Chuyên mục  


thay-tung-17358743656991463156573.jpg

Một tiết dạy môn lý của thầy Tùng cho học sinh lớp 11A11 Trường THPT Ernst Thalmann, Q.1, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đó là thầy Phạm Thư Tùng, không chỉ đặc biệt trong giảng dạy mà còn rất đặc biệt trong các nhiệm vụ khác.

Học sinh nào mà hỏi bài riêng với thầy là thầy giải thích rất tận tâm, bất chấp thời gian. Hết học kỳ 1 năm lớp 10, thầy hỏi lớp mình bạn nào yêu thích vật lý thì đến nhà thầy học, miễn phí.
Minh Thy (học sinh lớp 12A5 Trường THPT Ernst Thalmann)

"Choáng" từ buổi học đầu tiên

"Hồi học THCS mình không thích môn vật lý. Ngán nhất là đến kỳ kiểm tra, cầm đề cương học thuộc lòng mà mãi vẫn không vào. Nhưng khi mình gặp thầy Tùng thì mọi thứ đã thay đổi" - Trần Chúc Minh Thy, học sinh lớp 12A5 Trường THPT Ernst Thalmann, cho biết.

Thy kể: "Buổi học vật lý đầu tiên của năm lớp 10 tụi mình bị "choáng" khi thầy Tùng cho cả lớp chơi trò nhập môn vật lý.

Có một thau xà bông để ở giữa lớp. Từng học sinh lên hốt một ít xà bông lên tay, thầy bật hộp quẹt một cái thế là lửa bùng lên trên tay mình rồi tắt ngay. Trời ơi, mình vừa sợ, vừa vui, vừa bất ngờ. Hôm đó mình thấy vật lý cũng thú vị đấy chứ".

Ở Trường THPT Ernst Thalmann, tất cả học sinh học lý với thầy Tùng đều phải có một cuốn sổ, gọi là "bí kíp vật lý".

Các em sẽ được hướng dẫn ghi những công thức, những từ khóa, những sơ đồ tư duy... theo cách hiểu của mình trong suốt tiến trình học tập.

"Nhờ có bí kíp vật lý mà mình dễ hình dung về bài học hơn, môn lý trở nên dễ dàng hơn. Khi nào quên hoặc cần ôn lại nội dung trước đó, chỉ cần mở bí kíp vật lý ra là xong" - Trà Ngọc Phương, học sinh lớp 10A1, nhận xét.

Tại sao thầy Tùng lại có biệt danh là dạy vật lý với phong cách độc, lạ? Minh Thy "bật mí": "Thứ nhất, thầy không dạy theo sách giáo khoa mà dạy theo giáo án riêng của mình.

Thứ hai, cuốn bí kíp vật lý như "bảo bối" của mỗi học sinh. Thứ ba là thầy dạy theo kiểu tư duy, tiết dạy diễn ra vui vẻ, dễ chịu. Thầy không bắt buộc học sinh phải làm thật nhiều bài tập nhưng ai thích làm bài nâng cao thì nói với thầy, thầy sẽ giao bài riêng.

Còn nữa, học sinh nào mà hỏi bài riêng với thầy là thầy giải thích rất tận tâm, bất chấp thời gian. Hết học kỳ 1 năm lớp 10, thầy hỏi lớp mình bạn nào yêu thích vật lý thì đến nhà thầy học, miễn phí".

Năm nay, lớp của Minh Thy được nhà trường sắp xếp một giáo viên khác dạy lý. "Nhưng mình vẫn là thành viên quen thuộc trong lớp học miễn phí ở nhà thầy.

Mỗi tuần học một buổi với ba tiếng đồng hồ. Không những thế, đến cuối năm thầy còn tổ chức họp mặt các thế hệ học sinh "sống chết với lý", bản thân mình được truyền cảm hứng và học hỏi rất nhiều" - Minh Thy kể.

Có lẽ vì vậy mà từ một học sinh không thích lý, năm lớp 11 Minh Thy đã đoạt huy chương đồng môn vật lý trong kỳ thi Olympic 30-4. Và hiện tại, Thy đang là thành viên đội tuyển học sinh giỏi vật lý ở Trường Ernst Thalmann.

thay-tung-2-17358744165771040983254.jpg

Thầy Tùng dạy môn lý bài "Giao thoa" cho học sinh lớp 11A11 Trường THPT Ernst Thalmann, Q.1, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đổi mới công tác chủ nhiệm

Ở Trường THPT Ernst Thalmann, thầy Phạm Thư Tùng không chỉ "đặc biệt" khi đứng trên bục giảng. Ít ai biết rằng thầy giáo gây ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên với chiều cao 1,8m này từng là vận động viên cấp 3 dancesport quốc gia.

Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi Trường Ernst Thalmann có câu lạc bộ nhảy hiện đại, học sinh Ernst Thalmann có những màn biểu diễn võ nhạc cực kỳ chuyên nghiệp trong những dịp lễ hội, hoạt động ngoại khóa... mà thầy Tùng làm "chủ xị".

Không chỉ vậy, thầy giáo này còn là một trong những giáo viên tiên phong đổi mới công tác chủ nhiệm.

Năm 2018, các phụ huynh của lớp do thầy Tùng làm chủ nhiệm đã rất bất ngờ khi đi họp phụ huynh. Bởi buổi họp do chính con em họ "làm chủ" từ khâu lên kịch bản, đón tiếp, làm MC cho đến báo cáo kết quả học tập.

