kiểu các ngôi nhà nhỏ trong một ngôi nhà lớn được cách biệt bởi các sân trong trồng cây xanh và kết nối bởi các cầu thang bộ, nắng gió có cơ hội len lỏi qua các không gian giãn cách đó cũng như thang bộ có bậc thoáng đã làm cho không gian trở nên sinh động một cách độc đáo. Giải pháp này có lẽ khó áp dụng được một cách rộng rãi, nó phù hợp cho những mảnh đất rộng với nhiều đòi hỏi về không gian cần phân tách một cách độc lập.

XEM THÊM:Daughter house – Nhà dành tặng con gái | KHUÔN studio

4. P & T house – silaa + BHA

Ngôi nhà tọa lạc trên khuôn viên khá rộng, bố cục cơ bản có dạng hình chữ U vây quanh 1 sân trong. Hai cụm cầu thang bộ kết hợp với một thang xoáy cũng nâng tổng số thang bộ trong nhà tới con số 3. Việc chuyển vị thang từ tầng 1 lên tầng 2 và từ tầng 2 lên tầng 3 được tổ chức khá nhuần nhuyễn.

Nó không nhằm mục đích biểu diễn cầu thang như vài công trình khác trong Top Ten mà nó tạo thuận lợi và nhường chỗ cho các không gian ở mở ra thiên nhiên. Các chức năng ở được bố trí nội thất một cách tiện dụng và hợp lý không lệ thuộc vào hình thức nhiều như trường hợp Cuckoo House. Trong công trình này, tinh thần của nội thất được biểu hiện một cách tự nhiên ra mặt ngoài, ngôi nhà hấp dẫn về không gian, chan hoà nắng gió với giá trị sử dụng đạt được ở mức độ cao.

XEM THÊM: Nhà của P&T | SILAA + BHA: Không gian kết nối giữa con người và thiên nhiên

5. Nhà Hạ Long – TOOB Studio

Giải pháp thang bộ được chuyển đổi từ tầng 2 và tầng 3 kết hợp với thủ pháp cắt khối đặc bởi các giếng trời khiến ngôi nhà như thiên về hướng nội. Lõi của công trình được thông thoáng và nhấn bởi cây xanh và một thang bộ thoáng. Công năng có phần lệ thuộc hình thức nên ta thấy khó lý giải khi một số ban công được bịt lại bằng hệ thống lỗ thoáng và trên tầng 3 phòng ngủ con không được khép kín trong khi có thể làm được việc này trên một mặt bằng có diện tích khá thoải mái.

Bên cạnh đó, hiệu ứng đạt được khi đặt hai cầu thang bộ ở trọng tâm của ngôi nhà ngay tại những khoảng trống của giếng trời với cây xanh và ánh sáng như một dấu ấn riêng, khi mà giao thông đứng đã tham gia thêm vào việc tạo dựng giá trị thẩm mỹ quan trọng cho không gian nội thất. Người ở không chỉ sử dụng cầu thang như một phương tiện lên xuống tẻ nhạt mà còn tương tác với không gian nội thất một cách tự nhiên và cởi mở.

XEM THÊM: Nhà Hạ Long | Toob Studio

6. Tropical cave – H&P Architect

Ngoài thủ pháp đẩy xiên nhiều bức tường ngăn chia bên trong, tác giả đã tạo ra những không gian không còn vuông thẳng. Các góc nhọn, góc chết đều được xử lý một cách chủ động không lãng phí diện tích mà lại tạo được nhiều góc nhìn sinh động. Khái niệm trang trí nội thất thông thường không xuất hiện trong ngôi nhà này hoặc nó đã được “không gian hóa” cùng với hiệu ứng của các bề mặt vật liệu mộc, tự nhiên, như gạch đất nung, gỗ và không thể thiếu cây xanh len lỏi trong các khoảng thông tầng hay trên logia và mái nhà. Điểm cộng đáng ghi nhận cho công trình này là không bị lệ thuộc hoàn toàn vào hình thức, mọi không gian chức năng ngôi nhà đã được lưu tâm giải quyết về công năng khá thấu đáo. Cái “hang động” này tiện nghi, hiện đại và khả thi hơn một số sản phẩm trước đó. Đếm nhanh trên mặt bằng của 5 tầng nhà cũng thấy có tới 5 cụm cầu thang – Giao thông đứng đã được thay đổi một cách liên tục để làm nhiệm vụ “trang trí” ở một cấp độ cao hơn khi mà chức năng chính để lên tới tầng 5 đã có 1 thang máy đảm nhiệm. Bài học rút ra là với những mặt bằng đủ lớn thì thang bộ có quyền “tung tăng nhảy múa” xung quanh trục thang máy.

