Chuyên mục  


tang-hoa-tri-thuc-17348524511141162694999.jpg

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chào hỏi, tặng hoa tri ân các trí thức tại Hội nghị gặp gỡ trí thức năm 2024 - Ảnh: T.T.D.

Dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Văn Nên - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM.

Hội nghị đón tiếp 289 đại biểu trí thức hàng đầu thuộc nhiều lĩnh vực, đại diện cho đội ngũ trí thức TP.HCM.

TP.HCM cần có chính sách đặc thù để thu hút nhân tài

Tại hội nghị, GS.TS Đặng Lương Mô - nhà khoa học Việt Nam nổi tiếng trên thế giới về lĩnh vực vi mạch, một Việt kiều có nhiều đóng góp cho đất nước - đã đề xuất các giải pháp pháp lý và đội ngũ trí thức cho thời gian tới.

GS Mô đề nghị: "Trong bản thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM lần này, nên có chương hoặc điều cho phép TP.HCM quyền huy động nguồn lực người Việt trong và ngoài nước, sử dụng, đãi ngộ nhà đầu tư, nhà khoa học, nhà công nghệ... liên quan đến những lĩnh vực khoa học công nghệ, phát triển công nghiệp cần thiết cho thành phố".

Về việc dùng người, theo GS Đặng Lương Mô, có thể nhìn từ bốn góc độ. 

Thứ nhất, phải trả lời được câu hỏi: Ta có thật lòng cần họ không và cần những loại nhân tài nào?

Thứ hai, đã cầu hiền thì phải tạo điều kiện, môi trường cho người ta cống hiến bằng cách giao cho họ những công việc có giá trị đích thực, đòi hỏi gay gắt và đánh giá đúng công việc họ làm vì người tài thích được đòi hỏi, thậm chí đòi hỏi khắt khe.

Thứ ba, cần có sự đãi ngộ thỏa đáng. Người tài thường không đòi hỏi vật chất nhiều đâu mà điều quan trọng hơn với họ là sự tôn trọng, công bằng.

Thứ tư, phải rộng lượng vì người tài thường có tật. Nếu vì tật nhỏ mà rũ bỏ thì thật hoài phí, nhất là những tật không ảnh hưởng gì tới công việc, không trái với nhân cách làm người.

"Việt kiều chỉ là những con người thường. Hợp tác, đối xử, đãi ngộ… nên xây dựng và phát triển trên cơ sở có lợi cho cả đôi bên", GS Mô nhấn mạnh.

Cần xây dựng một cơ sở dữ liệu "số hóa" về nguồn nhân lực của thành phố

nguyen-ngoc-tran-17348525394741010336471.jpg

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân kiến nghị xây dựng một cơ sở dữ liệu "số hóa" về nguồn nhân lực của thành phố - Ảnh: T.T.D.

Góp ý về chương trình hành động số 49 của Thành ủy, GS.TS Nguyễn Ngọc Trân - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội - cho rằng cơ sở dữ liệu là một công cụ không thể thiếu cho chương trình hành động 49.

GS Trân đề nghị cần xây dựng một cơ sở dữ liệu "số hóa" về những người có trình độ từ đại học trở lên trên địa bàn thành phố, ngành nghề được đào tạo và lĩnh vực họ đang công tác; số lượng người đã tốt nghiệp từ một thời gian nhưng chưa có việc làm…

"Khoảng cách thời gian giữa nghiên cứu (R) và triển khai (D) ngày càng thu hẹp, và giữa R - D với C (thương mại hóa kết quả) cũng vậy. Do đó nên chăng mở rộng khái niệm "trí thức", "người tài"... bao gồm những ai, chuyên gia, các doanh nhân, đã và đang đóng góp cụ thể vào phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường thành phố.