Buổi họp khiến nhiều phụ huynh cười rồi lại khóc. Buổi họp có clip ghi lại tất cả những hoạt động phong trào cũng như học tập của học sinh; có chương trình văn nghệ "cây nhà lá vườn"; rồi từng học sinh một lên sân khấu, cầm micro chia sẻ tâm tư với ba mẹ mình.

Người viết bài này đã được tận mắt chứng kiến buổi họp đó. Trong đó ấn tượng nhất là câu nói của một nam sinh: "Con mong ba mẹ hiểu rằng quãng đời học sinh có những thứ quý hơn cả điểm số, đó là kỹ năng - những thứ con phải phát triển và hoàn thiện trong tương lai, một tương lai mà ở đó không yêu cầu về điểm số".

Làm mọi cách để tiết dạy sinh động

Tính đến nay, thầy Tùng đã có thâm niên 11 năm đứng lớp. Và kỷ niệm trong năm đầu tiên đi dạy của thầy giáo trẻ rất đặc biệt.

"Tôi làm mọi cách để tiết dạy của mình phải thật sinh động, cuốn hút và vui vẻ. Các em học sinh cũng rất hào hứng với nhiệt huyết của tôi. Nhưng ngay đợt kiểm tra cuối học kỳ đầu tiên, hơn 50% học sinh ở những lớp do tôi giảng dạy có điểm kiểm tra vật lý dưới trung bình.

Dần dần, tôi mới hiểu ra dạy học sinh làm sao để các em hiểu được cái gốc của vấn đề chứ tiết dạy vui chỉ là bề nổi.

"Bí kíp vật lý" cũng nhằm mục đích này, học sinh phải hiểu rõ tại sao có công thức ấy, nó ở đâu ra.

Các em học với tôi và viết lại những gì mình hiểu vào "bí kíp vật lý" như một cách ôn lại bài. Tôi lên lớp và tùy từng đối tượng học sinh để quyết định nên dạy phần nào trước phần nào sau, hướng tiếp cận vấn đề như thế nào. Thế nên phải có kế hoạch bài dạy riêng".

Năm học 2016-2017, thầy Tùng đã đoạt giải nhất cuộc thi "Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT" do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức.

Nhưng với quan niệm "những gì mình biết không bao giờ là đủ", thầy không chỉ tự học mà còn tự bỏ tiền túi để đóng học phí tham gia các khóa học nâng cao chuyên môn, khóa học hướng dẫn giảng dạy vật lý bằng tiếng Anh... Có năm thầy giáo trẻ đi Hà Nội tìm hiểu về việc dạy vật lý thực nghiệm.

Ông tâm sự: "Thật ra dạy vật lý phải có thực nghiệm mới hiệu quả và có thể truyền đam mê cho học sinh. Tuy nhiên việc này đang gặp phải nhiều khó khăn như giáo viên chưa có kinh nghiệm, cơ sở vật chất hạn chế, máy móc hư cũng không biết sửa...

Tôi vẫn mơ ước về một trung tâm vật lý thực nghiệm với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, giáo viên có kỹ năng thao tác tốt, giảng dạy bài bản cho học sinh...".

"Cách phạt của thầy rất đặc biệt"

Năm học 2024-2025, thầy Tùng được xếp làm chủ nhiệm lớp 10A1.

"Thầy gần gũi, vui vẻ, hòa đồng với học sinh. Thầy đã tổ chức rất nhiều hoạt động giúp học sinh gắn kết với nhau, mình thích nhất là việc vô thư viện đọc sách theo nhóm đến hoạt động chạy bộ cuối tuần.

Mình ấn tượng với phương pháp dạy của thầy. Với những bài khó, thầy sẽ tóm tắt, chỉ cho tụi mình cách vẽ sơ đồ tư duy để dễ hiểu hơn. Thầy không la mắng, không nặng lời mà chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng và phạt. Cách phạt của thầy cũng rất đặc biệt.

Học sinh nào vi phạm nội quy như đi học trễ hoặc nói chuyện trong giờ học sẽ phải tập thể lực bằng cách hít đất 50 cái, tập, quay video rồi gửi cho thầy. Nhờ cách phạt này mà lớp mình ngày càng ổn hơn" - Trà Ngọc Phương kể.

Ông Nguyễn Hùng Khương (hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thalmann):

Tấm gương sáng về sự tận tụy và hiệu quả trong giáo dục

Thầy Phạm Thư Tùng là một giáo viên tận tâm, luôn nhiệt tình và trách nhiệm với công việc. Trong giảng dạy môn vật lý, thầy không áp đặt kiến thức mà kiên nhẫn dẫn dắt học sinh lĩnh hội một cách tự nhiên thông qua các hoạt động sáng tạo và trải nghiệm thực tế.

Nguyên tắc của thầy là đồng hành và hướng dẫn, không làm thay học sinh. Ban đầu điều này có thể khiến một số học sinh gặp khó khăn, nhưng với sự kiên trì và hỗ trợ từ thầy, các em dần hiểu phương pháp và có sự tiến bộ rõ rệt.

Trong công tác chủ nhiệm, thầy luôn gần gũi, thân thiện, đồng hành với học sinh, tạo được niềm tin từ phụ huynh và sự yêu mến từ học sinh.

Ngoài giảng dạy, thầy còn phụ trách CLB STEM, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, góp phần thúc đẩy phong trào học tập và sáng tạo trong nhà trường. Thầy Tùng thực sự là một tấm gương sáng về sự tận tụy và hiệu quả trong giáo dục.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020