XEM THÊM: Tropical Cave – Động Nhiệt đới | H&P Architects

Để khẳng định một xu hướng kiến trúc Nhà ở Việt Nam đương đại có lẽ còn hơi sớm, qua “Những ngôi nhà có nhiều cầu thang” (chiếm 6 trên 10 công trình đạt giải Top Ten Houses Awards 2019), có thể rút ra một số điểm tương đồng trong giải pháp tổ chức không gian kiến trúc nội thất như sau:

  • Giao thông đứng (cầu thang bộ) được tổ chức linh hoạt, chuyển đổi vị trí trên các tầng nhà góp phần đa dạng hoá các không gian ở;
  • Việc kết hợp các thang bộ thoáng với giếng trời, cây xanh tạo nên những dấu ấn sinh động cho cả công trình. Những không gian “động” này được bố trí một cách uyển chuyển để nhường chỗ và tạo thuận lợi cho các không gian “tĩnh”;
  • Trang trí nội thất không chỉ dừng lại ở việc tô đắp các bề mặt một cách cục bộ, nhỏ lẻ. Các công trình đều thể hiện quan điểm không gian kiến trúc nội thất hài hoà trong một tổng thể lớn với các tấm tường, trần, sàn sử dụng vật liệu tự nhiên, gỗ, gạch, đá… một cách phóng khoáng;
  • Tuy tạo hình thể hiện trên mặt bằng bố trí nội thất biến đổi rất phong phú đa dạng nhưng đa phần các không gian chức năng đều được bố trí theo hướng tối ưu hoá công năng, không vì hình thức mà lơ là công năng;
  • Kiến trúc mặt ngoài là sự biểu hiện khá tự nhiên của không gian nội thất với các bộ phận tiêu biểu của kiến trúc nhiệt đới như những hàng hiên, tấm chắn nắng, tường gạch rỗng, gạch bông gió, cây trên mái… đã cho thấy những nhận diện bản địa.

Tóm lại, giải pháp chung của cả 6 công trình trên là sự biến đổi không gian cùng với việc linh hoạt hóa vị trí của giao thông đứng, có thể đặt tên cho các công trình này là “Ngôi nhà có nhiều cầu thang”. Chuyển vị cầu thang kéo theo đổi vị trí các trục kỹ thuật khu vệ sinh cũng là những phiền phức nho nhỏ cần lưu ý khi áp dụng giải pháp này. Cùng với sự phức tạp hơn của kết cấu cũng như thi công, thủ pháp chung của các công trình này có thể áp dụng đối với những gia chủ cụ thể, với các yêu cầu về công năng rõ ràng, bên cạnh mong muốn không gian phong phú biến động. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng việc linh hoạt vị trí các cầu thang luôn chiếm nhiều diện tích giao thông hơn, và nó làm cản trở hơn cho sự linh hoạt của các không gian ở.

Trong khuôn khổ một bài viết ngắn lại phải nhìn nhận các công trình thuộc Top Ten đạt giải chỉ qua hồ sơ, không tránh khỏi những ngộ nhận chủ quan. Các phân tích trên đây một lần nữa cho phép khẳng định xu hướng nội thất cho nhà ở Việt Nam đương đại đang được các KTS Việt khai phá. Nó cần thêm thời gian để nghiên cứu và kiểm chứng. Nhưng cũng có thể thấy một hướng đi mới sáng tạo khi mà các tầng ngôi nhà đều được biến đổi phong phú, ngay cả các trục giao thông đứng cũng không còn nhàm chán và cứng nhắc. Kết hợp với giếng trời và cây xanh, các khối cầu thang đã trở thành dấu ấn rất động bên cạnh những không gian cần sự tĩnh tại. Khái niệm trang trí nội thất không dừng ở việc tô đắp các bề mặt mà nó nằm trong thuộc tính của chính không gian được biến đổi phong phú, với các chất cảm tự nhiên của các diện tuyến lớn được chủ động từ trong tư duy tác giả khi tìm ý tưởng trong những nét sơ phác đầu tiên. Với sự quan tâm thích đáng tới các yếu tố khí hậu, công năng, các tác phẩm lần này tuy chưa có ý nghĩa lớn trong việc ứng dụng rộng rãi nhưng những quan điểm và giải pháp chung của các phương án đã cho thấy những dấu hiệu đáng mừng cho nền kiến trúc nhà ở Việt Nam đương đại có bản sắc.

PGS.TS.KTS. Vũ Hồng CươngTrưởng Khoa Nội thất và Mỹ thuật Công nghiệpĐH Kiến trúc Hà Nội

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020