Chuyên mục  


base64-1737024990701867712189.jpeg

GS.TS Chử Đức Trình - hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội - trình bày dự thảo - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Ngày 16-1, tại Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý với dự thảo chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học.

Buổi tọa đàm lấy ý kiến góp ý cho dự thảo có sự tham dự trực tiếp kết hợp trực tuyến của gần 40 cơ sở đào tạo và gần 20 doanh nghiệp.

Nhân lực vi mạch bán dẫn "không sợ thừa, chỉ sợ thiếu"

Theo GS.TS Chử Đức Trình - hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, chủ tịch Hội đồng tư vấn xây dựng chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học về vi mạch bán dẫn - cho biết ngành vi mạch bán dẫn không phải là một ngành công nghiệp. Đây là một "siêu ngành công nghiệp" bởi dư địa rất lớn.

Theo ông, lĩnh vực vi mạch bán dẫn đào tạo không hề dễ, nhân lực theo học cũng đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Theo đó, người học phải giỏi các kiến thức về toán, lý, hóa, các kỹ năng mềm, đặc biệt tiếng Anh.

"Vi mạch bán dẫn là lĩnh vực toàn cầu, kiến thức trên toàn cầu sử dụng là tiếng Anh. Nếu một sinh viên ngồi chờ đợi dịch tài liệu sang tiếng Việt để tìm hiểu thì quá chậm.

Các trường phải cẩn trọng trong thiết kế chương trình đào tạo, đầu vào của sinh viên. Đầu vào tốt thì đầu ra mới tốt", ông Trình nói.

Ông Trình cho rằng lĩnh vực vi mạch bán dẫn khác với các ngành nghề đặc thù khác. Khi học xong người học không chỉ làm được một nghề, mà có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực, nhiều quốc gia trên thế giới. Lý do là nhu cầu nhân lực vi mạch bán dẫn rất cao nhưng không phải trường đại học nào cũng có thể đào tạo được.

"Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hàng năm chỉ khoảng 30% thí sinh đi theo các ngành liên quan đến STEM. Không phải trường nào cũng có thể đào tạo sâu được lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Do vậy, những năm tới nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn không sợ thừa, chỉ sợ thiếu", ông Trình nói.

base64-1737028103221359971969.jpeg

Tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học diễn ra ngày 16-1 - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Không dừng ở trình độ đại học

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Anh Dũng - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo - khẳng định việc Thủ tướng ban hành Quyết định số 1017 về phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và Quyết định số 1018 về chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn thể hiện sự quyết tâm chính trị lớn của Đảng, Nhà nước trong việc tham gia sâu rộng đối với hệ sinh thái vi mạch bán dẫn trên toàn cầu.

"Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lập tức ban hành kế hoạch hành động của Bộ, đồng thời ra quyết định thành lập tổ công tác, hội đồng tư vấn liên quan đến chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học.

Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn được xây dựng với tinh thần không chỉ đào tạo trình độ đại học mà còn tiếp cận và tiếp nhận những sinh viên đang học năm 2, 3, 4 có nhu cầu chuyển sang học ngành vi mạch bán dẫn, đồng thời tiếp cận theo hướng đào tạo những người đã tốt nghiệp đại học nhưng vẫn có nhu cầu học tập vi mạch bán dẫn", ông Dũng nói.

Theo ông Trình, mục tiêu cụ thể của chuẩn chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn trình độ đại học là trang bị cho sinh viên kiến thức cơ bản và chuyên sâu về khoa học và công nghệ vi mạch bán dẫn, bao gồm vật liệu, cấu trúc, quy trình thiết kế, chế tạo và ứng dụng.

Bên cạnh đó là kỹ năng thực hành như phát triển kỹ năng thiết kế, mô phỏng, chế tạo và kiểm tra các hệ thống vi mạch bán dẫn, sử dụng các công cụ và phương pháp hiện đại; các kỹ năng mềm, ứng dụng và sáng tạo, kỹ năng hội nhập quốc tế, đạo đức và trách nhiệm xã hội…

Chuẩn đầu vào học vi mạch bán dẫn thế nào?

Theo dự thảo, chuẩn đầu vào với các chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn hệ chuẩn yêu cầu là người đã được công nhận tốt nghiệp THPT, người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp ngành nghề thuộc cùng nhóm ngành dự tuyển và đã hoàn thành đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa bậc THPT theo quy định.

Đối với đối tượng đầu vào sinh viên năm thứ 2, 3, 4 (không phải sinh viên năm cuối) từ các ngành học khác phải có học lực từ khá trở lên.

Về khối lượng kiến thức cơ bản, phải có khối kiến thức về toán, khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học) và tin học/công nghệ (điện - điện tử) đạt điểm trung bình từ 65% trở lên của thang đánh giá.

Về trình độ ngoại ngữ đối với đối tượng đầu vào chuyển tiếp từ năm thứ 2, 3, 4 (không phải sinh viên năm cuối) hoặc người đã có bằng tốt nghiệp đại học phải đạt trình độ ngoại ngữ từ bậc 3/6 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020