Nhắc đến Táo Quân, chắc hẳn ai cũng nghĩ đến ngay một món ăn tinh thần mỗi dịp Tết về của người Việt Nam. Trong suốt nhiều năm qua, Táo Quân không chỉ gây dấu ấn về một chương trình mang lại tiếng cười, quy tụ dàn nghệ sĩ gạo cội mà còn mang đến những thông tin nổi bật nhất trong một năm.
Nội dung chính của chương trình xoay quanh những vấn đề xã hội nổi bật trong năm được các Táo tung hứng và nhận xét rất thâm thuý, từ đó tạo ra những câu nói viral trên mạng xã hội.
Và mỗi mùa Táo Quân qua đi, những câu nói thâm thuý cứ in sâu trong tâm trí của của khán giả khiến người người cứ nhắc lại mãi không thôi. Đặc biệt, năm nào Táo Giáo dục cũng gây được ấn tượng mạnh mẽ với khán giả qua phần thể hiện dí dỏm của nghệ sĩ Vân Dung hay nghệ sĩ Chí Trung. Những sự việc nổi bật không chỉ được nêu ra mà còn được phân tích, thể hiện một cách thâm thuý, cô đọng, vừa có tính hiện thực song cũng rất hài hước. Mỗi lần nhắc lại, khán giả sẽ nhớ như in những sự kiện đó.
Cùng nhìn lại những câu nói ấn tượng của Táo Giáo dục trong những mùa phát sóng của Táo Quân.
Câu nói thể hiện những nỗ lực của ngành Giáo dục trong năm 2020 khi dịch Covid-19 xuất hiện, khiến cho các kì thi cũng phải lùi thời gian khá nhiều như kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, tuyển sinh vào lớp 10 ở một số địa phương...
Táo Giáo dục Chí Trung hài hước nói về hoàn cảnh dạy học online ở nhà của các thầy cô. Khi học trực tuyến ở nhà, nhiều giáo viên đã "tối giản" trang phục của mình bằng trên com-lê, áo dài tay nhưng dưới đôi khi chỉ là... quần ở nhà.
2 câu nói gây bão được Táo Giáo dục đúc kết lại sau bê bối chấm thi THPT Quốc gia năm 2018 ở hàng loạt các tỉnh thành bị phanh phui. Điển hình là Hà Giang, Sơn La, nơi mà có em được nâng đến 9 điểm trên tổng bài thi của mình.
Tháng 4/2019, Bộ GD&ĐT, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ các hành vi gian lận nâng điểm, sửa bài thi... Bộ GD&ĐT đã chấm thẩm định bài thi nghi vấn. Kết quả 114 thí sinh Hà Giang với hơn 330 bài thi được nâng điểm. Hòa Bình có 63 thí sinh năm 2018 và một thí sinh năm 2017 với 140 bài thi được sửa điểm. Sơn La có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và hai bài Ngữ văn có sự can thiệp. Mức điểm nâng tối đa là 9,25 cho một bài thi. Bộ GD&ĐT đã huỷ kết quả thi của các thí sinh này và tiến hành điều tra, xét xử những người có liên quan.
Câu nói "Chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm" ra đời trong chương trình Táo Quân năm 2017, khi thực tế điểm đầu vào của một số trường, khối ngành Sư phạm rất thấp. Chỉ với 12,75 điểm thi THPT Quốc gia là đã có thể đỗ vào ngành Sư phạm của trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế.
Tuy nhiên, theo ông Trương Thế Quy (Phó trưởng phòng Công tác Sinh viên, cán bộ phụ trách tư vấn tuyển sinh của trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế) giải thích, đây là điểm quy chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT. Trên thực tế, tổng điểm 3 môn xét tuyển vẫn đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ quy định. Dù vậy, ông Quy thừa nhận nhìn chung, điểm chuẩn mấy năm nay của trường đang có xu hướng giảm.
Thống kê điểm chuẩn trúng tuyển của các trường Sư phạm tại các địa phương năm 2017 cho thấy, ngoài 2 trường là ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sài Gòn, đa phần các trường đều lấy điểm chuẩn bằng hoặc nhích hơn một chút so với điểm sàn của Bộ GD-ĐT.
Trong đó có ĐH Vinh (Nghệ An), ngoài một số ngành học là Sư phạm tiếng Anh, Giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non và giáo dục thể chất có điểm chuẩn từ 20-27 điểm, tất cả các ngành sư phạm còn lại đều lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn là 15,5 điểm. Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) cả 10 ngành sư phạm hệ ĐH lấy điểm chuẩn xét theo kết quả thi THPT quốc gia là 15,5...
Tổng hợp
https://kenh14.vn/5-cau-noi-de-doi-trong-tao-quan-nhac-lai-cac-su-kien-dang-nho-cua-giao-duc-nam-nao-xem-lai-cung-thay-tham-20220128220900517.chn