Trong phát biểu nhậm chức 4 năm trước, Tổng thống Joe Biden từng cam kết "khôi phục linh hồn" của nước Mỹ, chứng minh người tiền nhiệm Donald Trump chỉ là "phần chú thích" trong câu chuyện của nước Mỹ chứ không phải chương tiếp theo.
"Lời kêu gọi của ông Biden khi đó là hãy cố gắng nhiều nhất có thể để đưa mọi thứ trở lại bình thường", Sean Wilentz, giáo sư Đại học Princeton từng gặp ông Biden hai lần ở Nhà Trắng, nói.
Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra như vậy. Dù đã đạt được các thỏa thuận lưỡng đảng và củng cố liên minh với các đối tác nước ngoài trong 4 năm nắm quyền, Tổng thống Biden đã không thể đưa nước Mỹ bỏ qua ông Trump để sang trang mới. Cử tri Mỹ một lần nữa chọn ông Trump làm lãnh đạo Nhà Trắng khi ông Biden mãn nhiệm vào ngày 20/1.
"Thực tế là điều bất thường ấy không kết thúc. Ông ấy có thể đã không nhận định đúng những gì bản thân đã phải đối mặt", giáo sư Wilentz nói.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Phó tổng thống Kamala Harris tại căn cứ Myer-Henderson Hall ở Virginia ngày 17/1. Ảnh: AP
Chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tháng 11/2024 cho thấy những hạn chế về khả năng định hình lại quỹ đạo nước Mỹ của ông Biden. Khi chỉ còn vài ngày tại nhiệm, ông Biden thừa nhận trong bài phát biểu chia tay tối 15/1 rằng lời hứa trọng tâm của ông vẫn chưa hoàn thành. Ông nói nước Mỹ vẫn trong "cuộc đấu tranh liên tục, khoảng cách giữa hiểm nguy và cơ hội rất ngắn ngủi".
Tổng thống Biden thêm rằng "nền dân chủ của chúng ta vẫn vững mạnh và mỗi ngày tôi đều giữ cam kết trở thành tổng thống của tất cả người Mỹ trong những thời kỳ khó khăn nhất".
Song kết quả cuộc thăm dò mới nhất từ AP-NORC cho thấy chỉ khoảng 25% người Mỹ nói rằng ông Biden là tổng thống tuyệt vời. Con số này thấp hơn tỷ lệ ủng hộ mà người Mỹ dành cho ông Trump khi rời nhiệm sở sau cuộc bạo loạn Đồi Capitol hồi tháng 1/2021 và trong giai đoạn đất nước khủng hoảng vì đại dịch.
Nhiều bạn bè và người ủng hộ ông Biden lạc quan rằng quan điểm của người Mỹ sẽ thay đổi.
"Chúng tôi đã thua trong cuộc bầu cử với nhiều vấn đề tranh cãi gay gắt. Nhưng điều đó không có nghĩa những gì chúng tôi đã làm và cách chúng tôi làm không giúp đất nước trở nên tốt hơn", Steve Ricchetti, cố vấn lâu năm của ông Biden, nói.
Ricchetti lập luận rằng ông Biden đã giúp tạo dựng mô hình khắc phục thiệt hại do ông Trump gây ra và đây sẽ trở thành thứ hữu ích cho các đời tổng thống tiếp theo. "Đây sẽ là chiến lược cho phép một nhiệm kỳ tổng thống thành công trong tương lai", ông nhấn mạnh.
Khi nhậm chức vào ngày 20/1, ông Trump hứa hẹn sẽ mang tới nỗ lực định hình lại nước Mỹ tích cực hơn nhiệm kỳ đầu. Sự trở lại của ông đang đặt ra câu hỏi liệu đây có phải lời nhắc nhở về một kỷ nguyên chính trị mới của nước Mỹ hay không.
"Liệu chính trường Mỹ có vĩnh viễn chuyển sang đường lối dân túy và cánh hữu hay không? Nhiệm kỳ của ông Biden có phải chỉ là sự gián đoạn tạm thời của quá trình đó?", thượng nghị sĩ Chris Coons, thành viên đảng Dân chủ ở bang Delaware, đặt câu hỏi.
Ông Biden từng là thượng nghị sĩ trẻ nhất trong lịch sử Mỹ ở tuổi 30, độ tuổi tối thiểu được chấp nhận theo Hiến pháp. Trước khi trở thành ứng viên phó tổng thống của ông Barack Obama năm 2008, ông Biden từng tranh cử tổng thống hai lần nhưng thất bại. Sau hai nhiệm kỳ phó tổng thống dưới thời ông Obama, ông Biden một lần nữa tranh cử tổng thống và chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020.
Thông điệp tranh cử của ông khi đó phù hợp với quan điểm của nhiều người Mỹ sau 4 năm nhiệm kỳ nhiều biến động của ông Trump và khủng hoảng vì đại dịch Covid-19. Ông bày tỏ những sẻ chia, đồng cảm với nhiều người giữa lúc Mỹ quay cuồng trong dịch bệnh. Ông cũng hứa hẹn có đủ năng lực để lãnh đạo đất nước, thay vì tạo ra hỗn loạn.
