Nguyễn Bently Minh Nhật, lớp 12B3, trường Vinschool The Harmony, nhận kết quả trúng tuyển ngành Phim và Kinh doanh của Đại học Dartmouth, lúc 3h ngày 14/12. Đây là một trong 8 đại học Ivy League, xếp thứ 15 ở Mỹ, theo US News & World Report.
"Đọc được chữ 'chúc mừng' là em dừng lại vì biết đã đỗ. Em khoe với bà và bố rồi đi quanh nhà, gọi điện báo cho bạn thân cũng vừa trúng trường Ivy League. Chúng em chúc mừng nhau: 'We did it' (chúng ta đã làm được)", Bently nói.
Trong thư mời nhập học, trưởng phòng tuyển sinh của trường cho biết ấn tượng với hồ sơ và sự xuất sắc của Bently. Dartmouth trao cho em học bổng trị giá hơn 80.000 USD một năm (2 tỷ đồng). Với khoản hỗ trợ này, gia đình em chỉ còn phải đóng 11.000 USD (280 triệu đồng) mỗi năm.
Nguyễn Bently Minh Nhật. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bently sinh ra ở Canada, đến lớp 1 thì theo bố mẹ về Việt Nam. Suốt thời tiểu học, em vẫn đi lại giữa hai nước, trước khi về hẳn vào năm lớp 6. Kinh tế gia đình Bently khá giả nhờ kinh doanh nhà hàng. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, quán vắng khách, khiến nguồn thu nhập chính của cả nhà sụt giảm. Áp lực kinh tế làm không khí gia đình căng thẳng thường xuyên hơn.
Nam sinh kể bố mẹ ngày trước không có điều kiện học đại học, phải làm công việc tay chân vất vả nên luôn động viên em chú tâm học hành, tìm cơ hội du học để có tương lai tốt hơn. Lúc cuộc sống đủ đầy, em không quan tâm lắm tới việc học ở trường. Chỉ tới khi nhận thức được tình cảnh gia đình, thấy bà và bố phải đến nhà hàng từ sáng sớm rồi trở về vào tối muộn và mệt nhoài, Bently mới quyết tâm thay đổi.
"Em hy sinh thời gian đi chơi với bạn, chơi game và làm phim chỉ để học. Gia đình không đủ khả năng chi trả toàn bộ nên nếu muốn du học, em cần giành học bổng cao nhất có thể", nam sinh kể.
Do từng chểnh mảng nên nam sinh xác định cần "cày" để cải thiện điểm số trước. Ở trường, Bently học chương trình quốc tế Cambridge AS - level. Em tự luyện dạng bài, đề thi từ những năm trước và học thêm SAT. Kết quả, em đạt 4 điểm A, và 1530/1600 điểm SAT.
Hạn nộp cho đợt tuyển sinh sớm của các trường ở Mỹ là đầu tháng 11, nên việc chuẩn bị hồ sơ có phần gấp gáp.
"Vừa làm hồ sơ, vừa phải đảm bảo việc học ở trường, em chỉ ngủ 3-4 tiếng mỗi ngày", Bently nhớ lại.
Nam sinh cho hay viết luận là phần thách thức nhất. Em lên mạng đọc các bài mẫu, xem YouTube hướng dẫn cách viết để tham khảo. Bently có 5-7 ý tưởng cho bài luận chính, hỏi về bài học mà em từng nhận được. Cuối cùng, em chọn viết về món Bò bít tết (steak) yêu thích.
Bently thích đồ Tây và thường tự học nấu ăn trên mạng. Nam sinh thấy món steak ngon nhất là phải dùng thịt thăn (tenderloin) nhưng vì không phải lúc nào cũng có tiền để ăn phần thịt đắt đỏ này, em buộc phải mua loại rẻ hơn (flank - phần cơ bụng hoặc ngực dưới của con bò).
Bài luận bắt đầu bằng đoạn miêu tả mùi khói và thịt bò tràn ngập căn nhà khi em thử mọi mẹo trong sách để làm cho miếng flank mềm. Bently đập thịt, rắc baking soda và ướp trong nước ép dứa, nhưng miếng thịt vẫn dai.
