Thầy Nguyễn Xuân Khang chụp ảnh chung với 22 cháu bé ở Làng Nủ mà ông đã nhận nuôi dưỡng để ghi dấu ngày "ông cháu nhận nhau" - Ảnh: VĨNH HÀ
Khi trận lũ tràn qua Làng Nủ (Bảo Yên, Lào Cai) cuốn đi 39 hộ dân khiến nhiều người thiệt mạng, có những đứa trẻ còn sống sót đã mất hết nhà cửa và người thân.
Xin chính thức được làm "ông nội"
Thầy giáo Nguyễn Xuân Khang là người đầu tiên công bố sẽ nhận nuôi tất cả trẻ ở Làng Nủ cho tới khi các cháu đủ 18 tuổi.
Thầy Khang cử đoàn công tác lên Làng Nủ để xác minh, lập danh sách trẻ và bắt đầu gửi kinh phí hằng tháng với mức 3 triệu đồng/cháu. Trong số này có hai cháu nhỏ tuổi nhất sinh năm 2021, cháu lớn nhất sinh năm 2007.
Ông từng chia sẻ với Tuổi Trẻ, dù trước đó có những dự án cộng đồng phải chi phí số tiền lớn hơn thế rất nhiều nhưng ông không cảm thấy lo âu, trăn trở nhiều như dự án nuôi trẻ Làng Nủ vì đây là vấn đề con người.
Khi đã xác định sẽ nuôi các cháu và xem mình như "ông nội" của các cháu thì không thể chỉ cấp tiền là hết trách nhiệm.
Điều ông lo nhất là những đứa trẻ ấy sẽ lớn lên thế nào, học hành ra sao, nhất là những cháu đã mồ côi cả cha mẹ.
Và ông lên đường đến Làng Nủ vào một ngày mùa đông rét đậm. Ông tâm sự từ năm 2018 đến nay ông chưa đi đâu khỏi Hà Nội, nhưng lần này ông phải đi.
Ở khu tưởng niệm những người dân đã mất trong trận lũ quét, thầy Khang gặp chị Nguyễn Thị Kim, mẹ của cháu Khánh Ngân - một trong hai đứa trẻ nhỏ tuổi nhất thầy nhận nuôi. Người mẹ trẻ nhìn thấy thầy nước mắt đã chảy giàn trên má.
Chị kể với thầy: "Con đã nói với con gái con là ông nội sắp lên thăm và bây giờ mình có hai ông nội. Cháu đã rất háo hức". Chị Kim và bé Khánh Ngân từng bị lũ cuốn trôi nhưng may mắn được cứu thoát.
Đến thăm nhà các cháu bé ở Làng Nủ, thầy Khang hẹn những người thân của các bé cùng có mặt ở buổi gặp gỡ để "ông cháu chính thức nhận nhau".
Với ông, việc "nhận nhau" không đơn thuần là cấp tiền nuôi dưỡng mà ông muốn trở thành người thân thực sự của bọn trẻ, cùng bàn bạc và cùng giải quyết những vấn đề xảy ra trong cuộc đời bọn trẻ tới khi chúng trưởng thành. "Mùa hè tới, tôi dự định sẽ mời tất cả các cháu về Hà Nội.
Những cháu còn bố mẹ thì tôi mời cả bố mẹ hoặc ông bà, cô giáo chủ nhiệm của các cháu. Tôi sẽ lo ăn ở cho mọi người khoảng một tuần, cho các cháu và người thân đi viếng lăng Bác và danh lam thắng cảnh ở Hà Nội", thầy Khang nói với người thân của các cháu bé.
Thầy Nguyễn Xuân Khang trò chuyện với một nữ sinh trong dự án đào tạo giáo viên tiếng Anh cho Mèo Vạc (Hà Giang)
Bức ảnh và "bản cam kết" đặc biệt
Trên suốt dọc đường đi, thầy Khang ôm một chiếc hộp nhỏ. Bên ngoài hộp ghi dòng chữ "Ông giữ gìn sức khỏe, cháu chăm chỉ học hành". Trong hộp có một bản cam kết, có bút bi để ký và mực dấu để "điểm chỉ".
Thầy nói đó là bản cam kết của 23 ông cháu. Các cháu cam kết chăm ngoan, còn ông cam kết giữ sức khỏe. Trong cuộc gặp với các cháu vào chiều 22-12, ông cháu cùng ký hoặc điểm chỉ (với các cháu chưa biết chữ) vào bản cam kết để cùng cố gắng.
Ông lập bản ghi ngày sinh của 23 ông cháu để cùng nhớ và đó cũng là những điều ông tin có thể giúp mình gắn bó với bọn trẻ nhiều hơn.
"Lên Làng Nủ lần này, tôi muốn chụp một bức ảnh kỷ niệm của 23 ông cháu vào lần tôi lên đây. Và tôi muốn 15 năm sau, khi hai cháu bé nhất ở đây là Gia Hân và Khánh Ngân vừa đủ 18 tuổi, tôi được đón các cháu về Hà Nội để chụp một bức ảnh có đủ 23 ông cháu.
