Nhóm sinh viên Thái Lan và nghiên cứu biến trấu thành đá quý của mình - Ảnh: BANGKOK POST
Chia sẻ với Bangkok Post, nhóm sinh viên gồm Parnpailin Jaichuei, Chatcha Chuma và Saowalak Boonpakdi, đang học năm cuối tại Trường kỹ thuật Gốm, Đại học Công nghệ Suranari (SUT), cho biết nghiên cứu của họ xuất phát từ thực trạng Thái Lan là một quốc gia nông nghiệp với lúa gạo và mía đường là hai ngành sản xuất chủ lực.
Hằng năm, sản lượng nông sản lớn tạo ra khối lượng lớn rác thải nông nghiệp, như rơm rạ, vỏ trấu và bã mía. Phần lớn các loại rác thải này chưa được tái sử dụng hiệu quả, thường bị cày xới để làm phân bón, hoặc tệ hơn, bị đốt bỏ, gây ô nhiễm không khí với bụi mịn PM2.5, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và môi trường.
Từ đó, nhóm quyết định tìm hiểu đặc tính của các loại rác thải này, áp dụng kiến thức về kỹ thuật gốm để biến chúng thành sản phẩm có giá trị.
Quá trình gia công của nhóm - Ảnh: BANGKOK POST
Phân tích ban đầu cho thấy rác thải như vỏ trấu có nhiều silica, thành phần chính trong các loại đá quý tự nhiên. Nhóm sinh viên đã tận dụng đặc tính này để biến rơm rạ, vỏ trấu và bã mía thành đá quý gốm.
Quá trình bắt đầu bằng việc nung rác thải ở các mức nhiệt 300, 500 và 700 độ C để tạo ra tro chất lượng cao. Sau đó, tro được trộn với các chất cải tiến theo công thức hóa học và kỹ thuật gốm để tạo thành hỗn hợp.
Hỗn hợp này được nung chảy ở 1.300 độ C để tạo thành thủy tinh lỏng, sau đó làm nguội để đông cứng thành chất rắn. Tiếp theo, chất rắn được nung lại ở 550 độ C trong lò gốm để tăng độ bền và làm nguội từ từ nhằm tăng tính ổn định.
Thành phẩm của nhóm sinh viên - Ảnh: BANGKOK POST
Nữ sinh Saowalak cho biết màu sắc của viên đá quý phản ánh nguyên liệu mà nó được tạo ra. Kích thước của đá tương tự như các loại đá quý tự nhiên, bền và phù hợp cho các ứng dụng công nghiệp.
Quan trọng hơn, nghiên cứu này giúp gia tăng giá trị cho rác thải nông nghiệp. Chỉ với 1kg rác thải có giá khoảng 4 baht, nhóm đã tạo ra 20 viên đá quý, với tổng giá trị lên đến 24.000 baht.
Công trình của nhóm không chỉ mở ra tiềm năng mới trong việc tái chế rác thải nông nghiệp mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường và thúc đẩy giá trị bền vững.