Bố đã hướng dẫn em làm cho miếng thịt mềm hơn, bằng cách xoay 90 độ và cắt ngang thớ. Từ bài học của bố, Bently nhận ra với mọi vấn đề trong cuộc sống, chỉ cần thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận sẽ trở nên đơn giản hơn. Giống như miếng thịt bò, sau khi đã chế biến nhiều cách vẫn không mềm nhưng thay đổi cách thái thì ngon hơn.
Bài học này sau đó được em áp dụng. Hồi lớp 11, Bently từng phải chăm sóc cụ khoảng 90 tuổi bị ốm. Hàng ngày, em tắm rửa, vệ sinh và đút cơm cho cụ. Lúc đầu, Bently sợ và không thích nên làm một cách miễn cưỡng. Nhưng nhớ đến bài học về miếng thịt bò, em thử thay đổi bằng cách nói chuyện với cụ nhiều hơn.
Từ những câu chuyện cụ kể thời là nhân viên y tế cứu chữa cho thương binh trong chiến tranh, đến sau này hòa bình về làm kế toán, nghỉ hưu thường đạp xe dạo phố, chở các con đi học... Bently thấy yêu thương, gần gũi cụ hơn và không xem việc chăm sóc là gánh nặng.
Ngoài luận chính, Dartmouth còn có ba bài luận phụ, mỗi bài 100-250 từ, hỏi về lý do chọn trường, môi trường lớn lên và lĩnh vực em hiểu biết.
Nam sinh ưng nhất bài thứ hai nói về môi trường đã nuôi dưỡng đam mê làm phim của em. Bently được ông đọc thơ, kể truyện cổ tích, truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, Thánh Gióng, Tấm Cám... từ bé. Em nhận thấy những bộ phim làm về chủ đề này hiện ít hoặc bị Tây hóa, không phù hợp. Bently ví dụ truyện cổ tích Tấm Cám rất hay nhưng bị biến thành phim ma, làm mất đi ý nghĩa giáo dục.
"Em muốn làm phim về văn hóa dân gian Việt Nam và tái hiện nó một cách chân thực nhất", nam sinh nói.
Trong cuộc phỏng vấn với đại diện trường, em cũng nói về niềm đam mê phim ảnh. Từ năm 10 tuổi, Bently thích xem các bộ phim hành động và siêu anh hùng. Em mê nhất "Inception", phim giả tưởng kể về một nhóm "đạo chích thông tin" có khả năng xâm nhập vào giấc mơ.
Bently thường nhắm mắt lại và tưởng tượng kịch bản phim trong đầu. Em lên mạng học cách quay phim, viết kịch bản và dùng Ipad để quay bạn bè, cảnh vật xung quanh, rồi tự mày mò biên tập, chỉnh sửa. Chàng trai từng được giải ở một số cuộc thi làm phim ngắn, trong và ngoài nước.
Nam sinh kể sau 15 phút trò chuyện, người phỏng vấn nói: "Tôi thực sự thích bạn. Ở bạn có khí chất của một sinh viên Dartmouth".
Là một trong hai người viết thư giới thiệu, thầy Vi David Nguyen, giáo viên môn Truyền thông, ấn tượng ở tinh thần tự học và khả năng trong lĩnh vực điện ảnh của học trò.
"Tôi biết danh tiếng của Dartmouth nhưng tôi cũng hiểu rõ Bently. Em ấy vừa theo đuổi đam mê nghệ thuật, lại vừa học tốt", thầy Vi David chia sẻ.
Tháng 8 năm sau, Bently sẽ bắt đầu hành trình du học. Em dự định sau khi tốt nghiệp sẽ vừa kinh doanh vừa làm phim ở Mỹ.
"Sau thời gian tập trung cho mục tiêu đỗ đại học và giành học bổng, giờ em đã có thể đi chơi nhiều hơn và tiếp tục quay những dự án phim yêu thích", Bently nói.
Bình Minh