Chuyên mục  


Từ năm học 2022-2023, học phí tất cả bậc học phổ thông ở TP HCM, trừ tiểu học, sẽ tăng 70.000-240.000 đồng. Đây là nội dung dự thảo Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập đang được Sở Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến.

Trong khi thông tin tăng học phí gây áp lực lớn lên người thu nhập thấp, những phụ huynh có điều kiện kinh tế hơn sẵn sàng chi trả thêm nhưng bày tỏ băn khoăn về cơ sở tăng học phí và nguồn thu này sẽ được tái đầu tư cho giáo dục công như thế nào.

Lý giải về mức tăng, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, dự thảo được xây dựng theo Nghị quyết 81/2021 của Chính phủ, có hiệu lực từ tháng 10/2021, với khung quy định như sau:

Vùng Học phí (nghìn đồng/tháng)
Mầm non Tiểu học THCS THPT
Thành thị 300-540 300-540 300-650 300-650
Nông thôn 100-220 100-220 100-270 200-300
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi 50-110 50-110 50-170 100-200

TP HCM áp dụng mức sàn trong khung để đề xuất cho năm học 2022-2023 như sau (bậc tiểu học được miễn học phí):

Bậc học Học phí (đồng/học sinh/tháng)
Nhóm 1 (thành thị) Nhóm 2 (nông thôn
Nhà trẻ 300.000 120.000
Mẫu giáo 300.000 100.000
Tiểu học Không thu
THCS 300.000 100.000
THPT 300.000 200.000

Theo Nghị quyết 81, dựa theo khung học phí, mức tăng của các tỉnh, thành được điều chỉnh phù hợp với điều kiện của địa phương (tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân) nhưng không quá 7,5%/năm.

Hàng năm, TP HCM dành hơn 20% ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, khoản này chỉ đảm bảo cơ bản chế độ cho đội ngũ, tỷ lệ đầu tư cho cơ sở vật chất và hoạt động chuyên môn rất khiêm tốn, theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Theo Sở, phải giải quyết bằng học phí mới có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập. Nhiều hiệu trưởng thâm niên ở TP HCM cũng đánh giá học phí đóng vai trò khá quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo các quy định hiện hành, nguồn tài chính của mỗi nhà trường trong năm gồm hai phần cơ bản: ngân sách nhà nước chi thường xuyên và nguồn thu sự nghiệp.

Trong đó, ngân sách nhà nước chi thường xuyên được dùng để chi lương, phụ cấp, chế độ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; chi cho nhiệm vụ đào tạo; quản lý hành chính...

Nguồn thu sự nghiệp gồm các khoản thu hộ - chi hộ, thu theo thỏa thuận và học phí.

Các khoản thu hộ - chi hộ (đồng phục, hồ sơ học sinh, trang thiết bị học ngoại ngữ, ăn bán trú); thu theo thỏa thuận (tổ chức dạy buổi hai, tổ chức ăn bán trú, vệ sinh bán trú, chi trả nhân viên nuôi dưỡng) thực hiện theo nguyên tắc thu đủ bù chi.

Nguồn thu học phí được chia làm hai phần cơ bản. 40% dành tạo nguồn cải cách tiền lương, chỉ được dùng khi có chính sách mới về tiền lương, phụ cấp. Trường được dùng 60% còn lại cho các hoạt động dạy học chuyên đề, phụ đạo, các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo dục địa phương...

Ví dụ, với một trường THPT có 1.000 học sinh, áp dụng mức học phí cũ (120.000 đồng/tháng), mỗi tháng trường thu được 120 triệu đồng. Trường phải trích lập quỹ lương 48 triệu (40%) và được sử dụng 72 triệu còn lại cho các hoạt động giáo dục. Với mức thu mới (300.000 đồng/tháng), khoản tiền trường thu về là 300 triệu, khoản được sử dụng là 180 triệu đồng, nhiều hơn mức cũ 108 triệu.

"Thực tế, với nhiều khoản chi trước đây, các trường không đủ kinh phí, phải kêu gọi phụ huynh đóng góp", một hiệu trưởng cho biết.

Báo cáo tác động khi trình dự thảo Nghị quyết, Sở Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận, trong các nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục, ngân sách nhà nước vẫn đóng vai trò chủ yếu. Do điều kiện còn hạn hẹp về tài chính, học phí là nguồn bổ sung quan trọng.

Việc xây dựng mức học phí mới thể hiện sự chia sẻ chi phí giữa nhà nước, xã hội và người học.

Giáo viên trường Tiểu học Bông Sao, quận 8 trong giờ học hồi cuối tháng 2. Ảnh: Mạnh Tùng

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP HCM) cho biết, học phí mới phải theo lộ trình và khung của Nghị quyết 81, không thể thu thấp hơn. "Thực tế, thành phố đã cân nhắc, chọn mức thu thấp nhất, tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân", ông Bình nói.

Hiện, dự thảo trong quá trình lấy ý kiến, chưa trình đến HĐND Thành phố. Khi chính thức nhận được tờ trình, Ban Văn hóa - Xã hội sẽ nghiên cứu, đề xuất cụ thể.

Ở góc nhìn của chuyên gia giáo dục, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho rằng, tăng học phí là cần thiết nhưng không nên tăng vọt như hiện nay.

TP HCM cần có lộ trình và bước đi phù hợp khi ban hành khung học phí mới, trong đó phải giải đáp được hai vấn đề: chất lượng giáo dục phải tăng; cơ cấu các khoản chi từ việc tăng học phí. Từ đó, ông Ngai đề xuất thành phố lùi việc áp dụng Nghị định 81 một thời gian.

"Trước đây, thành phố từng miễn học phí THCS, thậm chí miễn học phí trong năm học trước bởi Covid-19, tức là chúng ta được đề xuất trong điều kiện riêng. Do đó, việc chậm áp dụng Nghị định 81 vừa hợp lý, vừa hợp tình", ông Ngai nói.

Ngoài việc giảm mức tăng học phí, ông Ngai đề xuất TP HCM quy định chặt chẽ các khoản thu chi ngoài học phí, không để xảy ra lạm thu. Học phí các trường ngoài công lập cũng cần có cơ chế kiểm soát.

Mạnh Tùng

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020