Chuyên mục  


Sáng 13/7, kỳ họp thứ 15 HĐND TP HCM khóa IX tiếp tục với phiên chất vấn lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) về các vấn đề gây bức xúc như xây nhà trái phép; tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm đã được ghi vốn, bãi xe ngầm "đắp chiếu"...

Theo Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm, trong chương trình đột phá của thành phố đặt ra 172 dự án giao thông cần triển khai với tổng nguồn lực 393 tỷ USD, nhưng nguồn vốn đã được bố trí bao gồm ngân sách, ODA và PPP chỉ đạt 47.000 tỷ - chiếm 15%. Hiện, thành phố đã hoàn tất được 45 dự án, đến năm 2020 phải xong tiếp 22 dự án và 41 dự án phải hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.

Giám đốc Sở GTVT TP HCM Trần Quang Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: Hữu Khoa.

Trong đó, thành phố tập trung vào các dự án hướng tâm và các quốc lộ 50, 22, 13... kết nối TP HCM với vùng, tiếp theo là các tuyến đường ở cụm sân bay Tân Sơn Nhất và các dự án giao thông kết nối cảng Cát Lái (quận 2). Với phương pháp mô phỏng giao thông cho thấy điểm nghẽn đáng lo ngại nhất của thành phố là khu vực Tân Sơn Nhất và phía Nam vì hạ tầng đã vượt ngưỡng đến năm 2021.

"Đến năm 2025 tuyến Metro Số 1 đi vào khai thác thì giao thông phía Nam tiếp tục khó khăn. Đây là dự báo có cơ sở khoa học đã được kiểm tra", ông Lâm nói và cho rằng những dự án được HĐND thành phố đồng ý thực sự rất cần thiết, phải đẩy nhanh để sớm phát huy hiệu quả để hạn chế ùn tắc.

Về các dự án "giải cứu" khu Nam, ông Lâm cho biết, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ được chuyển cho Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông, đang ở giai đoạn duyệt thiết kế. Đến cuối năm sẽ khởi công 2 hầm chui trực thông trên đường Nguyễn Văn Linh và phấn đấu hoàn thành vào quý I năm 2021.

Còn đường Huỳnh Tấn Phát (nối trung tâm thành phố đi huyện Nhà Bè, Cần Giờ) - là trục đường có chức năng vận tải rất lớn, thành phố đã nâng cấp một đoạn. Phần từ cầu Phú Xuân đến Bình khánh đã duyệt thiết kế, đang tổ chức đấu thầu, chậm nhất tháng 12 khởi công.

Riêng về tiến độ cầu Thủ Thiêm 2, ông Lâm cho biết, dự án bị chậm tiến độ do vướng đất của Tổng Công ty Ba Son (Bộ Quốc phòng). Mới đây, Thành ủy đã thống nhất với Quân ủy Trung ương giao trước 5.000 m2 trên đường Tôn Đức Thắng. "Sở đã làm việc với nhà đầu tư, nếu thuận lợi thì quý II sẽ hợp long được phần cầu chính", ông Lâm nói.

Về tiến độ các bãi đậu xe ngầm, Giám đốc Sở GTVT cho biết, khu trung tâm thành phố được quy hoạch 4 bãi đậu xe ngầm ở Sân vận động Hoa Lư, sân khấu Trống Đồng, Công trường Lam Sơn và Công viên Lê Văn Tám. Đây là các công trình đòi hỏi suất đầu tư rất lớn và gặp nhiều vướng mắc nên tiến độ bị chậm. Thành phố đang làm thủ tục chấm dứt hợp đồng dự án ở Công viên Lê Văn Tám vì động thổ suốt 10 năm những không khởi công được. Còn các dự án khác, Sở GTVT sẽ làm đầu mối chủ trì để làm việc với các nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ.

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình. Ảnh: Hữu Khoa.

Trước đó, trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu về công tác quản lý xây dựng trên địa bàn, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình cho biết, những quận huyện đang đô thị hóa có tình trạng xây dựng trái phép do bất cập trong quản lý, có nơi còn buông lỏng.

Thông tin về 110 biệt thự xây "chui" tại quận 7 của Công ty Hưng Lộc Phát, ông Bình nói, dự án đã được chấp thuận đầu tư, phê duyệt quy hoạch và thẩm định thiết kế kỹ thuật. Tuy nhiên giai đoạn thực hiện dự án có thiếu sót. "Chúng tôi xin nhận trách nhiệm và kiểm tra lại toàn bộ việc thực hiện dự án", ông Bình nhìn nhận.

Trả lời thêm về vấn đề xây dựng không phép, sai phép, phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan chỉ ra 2 nhóm vi phạm là: không có giấy chứng nhận nên xây "chui", không có dự án nhưng tự vẽ dự án. Đứng sau thao túng chuyện này là những nhóm "cò" đất. Trên địa bàn thành phố hình thành những nhóm theo hình thức công ty không có chức năng đầu tư bất động sản, hoặc có chức năng nhưng không có năng lực nên đi vẽ dự án "ma" để bán. Trong khi đó cơ quan chức năng không phối hợp phát hiện kịp thời.

Trung Sơn - Điển Hạ

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020