Khi nhậm chức, ông Biden đã treo bức chân dung cựu tổng thống Franklin Roosevelt phía bên trên lò sưởi ở Phòng Bầu dục. Đó là tín hiệu rõ ràng cho thấy ông muốn trở thành một người mang lại những thay đổi, chứ không chỉ là người kế nhiệm thông thường, theo giới quan sát.
Ông Biden đã ký luật cung cấp các khoản đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và sản xuất chip, cũng như gói kích thích kinh tế lớn nhằm thúc đẩy phục hồi sau đại dịch. Ông cũng giảm giá thuốc kê đơn và ban hành quy tắc nghiêm ngặt hơn về mua súng.
"Đảng Dân chủ từng không thành công trong đối phó với nhiều nhóm quyền lực trong nền chính trị Mỹ, nhưng ông Biden đã đánh bại tất cả để thông qua các đạo luật lớn", thượng nghị sĩ Chris Murphy, thành viên đảng Dân chủ bang Connecticut, nói.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden đã không thành công với mục tiêu cải thiện các dịch vụ xã hội, như giảm chi phí chăm sóc trẻ em, và lạm phát tăng vọt đã gây ra nhiều bất bình, khiến nhiều người hoài nghi về các kế hoạch chi tiêu của chính phủ ông.
Các vấn đề quốc tế cũng đặt ra nhiều thách thức đối với ông Biden. Sau khi bị chỉ trích về quyết định rút quân khỏi Afghanistan trong năm đầu nhiệm kỳ, ông Biden đã cố gắng thiết lập liên minh ủng hộ Ukraine khi xung đột với Nga bùng phát cuối tháng 2/2022. Ông cũng kiên quyết ủng hộ Israel sau cuộc tấn công của Hamas hồi tháng 10/2023, khiến một số thành viên đảng Dân chủ thất vọng khi họ muốn Mỹ làm nhiều hơn để bảo vệ người dân Palestine.
Cử tri Mỹ cũng lo ngại về nhiều vấn đề khác. Họ thất vọng vì giá sinh hoạt tăng và lo lắng về tình trạng nhập cư bất hợp pháp ở biên giới phía nam. Khi ông Biden chưa thể xoa dịu được những lo ngại của cử tri, ông Trump đã thành công thu hút ủng hộ từ người Mỹ.
"Ông Biden rất để tâm việc trở thành tổng thống lịch sử của Mỹ. Điều đó ám ảnh ông ấy, nên ông ấy rất khó để thừa nhận sai lầm hay thất bại", Axelrod nói.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại cuộc gặp ở Nhà Trắng ngày 25/7/2024. Ảnh: AFP
Dù ở tuổi ngoài 80, ông Biden vẫn chưa muốn từ bỏ vai trò tổng thống và quyết định tái tranh cử. Quyết định của ông vấp nhiều phản đối khi người Mỹ sợ rằng ông đã quá già để đảm đương chức vụ. Nếu đắc cử, ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ hai ở tuổi 86.
Tổng thống Biden đã tin ông từng đánh bại ông Trump một lần và có thể làm điều đó lần nữa. Tuy nhiên, ông cuối cùng phải rút khỏi cuộc đua vào tháng 7/2024 sau cuộc tranh luận gây thất vọng trước ông Trump. Những gì ông thể hiện đã gây ra cuộc khủng hoảng niềm tin trong đảng Dân chủ giữa lúc họ muốn ngăn cản ông Trump trở lại.
Sau khi rút lui, ông Biden tuyên bố ủng hộ Phó tổng thống Kamala Harris làm ứng viên đảng Dân chủ. Tuy nhiên, bà cuối cùng vẫn thất bại trước ông Trump.
Hai ngày sau cuộc bầu cử, ông Biden có bài phát biểu toàn quốc ở Vườn Hồng Nhà Trắng, tại đó ông nói về "nhiệm kỳ lịch sử" của bản thân và chia sẻ thông điệp lạc quan với người dân Mỹ.
"Những bước lùi là không thể tránh khỏi, nhưng bỏ cuộc là điều không thể tha thứ. Chúng ta có thể bị quật ngã, nhưng như cách bố tôi nói, thước đo mỗi con người chính là cách chúng ta đứng dậy nhanh thế nào. Một lần thua không có nghĩa chúng ta bị đánh bại. Chúng ta đã thua trận chiến lần này. Nước Mỹ trong mơ đang kêu gọi các bạn đứng dậy", ông cho hay.
Ben LaBolt, giám đốc truyền thông Nhà Trắng, so sánh ông Biden với hai cựu tổng thống Harry Truman và Lyndon Johnson, những người đều không được tín nhiệm khi rời nhiệm sở.
"Họ đã lãnh đạo Mỹ trong thời kỳ khó khăn đối với cả đất nước và thế giới. Song họ đã làm được những điều lớn lao để đưa đất nước tới tương lai và giải quyết một số thách thức đáng kể", LaBolt nói.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây, khi được hỏi liệu ông có hối hận vì đã tái tranh cử và liệu quyết định đó có phải đã giúp mở đường cho sự trở lại của ông Trump hay không, Tổng thống Biden trả lời "tôi không nghĩ vậy".
Ông thậm chí tin rằng bản thân đã có thể chiến thắng ông Trump nếu không rút lui.
Thùy Lâm (Theo AP, AFP, USA Today)