Việc khảo sát đã thực hiện giới hạn vào các viện, trường và cơ quan nhà nước. Nên khảo sát cả khu vực ngoài nhà nước, cụ thể các doanh nghiệp ngoài nhà nước và các doạnh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. So sánh việc sử dụng chất xám ở hai khu vực sẽ có ích cho việc xây dựng chính sách", GS Trân nói.

Ông cũng cho rằng vấn đề "thu hút nhân tài" về địa phương, vào cơ quan nhà nước đã được đặt ra từ lâu. Cũng đã có chương trình, đề án đưa cán bộ trẻ về tăng cường chính quyền các xã vùng sâu vùng xa. Nhiều chế độ chính sách đã được áp dụng nhưng kết quả không được như mong đợi.

"Một trong những nguyên nhân là những chính sách, chế độ được đề ra từ chủ quan của bên đề ra chính sách. 

Để tìm đúng điểm nghẽn cần lắng nghe không định kiến từ phía đối tượng những gì họ mong đợi: môi trường làm việc về mặt tinh thần, đánh giá kết quả công tác khách quan, minh bạch, con đường tiến thân trong công tác bình đẳng cho mọi người, không bị chi phối bởi 'hậu duệ, tiền tệ, quan hệ, trí tuệ' mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phê phán".

dang-luong-mo-17348524895711213248989.jpg

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chào hỏi GS.TS Đặng Lương Mô tại hội nghị gặp gỡ trí thức năm 2024 - Ảnh: T.T.D.

Sẽ có chính sách tạo không gian thuận lợi cho đội ngũ trí thức cống hiến

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết mục đích chính của cuộc gặp gỡ trí thức năm 2024 hôm nay để hỏi thăm, chia sẻ, có những lời động viên với nhau, tiếp tục cống hiến.

"Chính quyền thành phố có dịp lắng nghe, tiếp thu, trao đổi những ý kiến, cũng như kinh nghiệm của trí thức trên các lĩnh vực để cống hiến cho thành phố. Đến giờ này, có thể tự tin và nhận thấy rằng năng lực đội ngũ của chúng ta đủ điều kiện để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", ông Nên nhấn mạnh.

Nghị quyết 45 của Ban Chấp hành Trung ương về việc xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, tiếp tục xác định đội ngũ trí thức là lực lượng lao động sáng tạo, bộ phận tiên phong trong sự nghiệp đổi mới.

TP.HCM là trung tâm lớn về kinh tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa xã hội của đất nước. Hiện nay đội ngũ trí thức của thành phố có khoảng 1,6 triệu người, trong đó khoảng 8.000 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành...

Trong những năm qua, mối quan hệ giữa lãnh đạo thành phố và đội ngũ trí thức ngày càng gắn bó. Đội ngũ trí thức cũng không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Xuất hiện ngày càng nhiều nhà khoa học trẻ đạt được nhiều thành công, có những đóng góp rất xứng đáng cho thành phố.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng mặc dù thành phố đã thể chế hóa nhiều cơ chế, chính sách để thu hút và đãi ngộ trí thức, nhưng cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa.

"Lãnh đạo thành phố nghiêm túc nhìn nhận việc xây dựng đội ngũ trí thức còn hạn chế, hệ thống văn bản pháp luật chưa được hoàn thiện và đồng bộ. Dù có nhiều cố gắng nhưng sức hút chưa mạnh mẽ. Chúng tôi đang nghiên cứu để tìm cách cải thiện", ông Nên cho biết thêm.

Cũng theo ông Nên, có những điều mà riêng bản thân giới trí thức không thể vượt qua được mà phải có Chính phủ, sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp, cũng như sự hỗ trợ của các ngành. Đây là điểm hành động, nghĩa là cần có sự chung sức đồng lòng với nhau.

Đồng thời phải có những chính sách, cơ chế để tạo ra một hành lang, không gian thuận lợi cho đội ngũ trí thức cống hiến. Tư duy về làm chính sách của thành phố cũng đã đi theo hướng trọng dụng nhân tài và phát huy tự chủ cao của trí thức trong đổi mới sáng tạo.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020