Vượt qua chặng đường hơn 1000km từ Huế vào TPHCM, Võ Thành Nhân (sinh viên ngành Y Đa khoa, ĐH Y Dược Huế) mang theo nhiệt huyết sức trẻ cùng khao khát cống hiến hết mình trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đầy cam go.
Những ngày không thể quên...
Thành Nhân ghi tên mình vào danh sách tình nguyện viên tham gia chống dịch tại TPHCM với tinh thần "tuổi trẻ xông pha". Ban đầu gia đình em có nhiều lo lắng, trăn trở với quyết định này. Tuy nhiên, sau đó Nhân đã cố gắng thuyết phục và kiên quyết với lựa chọn của mình nên bố mẹ cũng ủng hộ và động viên em "lên đường".
"Tụi em vào TPHCM được 1 tháng rồi. Trước khi đi em phải trải qua một khóa tập huấn về cách lấy mẫu, cách sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân, truy vết F0, F1 và tiêm trước vaccine. Em đã từng có kinh nghiệm tham gia chống dịch ở Huế, nhưng hồi đó chỉ làm bên bộ phận khai báo y tế. Thế nên nhiệm vụ lần này sẽ có nhiều khó khăn, thử thách hơn. Nhưng tuổi trẻ mà, cứ cống hiến hết mình để sau này nhìn lại không phải hối tiếc. Em luôn mong bản thân có thể làm điều gì đó có ý nghĩa cho cộng đồng", Thành Nhân chia sẻ.
Lúc mới bước chân vào "tâm dịch" TPHCM, Nhân làm việc tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân - một trong những nơi có diễn biến dịch căng thẳng. Nhiệm vụ của Nhân là lấy mẫu test nhanh và test PCR trong cộng đồng.
Nhớ lại thời gian đầu, chàng trai sinh năm 1999 gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi với thời tiết thất thường và công việc trao đổi với người dân. Nam sinh nhớ lại: "Mới đầu thì em gặp phải 2 điều khó khăn là ngôn ngữ vùng miền và thời tiết. Về ngôn ngữ thì đôi khi em và người dân chưa hiểu được ý đối phương muốn truyền tải, nhưng nhờ mọi người rất thân thiện và hợp tác nên vấn đề này nhanh chóng được khắc phục.
Còn thời tiết thì khá thất thường, mưa cũng nhiều nữa. Trời mưa khiến công tác lấy mẫu của tụi em khó khăn hơn, người dân xếp hàng cũng vất vả. Còn những hôm trời nắng to, mặc 2 bộ đồ bảo hộ, mồ hôi bết dính lại, cảm giác nóng hầm hập, rất mệt và thậm chí còn suýt ngất xỉu".
2 tuần sau đó, Nhân được chuyển sang làm việc tại khu cách ly. Tại đây, Nhân thực hiện nhiệm vụ chăm sóc các bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và hỗ trợ các bác sĩ trong điều trị. Mỗi ca trực thường kéo dài 12 tiếng/ ngày. Đối mặt với nguy hiểm, Nhân luôn tuân thủ các quy trình trong công việc để ngăn nguy cơ lây nhiễm.
Nhân và các bạn chỉ có thể nói chuyện, động viên nhau qua lớp đồ bảo hộ, biết tên nhau qua những dòng chữ viết vội. Mọi người đều cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Ai cũng mang theo niềm hy vọng chiến thắng đại dịch.
Tình người ấm áp xua tan mệt mỏi
Dù công việc có phần nguy hiểm và vất vả nhưng Thành Nhân luôn mang theo niềm tự hào, hãnh diện để làm tròn trọng trách của mình. Bởi với nam sinh này, được góp công sức vào "cuộc chiến" chống dịch, trở thành "chiến sĩ chống giặc Covid-19" chính là niềm khao khát tuổi trẻ ở thời điểm này.
Trong thời gian tham gia chống dịch ở TPHCM, Nhân nhận được thông tin bà ngoại ở quê bị ốm. "Em thì sống với bà ngoại từ nhỏ, bố mẹ em ở nơi khác nên khi nghe tin bà ốm em rất lo lắng và buồn. May mắn là bà đã khỏe lại, với em thì gia đình là động lực để cố gắng và sống trọn vẹn mỗi ngày. Thời gian nghỉ ngơi em thường tranh thủ gọi điện về nhà hoặc nói chuyện với bạn bè", Thành Nhân tâm sự.
Thành Nhân là đại diện cho thế hệ trẻ không ngại khổ, với châm ngôn "Nếu có mệt mình vẫn phải đứng dậy, mọi người làm được thì mình cũng sẽ làm được". Nhân cũng nói thêm: "30 ngày ở TPHCM là chuỗi thời gian tụi em sống có ý nghĩa, được cống hiến cho đất nước. Em cảm nhận được tình người ấm áp xua tan mệt mỏi giữa hoạn nạn, khó khăn.
Khi lấy mẫu xét nghiệm gặp trời mưa nhưng hàng trăm người vẫn đứng xếp hàng ngay ngắn, không một lời than vãn. Có người còn mang ô cho tụi em đỡ ướt, chiếu đèn hỗ trợ lúc trời tối, mang đồ ăn, nước uống vì lo tụi em đói... Nói chung công việc vất vả nhưng em vẫn cảm thấy vui vẻ".
"Hạnh phúc cũng là một sự lựa chọn" là quan điểm sống của nam sinh xứ Huế. Anh chàng lý giải: "Mọi người luôn thấy công việc của mình khó khăn, gian khổ. Nhưng với mình đó là sự lựa chọn mang đến cho bản thân hạnh phúc. Hạnh phúc vì được cống hiến, hạnh phúc vì được thể hiện đúng trách nhiệm của bác sĩ, hạnh phúc khi được giúp đỡ cộng đồng. Lựa chọn tham gia tình nguyện chống với em đến hiện tại có lẽ là lựa chọn đúng đắn nhất, không một chút hối hận".
Kết thúc cuộc trò chuyện cùng PV Dân trí, Thành Nhân không quên nhắn gửi: "Mọi người đừng chủ quan, cùng nhau nâng cao ý thức, tuân thủ khuyến cáo, quy định của Bộ Y tế để chúng ta sớm vượt qua thời gian khó khăn này".
Bài và Thiết kế: Tuệ Nhi