Nỗi lo quên kiến thức sau Tết
Một trong những lý do chính khiến nhiều phụ huynh tán thành việc giao bài tập cho học sinh lớp 1 trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần là do tâm lý lo ngại rằng khi học trực tuyến, các con chưa nắm vững kiến thức. Vì thế, rất có thể kỳ nghỉ Tết kéo dài 8 ngày khiến nhiều bé trở về "trang giấy trắng".
Chị Nguyễn Thúy Nga (quận Long Biên, Hà Nội), phụ huynh có con đang học lớp 1, cho biết: "Khó khăn lắm tôi mới giúp con thích nghi được với nề nếp tại cấp học mới. Giờ con lại được nghỉ Tết khá dài; nếu con nghỉ thông, không động vào sách vở trong một thời gian dài như vậy, rất có thể mọi công sức của phụ huynh lẫn giáo viên thời gian vừa qua trở về con số 0."
Trong khi đó, nhiều phụ huynh phải quay trở lại làm việc khi các bé vẫn đang trong thời gian nghỉ Tết. Do đặc thù công việc, nên cả hai vợ chồng chị Nga đều phải quay trở lại làm việc từ khá sớm, con lớn mới học lớp 4 nên cũng chưa thể dạy hay ôn lại được kiến thức cho em.
"Tôi rất lo lắng con sẽ bị tụt lại sau kỳ nghỉ Tết, một phần do con tiếp thu chậm hơn so với các bạn, học trực tuyến lại càng khiến con gặp nhiều khó khăn hơn. Vợ chồng tôi bận luôn tay, các cháu học trực tuyến đều nhờ ông bà trông nom giúp, nên tôi khá lo lắng khi cháu trở lại lịch học bình thường", chị Nga chia sẻ.
Cũng có nỗi niềm như chị Nga, anh Trịnh Thế Long (quận Đống Đa, Hà Nội) trăn trở không biết làm cách nào để có thời gian ôn tập cho đứa con thứ hai đang học lớp 1 khi mà kỳ nghỉ Tết của anh chỉ kéo dài một vài ngày.
"Trước Tết thì công việc ngập đầu, sau Tết thì lại đi làm sớm nên tôi không có nhiều thời gian để theo sát con từng bài, từng kiến thức một. Trong khi đó, con rất mải chơi, để con ngồi yên tập trung học một mình là điều bất khả thi, phải có người ngồi bên cạnh bám sát để nhắc nhở, chỉ bảo con".
Chia sẻ thêm, anh Long cho biết, con gái lớn của anh hiện đang học lớp 8, hoàn toàn có khả năng thay vợ chồng anh hướng dẫn em trai học. Tuy nhiên, nếu không có định hướng nhất định từ các thầy cô giáo thông qua bài tập Tết, thì việc ôn tập cho con sẽ lan man và không mang lại hiệu quả.
Mặc dù vậy, các bậc phụ huynh cũng nhấn mạnh, thầy cô giáo cần cân nhắc kỹ về số lượng cũng như cách giao bài tập cho học sinh, không nên quá cứng nhắc, rập khuôn tránh tạo căng thẳng và nỗi sợ cho các em.
Là một trong số những phụ huynh tán thành việc nên giao bài tập Tết, nhưng chị Nguyễn Thị Tú Anh, phụ huynh có con đang học lớp 1 tại một trường tiểu học ở Hà Nội cảm thấy vô cùng "hoảng hốt" khi biết con được giao một lượng bài tập khá lớn.
"Tôi không phản đối việc các thầy cô giáo giao bài tập trong thời gian các con nghỉ Tết, vì theo quan điểm của tôi, "văn ôn, võ luyện", chăm chỉ làm bài tập thì con mới nắm chắc kiến thức. Thế nhưng, tôi đã rất ngạc nhiên khi con được giao một lượng bài tập lớn như vậy".
Một trong số những bài tập Tiếng Việt mà con của chị Tú Anh được giao trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán (Ảnh: NVCC).
Ngoài bài tập Tiếng Việt, bé còn được giao khá nhiều bài tập Toán trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Đây chỉ là một trong số những phiếu ôn tập kiến thức môn Toán của bé (Ảnh: NVCC).
Bé Võ Minh Khang - con trai của chị Nguyễn Thị Tú Anh đang làm bài tập tết sớm để "yên tâm" chơi xuân (Ảnh: NVCC).
