Tại hội thảo về du học Mỹ chiều 12/11 do Tổ chức giáo dục Summit tổ chức, với hơn 15 năm kinh nghiệm tư vấn du học, ông Kuba Wrzesniewski, tiến sĩ Đại học California ở Bekerley, và bà Lê Diệu Linh, cử nhân Đại học Williams (Mỹ), cho rằng so với trước dịch Covid-19, nhiều đại học Mỹ đã có một số thay đổi trong tuyển chọn đầu vào.
Đề cao tính ứng dụng
Nhìn lại khoảng 10 năm trước, ông Kuba thấy rằng nếu ứng viên đạt điểm học tập (GPA) xuất sắc, kết hợp nhiều hoạt động ngoại khóa, có thể chơi thành thạo một loại nhạc cụ như violin, piano, hồ sơ đã bật lên so với mặt bằng chung.
Tuy nhiên, trong quá trình tư vấn và quan sát kết quả của học viên, ông Kuba thấy những tiêu chí trên hiện không còn đủ để tạo nên một bộ hồ sơ gây chú ý.
"Nếu như trước kia, bạn chỉ cần tập trung làm rõ mình là ai, mình xuất sắc như thế nào, thì giờ, bạn phải cho thấy được mình sẽ dùng tài năng đó để giải quyết vấn đề gì đang tồn tại ở đất nước bạn, rộng hơn là trên thế giới", ông Kuba nói.
Ông Kuba Wrzesniewski, cử nhân Đại học Harvard, tiến sĩ Đại học California ở Bekerley (Mỹ), tại hội thảo du học ngày 12/11. Ảnh: Minh Huyền
Đồng tình, bà Diệu Linh lấy ví dụ về một học viên có khả năng viết lách và yêu thích văn hóa đọc, đã trúng tuyển. Trong hồ sơ ứng tuyển, em này cho biết đã kết nối với Writing Through - một tổ chức phi lợi nhuận có nhiều hoạt động giúp phát triển tư duy, sử dụng kỹ năng viết - để tổ chức workshop cho các bạn trẻ.
Hay một học viên khác giỏi lập trình, thấy rằng quên tiếng Việt là một khó khăn của những người gốc Việt hoặc người Việt xa xứ. Bạn này đã kết nối với một giáo sư người Việt tại Pháp, người đang làm dự án sách học đánh vần cho người gốc Việt để đề nghị số hóa dự án này, giúp nhiều người tiếp cận dễ dàng hơn.
"Điểm số học thuật, chứng chỉ xuất sắc là chưa đủ. Học sinh phải luôn cập nhật và hiểu thời cuộc thay đổi ra sao, khả năng và thế mạnh của mình có ý nghĩa và hữu ích vào phần nào", bà Linh nói.
Không bắt buộc SAT
Hồ sơ ứng tuyển vào các đại học Mỹ thường bao gồm điểm SAT/ACT, chứng chỉ tiếng Anh, thư giới thiệu, tờ khai tài chính, CV hay Portfolio tổng hợp những dự án xã hội, bài luận cá nhân. Trong đó SAT (Scholastic Assessment Test) là bài kiểm tra kiến thức tự nhiên, xã hội và tư duy logic, vốn được sử dụng rộng rãi để tuyển sinh đại học, cao đẳng ở Mỹ trong vài chục năm qua.
Từ năm 2020 khi Covid-19 bùng phát toàn cầu, hàng loạt kỳ thi chuẩn hóa bị hủy. Do đó, các đại học Mỹ đã đưa SAT, từng là tiêu chí không thể thiếu, vào danh sách không bắt buộc (optional) trong hồ sơ du học. Đến nay, hàng nghìn trường vẫn duy trì việc này.
"Bạn có thể không nộp SAT, nhưng nếu có chứng chỉ này trong hồ sơ, điểm phải cao mới có cơ hội trúng tuyển đại học top đầu Mỹ", bà Linh nói.
Chẳng hạn, với 8 đại học Ivy League, những học sinh trúng tuyển thường có điểm SAT nằm trong top 25% người đạt điểm cao nhất, dao động 1.500-1.580/1.600.
Do đó, bà Linh khuyên ứng viên nếu cảm thấy quá vất vả để học và thi SAT, hoặc đã thi 2-3 lần mà kết quả không như ý thì có thể không nộp chứng chỉ nữa, dành thời gian và tiền bạc để đầu tư cho các yếu tố khác của hồ sơ.
Bà Lê Diệu Linh, cử nhân Đại học Williams (Mỹ), tại hội thảo du học ngày 12/11. Ảnh: Minh Huyền
Tăng điểm chứng chỉ tiếng Anh
Cách đây vài năm, hầu hết đại học Mỹ, trừ một số trường top đầu, chỉ yêu cầu IELTS tối thiểu 6.5. Nhưng hiện tại, nhiều trường đã nâng ngưỡng này lên 7, thậm chỉ 7.5.
"Ví dụ, Đại học Connecticut từng yêu cầu IELTS 6.5, hiện đã lên 7. Đại học Rochester từ 7 lên 7.5 IELTS", bà Linh cho biết.
Theo bà Linh, yêu cầu này có thể bắt nguồn từ việc các trường không còn bắt buộc ứng viên có điểm SAT. Vì thế, họ cần có một căn cứ rõ ràng hơn để chứng minh năng lực tiếng Anh của ứng viên.
Đánh giá chung, ông Kuba cho rằng không có công thức cụ thể để chắc chắn trúng tuyển vào các đại học top đầu Mỹ. Tuy nhiên, việc nắm bắt các xu hướng, thay đổi sẽ giúp ứng viên và gia đình có sự chuẩn bị tốt hơn.
"Thành tích cùng sự chân thành, đam mê kết hợp với nhận thức về bối cảnh thế giới là những gì hồ sơ cần", ông Kuba nhấn mạnh.
Thanh Hằng