Khi đó, tôi với các cháu vẫn ngồi ở vị trí y hệt như bức ảnh chụp hôm nay. Hai bức ảnh ghi dấu sự đổi thay, đánh dấu sự trưởng thành của các cháu và tôi hy vọng có thể thực hiện được cam kết "giữ sức khỏe" để sống đến lúc đó, được nhìn tất cả các cháu trưởng thành" - thầy Khang chia sẻ.
Phấn đấu để 15 năm nữa... chụp ảnh cùng nhau
Tâm sự với các "cháu nội", thầy Khang nói: "Từ khi có thêm 22 đứa cháu, ông có ý thức giữ gìn sức khỏe hơn, ăn nhiều hơn một chút. Dù biết giữ sức khỏe không dễ, nhưng ông muốn phấn đấu để 15 năm nữa được có mặt trong bức ảnh chụp chung khi các cháu đã trưởng thành".
"Ông nội" vừa có thêm một cháu Làng Nủ
Trên thực tế, cháu bé đầu tiên được thầy Khang nhận nuôi từ tháng 9-2024, các cháu khác được ông nhận nuôi và chu cấp tiền hàng tháng kể từ tháng 10-2024.
Chiều tối 22-12, khi rời Làng Nủ ra về, thầy Xuân Khang mới biết Làng Nủ còn một cháu bé nữa chưa có trong danh sách được ông nuôi dưỡng. Cháu bé này ốm yếu không đến trường nên khi rà soát danh sách đã không có tên. Một nhà báo đã phát hiện và chia sẻ với ông việc này.
Ngay lập tức ông liên hệ với mẹ cháu bé và ngỏ ý được nhận nuôi cháu như 22 cháu khác, đồng thời quyết để cháu truy lĩnh số tiền của 3 tháng trước đó. Như vậy tới thời điểm hiện tại, thầy Xuân Khang đã nhận nuôi dưỡng 23 cháu bé ở Làng Nủ.
Thầy Nguyễn Xuân Khang chạm tay lên tấm bảng ghi tên những người dân Làng Nủ bị thiệt mạng trong trận lũ hồi tháng 9, trong đó có những đứa trẻ. Ông đã rơi nước mắt
Em Nguyễn Văn Hành (trái) và Hoàng Xuân Phúc (phải) ra đón ông nội Xuân Khang ở Làng Nủ mới. Hành lớn nhất trong số những trẻ thầy Khang nhận nuôi dưỡng và cũng là đứa trẻ đầu tiên thầy liên hệ, ngỏ ý nhận cậu bé là cháu nội khi Hành bị thương còn nằm trên giường bệnh
Thầy Khang trò chuyện với chị Nguyễn Thị Kim, mẹ của cháu Hà Khánh Ngân sinh năm 2021 ở khu đất Làng Nủ cũ, nơi còn dấu tích của trận lũ xóa sạch nhiều ngôi nhà. Chị Kim và con gái cũng bị cuốn trôi và may mắn được cứu sống. Trong cuộc trò chuyện, thầy Khang nhắn nhủ người mẹ trẻ cố gắng cho con được học hành lâu dài và ông sẽ đồng hành với cháu bé đến khi cháu 18 tuổi
Thầy Khang thăm nhà mới của cháu Hoàng Xuân Phúc. Ở Làng Nủ mới, những đứa trẻ không còn bố mẹ đã đứng tên chủ hộ và tên được gắn cùng số nhà ở ngay cửa vào. Trong ảnh, Phúc (bên phải) và Bảo, em trai của Phúc (bên trái) trò chuyện với ông nội Xuân Khang. Bảo hồn nhiên kể cho ông về những vết thương đang lành trên đầu, chân tay. Bảo cũng là một trong số cháu bé bị thương nặng phải gửi đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) điều trị một thời gian dài
Thầy Khang với bé Gia Hân, sinh năm 2021, là một trong hai bé nhỏ tuổi nhất thầy nhận nuôi
Bố của bé Khánh Ngân cùng con "điểm chỉ" vào ô ghi tên con trong bản "Lời hẹn ước của ông cháu". Bản hẹn ước ghi hai nội dung: Cứ tới ngày 22-12 hàng năm ông nội và các cháu chụp ảnh gửi cho nhau để biết sức khỏe và sự trưởng thành của mỗi người. Và ngày 22-12-2039, tức 15 năm sau, ông nội 90 tuổi và hai cháu bé nhất đủ 18 tuổi, tất cả sẽ gặp nhau ở Hà Nội để chụp chung một kiểu ảnh tương tự như bức ảnh ông cháu chụp trong ngày 22-12-2024 mới đây. Tại Làng Nủ, ông cháu đều ký vào bản hẹn ước. Hai cháu bé nhất chưa biết chữ thì cùng bố mẹ "điểm chỉ"
Chiếc hộp đựng "lời ước hẹn" được thầy Khang ghi dòng chữ "Ông giữ gìn sức khỏe, cháu chăm chỉ học hành". Ở buổi gặp các cháu bé ở Làng Nủ, ông nói từ khi có thêm 22 cháu, ông có ý thức giữ gìn sức khỏe hơn. Dù biết giữ sức khỏe ở tuổi ông không dễ, nhưng ông muốn phấn đấu để 15 năm nữa được có mặt trong bức ảnh hội ngộ với các cháu và được chứng kiến các cháu trưởng thành