Dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến
Trao đổi với Tiền Phong sáng 11/2, đại diện Ban giám hiệu (BGH) Trường tiểu học Đại Hợp (Kiến Thụy, Hải Phòng) cho biết, những ngày đầu dạy học trực tiếp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đến nay nhà trường ghi nhận có 16 học sinh là F0.
Sau khi ghi nhận học sinh mắc COVID-19, nhà trường đã phối hợp với phụ huynh test nhanh và xét nghiệm cho các cháu. Trong đó, lớp 5D phát sinh nhiều ca mắc COVID-19 nhất, nhà trường cho toàn bộ học sinh lớp này học trực tuyến tại nhà. Đồng thời, khuyến cáo và hướng dẫn phụ huynh phối hợp với cơ quan y tế tổ chức xét nghiệm cho học sinh có nghi vấn, tiếp xúc với các F0 để vừa theo dõi sức khỏe vừa kết hợp dạy trực tuyến tại nhà.
“Chiều 11/2, BCH nhà trường sẽ họp hội đồng, dự kiến sẽ thông báo phối hợp với toàn bộ phụ huynh cho học sinh tại trường test nhanh, xét nghiệm dịp cuối tuần. Qua đó, sàng lọc trường hợp nghi ngờ hoặc dương tính để triển khai kế hoạch dạy trực tiếp và học trực tuyến”, đại diện BGH Trường tiểu học Đại Hợp nói.
Ông Nguyễn Văn Phán – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kiến Thụy cho biết, sau Tết các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện ghi nhận rất nhiều học sinh, giáo viên trở thành F0. Số ca mắc COVID-19 tại các trường học liên tục tăng, phát sinh thêm. Để đảm bảo an toàn phòng dịch tại trường học, huyện đã phối hợp liên ngành triển khai kế hoạch xét nghiệm, cách ly, điều trị, giảng dạy theo kế hoạch.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và lãnh đạo TP Hải Phòng kiểm tra công tác đảm bảo dạy trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Trong khi đó, bà Đoàn Thị Thu Hằng – Hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Hồng Bàng, Hải Phòng) cho biết, từ khi dạy học trực tiếp đến nay, nhà trường ghi nhận 32 F0 (2 giáo viên và 30 học sinh).
Thực hiện kế hoạch đón học sinh trở lại trường sau Tết của thành phố, BGH nhà trường đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức tới 100% giáo viên, phụ huynh và học sinh về biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh. Trước khi dạy trực tiếp, 100% cán bộ, giáo viên test nhanh COVID-19.
Nhà trường cũng đã phun khử khuẩn toàn bộ các lớp học, khuôn viên, sân chơi… Kiểm tra phòng y tế, chuẩn bị khẩu trang, máy đo thân nhiệt, cồn sát khuẩn, nước súc miệng… cho từng lớp.
Học sinh đến trường ăn cơm theo suất tại lớp. Hạn chế tối đa học sinh ra khỏi lớp trong giờ học, giờ ra chơi thực hiện các biện pháp hạn chế tiếp xúc giữa các lớp với nhau. Tăng cường xúc miệng bằng nước muối cho học sinh hằng ngày.
Cuối giờ học, các giáo viên chủ nhiệm, phụ trách vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ lớp, bàn ghế, đồ dùng học tập bằng dung dịch sát khuẩn. Học sinh các khối lớp ra về theo khung giờ nhằm hạn chế tiếp xúc.
Đối với học sinh là F0 theo dõi sức khỏe, học trực tuyến tại nhà. Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên liên lạc với phụ huynh để nắm bắt, cùng theo dõi sức khỏe học sinh để kịp thời bổ trợ kết hợp dạy trực tuyến đảm bảo chương trình.
Hơn 6.400 học sinh, giáo viên ở Hải Phòng là F0
Sở GD&ĐT TP Hải Phòng thông tin, tích lũy đến tối 10/2, ngành giáo dục Hải Phòng đã ghi nhận tổng số 6.477 trường hợp (449 giáo viên và 6.028 học sinh) mắc COVID-19.
Riêng ngày 10/2 có thêm 2.360 giáo viên và học sinh dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, 113 trường hợp là giáo viên và 2.242 trường hợp là học sinh.
Sở đã triển khai kế hoạch thống nhất tổ chức dạy trực tiếp tại các quận huyện, cơ sở giáo dục trên địa bàn, đảm bảo an toàn phòng dịch. Trường hợp học sinh dương tính được nghỉ học và điều trị theo hướng dẫn của lực lượng y tế. Nhà trường có trách nhiệm tổ chức cho học sinh mắc COVID-19 học online hoặc dạy bổ trợ… đảm bảo học sinh được tiếp cận kiến thức cơ bản. Học sinh còn lại của lớp đi học bình thường, thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch.
Lực lượng y tế Hải Phòng lấy mẫu xét nghiệm cho trẻ em, học sinh. |
Sở GD&ĐT Hải Phòng cũng đề nghị, những ngày đầu học sinh trở lại trường, các cơ sở giáo dục cần dành thời gian phù hợp để học sinh làm quen trở lại với việc học trực tiếp. Tổ chức các hoạt động tạo hứng thú và trạng thái thỏa mái cho học sinh; hướng dẫn kiến thức phòng dịch và nguyên tắc tuân thủ trong phòng dịch… Tuyệt đối không để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp bị F0. |
Tổ chức giảng dạy các nội dung cơ bản theo điều chỉnh của Bộ GD&ĐT phù hợp với điều kiện và đối tượng, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh.
Các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp phòng chống và xử lý tình huống phát sinh theo phương án, kịch bản đã được thành phố phê duyệt. Tổ chức tập huấn, diễn tập cho phụ huynh, giáo viên, học sinh để trẻ em đến trường đảm bảo an toàn.