Theo chị Tú Anh, giáo viên chỉ nên giao một lượng nhỏ, vừa đủ bài tập để các con làm trong khoảng từ 15-30 phút mỗi ngày, trừ những ngày như 30 và ba ngày tết chính. Các phụ huynh cho rằng, với lượng bài tập như vậy là vừa đủ để các con không quên kiến thức cũng như không gặp khó khăn khi trở lại sinh hoạt bình thường. Hơn nữa, đây cũng là một phương thức hiệu quả để các con không quá "sa đà" vào internet, smartphone, iPad hay TV.
Trong khi đó, anh Long cho rằng giáo viên nên có kế hoạch cụ thể, phù hợp cho từng ngày để tránh việc học sinh bị quá tải. Phần còn lại có thể đưa ra giới hạn những kiến thức quan trọng để gia đình kết hợp tự ôn tập cho con trong thời gian nghỉ, để con không cảm thấy đó là gánh nặng, áp lực. Tuyệt đối không nên giao quá nhiều làm các con sợ.
Tuy lo lắng, hoang mang về việc con sẽ quên mất kiến thức sau kỳ nghỉ Tết vì học online, kiến thức chưa vững. Song cũng như nhiều phụ huynh khác, anh Thắng, chị Nga, anh Long hay chị Tú Anh khẳng định, quyết định tán thành việc giao bài tập Tết, không đồng nghĩa với việc đang tạo áp lực hay gánh nặng cho con. Đó cũng chỉ là sự lo lắng của người cha, người mẹ dành cho các con. Lo ngại sau Tết con sẽ không theo kịp chương trình và các bạn, khiến con mặc cảm, tự ti, chán nản và không còn hứng thú khi học.
Không có bài tập để Tết của con được trọn vẹn nhất
Trái ngược với lo lắng của một số phụ huynh, anh Nguyễn Duy Kiên (Quốc Oai, Hà Nội) cho rằng: "Trước giờ, tôi không quá đặt nặng vấn đề thành tích với các con. Tôi muốn chúng được sống đúng với độ tuổi, được thoải mái, tự do nên tôi không bao giờ ép con học quá nhiều bởi rất dễ gây phản tác dụng khiến con coi việc học là một gánh nặng. Giáo dục nên bắt nguồn từ việc chủ động, chứ không phải nhồi nhét một cách miễn cưỡng".
Anh cũng chia sẻ thêm, Tết là thời gian gia đình sum họp sau một năm nhiều biến động; do đó, gia đình anh muốn có nhiều thời gian chia sẻ, trò chuyện với nhau, nhất là dạy cho con cái hiểu thêm về những phong tục, truyền thống tốt đẹp qua những câu chuyện, hành động thực tiễn: tiễn ông Công, ông Táo về trời, gói bánh chưng, chúc tết họ hàng,...
Không chỉ anh Kiên, cô Bùi Thị Xuân (giáo viên trường tiểu học thị trấn Quốc Oai A, huyện Quốc Oai, Hà Nội) nhận thấy không nên giao bài tập tết cho học sinh lớp 1: "Từ đầu năm đến bây giờ, các con đã phải làm quen với sách vở, bài học trực tuyến khiến tương tác khó khăn. Hơn thế, các con còn quá nhỏ, chưa có khả năng chủ động tự hoàn thành bài tập mà phải dựa vào sự hướng dẫn phụ huynh. Nếu giao bài tập tết cho các con thì tôi e rằng sẽ vô tình đẩy cho phụ huynh thêm một gánh nặng".
Qua trao đổi với PV, cô Xuân đề xuất ý tưởng thay vì giao bài tập tết cho các con, cô sẽ lên kế hoạch và giao nhiệm vụ vào dịp tết cho các con như sau:
Đề xuất "Nhiệm vụ xuân Nhâm Dần" của cô Bùi Thị Xuân (Minh họa: Phùng Quyên).
Đây là những "nhiệm vụ" rất thiết thực đối với học sinh lớp 1. Sau một kỳ học vất vả, các con cần được thư giãn, nghỉ ngơi đồng thời kết hợp với công việc thực tế, đặc biệt là dành thời gian quan tâm tới người thân trong gia đình.
"Đối với trẻ nhỏ, nên để chúng vừa học vừa chơi để có hiệu quả tốt nhất. Thêm vào đó, nhiệm vụ của học sinh sẽ được phụ huynh ghi hình, chụp ảnh lại và gửi cho giáo viên để nộp "báo cáo" nhưng đồng thời cũng là dịp để phụ huynh lưu lại những hình ảnh "trưởng thành" của các con sau một năm học tập", cô Bùi Thị Xuân nhấn mạnh.