Trẻ em học bơi miễn phí ở Đà Nẵng - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Trẻ bơi giỏi vẫn có thể đuối nước. Dạy trẻ sinh tồn dưới nước giúp trẻ ở bất cứ mực nước nào cũng biết cách thở, dựa vào nước để nổi lên. Khi bơi trong bể tốt rồi thì phát triển kỹ năng bơi ao, hồ, biển; học cách bơi tập thể, hỗ trợ nhau dưới nước và cứu đuối.
Ông NGUYỄN NGUYÊN LONG
Miền Trung vốn có địa hình nhiều ao hồ, kênh, rạch, sông và đường bờ biển dài… nên càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với trẻ.
Tập huấn phòng chống đuối nước
Trong 4 tháng đầu năm nay, hầu hết các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị… đều có trẻ chết đuối trên biển, sông hồ, thậm chí là những ao nước được đào để xây dựng ngay ở khu dân cư.
Theo thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Quảng Ngãi, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021 đã có 5 trẻ tử vong do đuối nước. Hay mới đây giữa tháng 4, chưa đầy một tuần, tại tỉnh Quảng Bình xảy ra 2 vụ tai nạn đuối nước khiến 4 trẻ tử vong.
Tuy những năm gần đây tình trạng trẻ em đuối nước đã giảm so với 10 năm trước song vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ. Nhiều địa phương khu vực miền Trung đã đồng loạt rà soát và thực hiện rào chắn, cắm biển cảnh báo những "điểm đen" để ngăn ngừa tai nạn đuối nước xảy ra.
Công tác tuyên truyền, tập huấn về kỹ năng phòng tránh đuối nước cũng được tập trung cao hơn. Ngoài việc cha mẹ cho con học bơi ở các hồ bơi tư nhân, các địa phương ở miền Trung đã kêu gọi xây dựng hàng chục bể bơi từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Mô hình dạy bơi miễn phí cũng được nhân rộng.
Anh Mai Văn Nam - phó bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị - cho biết bên cạnh hoạt động tập huấn kỹ năng phòng chống đuối nước cho thanh thiếu nhi, Tỉnh đoàn phối hợp triển khai ngăn sông, ngăn đê dạy bơi cho trẻ.
Mô hình này xuất phát từ khó khăn của tỉnh trong việc thiếu hồ bơi trong khu dân cư để trẻ thực hành. Từ đó, Tỉnh đoàn đã kêu gọi ngăn đê, ngăn sông dạy bơi cho trẻ và có sự giám sát, hướng dẫn của người lớn.
"Hiện tại mô hình được áp dụng ở hầu hết các huyện trong tỉnh, nhất là những huyện Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong… vốn có tỉ lệ trẻ đuối nước cao" - anh Nam cho biết.
Về phía Đà Nẵng, anh Nguyễn Bá Duân - phó bí thư Thành đoàn - thông tin đã đề nghị các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phòng chống tai nạn đuối nước cho thanh niên, trẻ em trong dịp hè. Cách thức tập huấn sẽ cụ thể hóa bằng đồ họa và hình ảnh trực quan, đồng thời chia sẻ rộng rãi thông qua mạng xã hội.
"Chúng tôi còn phối hợp với Hội chữ thập đỏ tập huấn kỹ năng cứu đuối và sơ cứu cho người đuối nước" - anh Duân cho hay.
Học kỹ năng sinh tồn dưới nước
Nếu chỉ nhờ sự vào cuộc của nhà trường, xã hội thì chưa toàn diện. Trong nhiều vụ việc, nước cuốn trẻ đi rồi, trong nước mắt, người lớn mới giật mình.
Ông Nguyễn Nguyên Long - giám đốc Học viện kỹ năng sống Con Rồng Cháu Tiên (Đà Nẵng) - nhận định: "100% các trường hợp đuối nước ở trẻ, lỗi tại người lớn. Để trẻ em đuối nước là do người lớn chưa trang bị, cảnh báo đủ, chưa bảo vệ các em trước những nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tâm".
Theo ông, việc đầu tiên là cần cho trẻ tập làm quen với nước từ sớm và học kỹ năng sinh tồn dưới nước, trước khi học bơi. Ông chia sẻ phụ huynh phần lớn chỉ quan tâm việc con họ biết bơi chưa, ít người biết kỹ năng sinh tồn dưới nước mới là quan trọng. Biết bơi thôi chưa hẳn đã an toàn, trẻ em nhất thiết phải được học kỹ năng sinh tồn dưới nước, cách hỗ trợ nhau và cứu đuối. "Có rất nhiều thứ trẻ phải học trong một thời gian dài chứ không phải biết bơi là đủ" - ông Long nhấn mạnh.
Tham gia nhiều vụ cứu nạn cứu hộ, ông Nguyễn Quốc Vinh - đội trưởng đội cứu hộ các bãi biển du lịch Đà Nẵng - khẳng định gia đình là nhân tố quan trọng để hạn chế tai nạn đuối nước.
Ông Vinh khuyến cáo người lớn phải thường xuyên giám sát, chủ động nhắc nhở, dạy bảo con em về hành vi tắm mát, bơi lội tại các sông, hồ; trang bị cho trẻ được biết về các nguy cơ có thể xảy ra khi đến gần những nơi có mặt nước hở để nâng cao tính cảnh giác.
Theo ông Vinh, khi cho trẻ đi tắm biển, ao, hồ, sông… người lớn phải kiểm tra độ sâu và chướng ngại vật trước; luôn cho trẻ mặc áo phao khi xuống nước, bơi cùng con và không để con bơi quá xa bờ. Tuyệt đối không tắm ở vùng hoang vắng, tắm gần các bến bãi tàu bè, mỏm đá, cọc đóng trên biển… Tốt nhất chỉ nên cho trẻ tắm tại các bãi biển có đội cứu hộ hoặc trong khu vực bơi được chỉ định.
Ngoài ra, phụ huynh dạy trẻ cách phát hiện biển báo, chỉ dẫn ở những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Trường hợp nếu không may bị nước cuốn hãy giơ tay vẫy và la lớn để nhờ người trợ giúp. Ông lưu ý thêm: "Trẻ em các vùng quê không có bãi tắm và lực lượng cứu hộ nên cha mẹ phải răn đe con không tắm biển nếu không có người lớn đi kèm".
Ông Nguyễn Quốc Vinh nhấn mạnh chính phụ huynh cũng cần trang bị các kiến thức để bảo vệ trẻ trước nguy cơ tai nạn sông nước, cần biết bơi để chơi dưới nước với con, không cần bơi giỏi nhưng phải học kỹ năng cứu đuối.
TTO - Quên mình lao xuống dòng nước xoáy cứu 3 đứa trẻ, anh Trần Văn Tròn (20 tuổi, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) vừa được Tỉnh đoàn Quảng Nam trao tặng huy hiệu "Tuổi trẻ dũng cảm".